Chiêm nghiệm của Trần Lê Khánh trong tập thơ 'Đồng'

Đồng - tuyển tập Xứ 2 là tập thơ mới nhất của Trần Lê Khánh vừa được xuất bản quý III/2024. Với 100 bài thơ lục bát, nhà thơ đã tắm người đọc trong không gian thơ đương đại trên nền tảng của truyền thống.

Theo Nhà thơ Thi Hoàng, “Tập thơ “Đồng” là một trong những tác phẩm hay nhất, hiện đại nhất của Trần Lê Khánh từ trước đến nay, chọn một hình thức truyền thống để chuyển tải một nội dung hiện đại. Tác phẩm bộc lộ một địa chỉ tâm hồn, ở đó con người thời hội nhập không xa lạ bản sắc dân tộc. Qua tập thơ “Đồng”, Trần Lê Khánh thể hiện sự từng trải, không chỉ từng trải vốn sống mà còn từng trải văn hóa, để thi ca đi qua cái “nhìn thấy” mà đến cái “cảm thấy”, vì vậy hạn chế được nhược điểm của thể loại lục bát là thường ít thông điệp. Thể loại lục bát trong tập thơ “Đồng” quy nạp lại cho cả người đọc lẫn người viết một tâm trạng tích cực giữa xã hội bộn bề”.

Là người viết lặng lẽ và kín tiếng trên thi đàn nhưng với sáng tạo thì Trần Lê Khánh luôn quyết liệt đến tận cùng. Trong 8 năm qua anh đã ra mắt bạn đọc nhiều tập thơ có giá trị như Lục bát múa, Dòng sông không vội, Ngày như chiếc lá, Giọt nắng tràn ly, Xứ, Ngàn bài thơ khác... Nếu theo dõi xuyên suốt, liên tục hành trình thơ của Trần Lê Khánh, bạn đọc sẽ nhận thấy sự nghiêm cẩn, trách nhiệm cũng như nội lực và cả những khát vọng qua thơ của nhà thơ này.

Đồng - tuyển tập Xứ 2 là tập thơ mới nhất của Trần Lê Khánh vừa được xuất bản quý III/2024. Với 100 bài thơ lục bát, nhà thơ đã tắm người đọc trong không gian thơ đương đại trên nền tảng của truyền thống. Trần Lê Khánh không chỉ đi tìm những biểu tượng lớn lao để giải mã, mà anh cũng đồng thời gọi tên những gì khuất lấp qua góc nhìn độc đáo: “trăng khuya trông lớn hơn hình/ mẹ ngồi khâu áo mà đinh ninh vừa”. Thể thơ lục bát không những không khiến thơ anh bị cũ kỹ, sáo mòn mà ngược lại, nền tảng truyền thống ấy như làm dày thêm, tôn vinh thêm nét tinh tế, điêu luyện, nhuần nhuyễn trong ngôn ngữ biểu đạt của Trần Lê Khánh.

Yếu tố đương đại được biểu đạt qua những hình ảnh mang tính kết nối bất ngờ nhưng vô cùng lắng đọng, ngẫu hứng nhưng lại đầy thông điệp: “gặp nhau trong phút yếu mềm/ em sẽ cuộn chỉ cuốn thêm vào lòng/ sông còn giữ sóng nổi không/ bàn tay ta vỗ lên dòng nước xanh”. Qua những bài thơ lục bát này chúng ta có thể khẳng định, để đến được đương đại, để xuất sắc được với đương đại thì trước hết nhà thơ phải là người am hiểu và thấm nhuần được truyền thống, dân gian.

Với thi tập này, Trần Lê Khánh tiếp nối được những vẻ đẹp sáng tạo của riêng anh đã được gọi tên ở những tập thơ ra mắt trước đó. Không những vậy, thi sĩ còn mở ra những cách tiếp cận, giao tiếp với thế giới theo những lối riêng.

Có thể kể đến tính thời đại của thơ, dù viết về bất cứ điều gì, Trần Lê Khánh luôn cho thấy anh không đi ra khỏi con-người-thời-đại với những bản thể khác nhau nhưng cốt lõi, yếu tính của con người luôn được nhà thơ lật trở, đau đáu trong sáng tạo: “loài người đọc sách bao phen/ chữ rớt khỏi miệng sang hèn như nhau”. Cũng ở đây ta thấy rõ hơn bản chất của con người, bản chất của chính mình vì thơ ca chính là tiếng nói chân thực nhất. Do vậy, tính thời đại đã giúp cho thơ Trần Lê Khánh chạm đến người đọc bởi người đọc luôn tìm thấy mình trong ngôn ngữ, nhịp điệu thơ anh. Thêm nữa, dù viết bằng hình thức truyền thống nhưng thơ anh là những câu chuyện của thời đại hôm nay: “có ai mượn xác đồng tiền/ lâm râm khấn vái thần tiên cõi nào”.

