Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) là quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây còn lưu giữ các di tích lịch sử gắn liền với 3 triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu của nhà Lý và cũng là nơi lưu giữ nhiều hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Long sàng trước Nghi môn ngoại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được du khách đến chiêm bái.
Trong đó, phải kể đến các bảo vật quốc gia gồm: Cặp Long sàng ở Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Cột kinh Phật tại chùa Nhất Trụ. Đây là những tác phẩm được chạm khắc tỉ mỉ và trau chuốt đến từng chi tiết, xuất hiện hàng nghìn năm.
Chiếc Long sàng thứ nhất được đặt trước Nghi môn ngoại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Đây là hiện vật độc bản do triều đình phong kiến Lê - Trịnh chế tác với mục đích làm đồ tế khí dâng tại đền thờ.
Giữa Long sàng trang trí hình rồng cuộn mang đầy đủ nét đặc trưng của rồng thời Lê - Trịnh; thân rồng uốn kiểu yên ngựa, đầu to, bờm lớn ngược ra phía sau, miệng há to ngậm viên ngọc châu, răng nanh sắc nhọn, sừng hai chạc, đuôi rồng vuốt về phía sau uy nghi.
Long sàng này có niên đại đầu thế kỷ XVII (thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Hoằng Định thứ 9, năm 1608) được chế tác từ một tảng đá xanh nguyên khối, hình hộp chữ nhật, nặng khoảng 1,5 tấn (rộng 127cm, dài 187cm), chân đế hơi choãi tạo dáng quỳ vững chãi (rộng 134cm, dài 196cm).
Chiếc Long sàng thứ hai được đặt ở trước Bái đường Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng có tuổi đời trên 300 năm. Long sàng này cũng được tạc từ đá nguyên khối hình hộp chữ nhật, nặng khoảng 2 tấn (dày 18cm, dài 188cm, rộng 138cm). Chính giữa bề mặt được chạm khắc hình rồng tượng trưng cho quyền lực tối cao của nhà vua.
Trên bề mặt, hình rồng có dáng khoanh tròn, đầu hướng về phía Đông, nhìn lên đỉnh núi Mã Yên. Xung quanh mặt Long sàng được chạm khắc diềm trang trí với những hoa văn tỉa tót cầu kỳ, không theo quy tắc đối xứng.
Đường diềm phía trước là hình lưỡng long chầu nhật với đao mác vần vũ uy phong; diềm phía sau lại được trang trí những con vật dân dã, gần gũi với người nông dân như tôm cá, chuột, trâu... Phần chân đế gồm chín khối đá, có kích thước không đều nhau, vuốt tròn đều, thu lại về phía trên, tạo thế vững chãi đỡ mặt Long sàng.
Chùa Nhất Trụ cách Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 100m, nơi đây lưu giữ Cột kinh Phật bằng đá vôi có tuổi địa chất khoảng 300 triệu năm. Cột kinh Phật cao 4,16m nặng khoảng 4,5 tấn được đặt trên bệ đá xanh hình hoa sen.
Theo niên đại ghi trên hiện vật, cột kinh Phật chùa Nhất Trụ được vua Lê Đại Hành cho dựng vào năm 995, gồm 6 bộ phận gá lắp với nhau bởi các ngõng, bao gồm: Tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen. Tất cả các bộ phận gắn với nhau hoàn toàn không sử dụng chất kết dính, nhưng rất vững chắc dù đã trải qua ngàn năm.
Trên tám mặt cột đều được khắc chữ Hán, ước khoảng 2.500 chữ, nhưng nửa dưới thân cột không còn chữ, chỉ có nửa trên là còn chữ, song cũng không đầy đủ, có chỗ bị mờ khó đọc. Trong số này chỉ có bốn mặt còn đọc được một số dòng, bốn mặt còn lại bị mờ hoàn toàn, tuy nhiên cũng có thể nhận thấy phần văn tự cột đá này gồm lạc khoản, kệ, kinh.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Giang Bạch Đằng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử và văn hóa Cố đô Hoa Lư (Sở Du lịch Ninh Bình) cho biết, đối với các bảo vật quốc gia đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài công tác tuyên truyền cho du khách, người dân thì có hệ thống camera giám sát, bảo vệ túc trực 24/24h trông coi các bảo vật.
Theo ông Đằng, do đặc điểm, tính chất và chức năng của hiện vật, chịu tác động trực tiếp của thời tiết, khí hậu nên Sở Du lịch đã sử dụng phương pháp phủ nano đối với 2 Long sàng trên để khắc phục những tác động trực tiếp của yếu tố khí hậu, nấm mốc. Còn đối với Cột kinh Phật hiện đã được xây dựng nhà che, có lan can gỗ bảo vệ và đang trong tình trạng bảo quản tốt. Đến nay, các bảo vật vẫn giữ được hiện trạng như thời điểm trước khi thực hiện bảo tồn và xây dựng hồ sơ bảo vật quốc gia.
Phúc Tuấn