Trần Lê Khánh luôn tối giản. Những gì được anh gọi ra luôn tinh lọc đến khắt khe nhưng chưa bao giờ mất đi cảm xúc/cảm hứng: “quê hương giờ quá mong manh/ con đò cặp bến cũng sành điệu hơn/ trăng vàng nhịn chín vài hôm/ người mượn thân xác rạ rơm ngủ vùi”. Giữa các khổ thơ không có dấu vết kết nối về đề tài nhưng chính khoảng trống giữa các khổ thơ lại là một khoảng không để bạn đọc liên tưởng, hình dung và kết nối. Trần Lê Khánh không chỉ hiểu chính mình đang nghĩ gì, cần gì, cảm thấy gì mà anh còn hiểu bạn đọc hôm nay thông minh và độc đáo. Thơ tối giản chính là một cách tôn trọng người đọc, để họ được riêng tư trong chính cái đọc của mình.

Tập thơ Đồng - tuyển tập Xứ 2 mang chất thiền của một người uyên áo. Sự sâu kín như mở ra bất tận bởi những lớp nghĩa trùng điệp: “biển xanh mà chết vội vàng/ sóng đừng quờ đại tiếng than của mình”. Sự màu nhiệm của thơ xuất hiện khi chúng ta vô cùng ngạc nhiên về thế giới mà thơ ca không ngừng mở ra. Không đại ngôn, không to tát, Trần Lê Khánh đã tạo nên được sự màu nhiệm ấy từ chính tâm hồn như đồng điệu cùng vũ trụ của anh.

Thi tập này cũng mở ra nhiều cách đọc, cách tiếp cận mới. Bạn đọc có thể thưởng thức từng cặp câu thơ, cũng có thể nắm bắt được trọn vẹn một ý tứ, một khoảnh khắc, một thi ảnh đẹp: “Hồi hôm con phố lên màu/ những ô cửa sổ bắt đầu ăn đêm”. Mỗi bài thơ được đánh thứ tự Xứ 1, Xứ 2... nghĩa là không có sự định sẵn tiêu đề, cũng có nghĩa là không có sự áp đặt. Chúng ta đọc trọn vẹn mỗi bài thơ và cảm nhận sự lắng đọng hay ngân vang thì cũng là một cách mà nhà thơ gửi gắm, ký thác vào ngôn ngữ với khát vọng mở ra những lay động, chạm tới những điều vi tế nhất. Chỉ khi ấy con người mới thực sự cảm thấy mình được sống đến tận cùng.

Với Đồng - tuyển tập Xứ 2, Trần Lê Khánh đề cập đến nhiều vấn đề của con người, thiên nhiên, đời sống, nhưng nhiều nhất vẫn là câu chuyện của tâm thức. Tâm thức là tình cảm và nhận thức đã ăn sâu và bền vững. Tâm thức thay đổi thì đời sống cũng thay đổi. Thơ ca trong khả năng của mình hoàn toàn có thể làm được điều đó theo chiều hướng tích cực, hướng thượng.

Tên thật: Trần Lê Khánh sinh năm 1971, sinh ra ở Hòa Bình, quê Bắc Ninh

Giải thưởng: Giải Hội Nhà văn Việt Nam 2022 - Giải Văn học cho Thơ

-Tập thơ: Lục Bát Múa 2016, nxb HNV, kết hợp với công ty SG book phát hành

- Dòng Sông Không Vội, nxb Hnv, 2017

- Ngày Như Chiếc Lá, Nxb HNV, 2018

- Lục Bát Múa Trọn bộ, Nxb Hnv 2019

- Giọt Nắng Tràn Ly, Nxb Hnv, 2020

- Xứ, nxb Hnv 2021

- The Begining of Water, Nxb White Pine Press, Mỹ, 2021 (giải văn học dịch Cliff Becker 2021)

- Ngàn Bài Thơ Khác, nxb Hnv , 2022

- Sự Bắt Đầu Của Nước, nxb AB Art, Hungary 2023

- Đồng, nxb Văn Học, 2024

- Sắp sửa xb: The Sum of Now tại Mỹ

Nhà báo Hoài Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chiem-nghiem-cua-tran-le-khanh-trong-tap-tho-dong-2359722.html