Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia nguyên vẹn nhất của văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ

Bảo tàng Cần Thơ đang trưng bày bảo vật quốc gia còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy trong nền văn hóa Óc Eo ở khu vực Nam Bộ.

Cần Thơ có 4 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng thành phố. Đây là những hiện vật/nhóm hiện vật của dân cư cổ Phù Nam, thuộc nền văn hóa Óc Eo (thế kỷ I-VII) được tìm thấy ở địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành (thuộc xã Nhơn Thành, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ).

Bộ khuôn đúc Nhơn Thành (thế kỷ I-VII) là một sáng chế tiêu biểu của nghề kim hoàn - đại diện cho ngành thủ công nghiệp bản địa rất phát triển trong thời kỳ văn hóa Óc Eo.

Bảo vật thể hiện đầy đủ quy trình chế tác đồ trang sức bằng kim loại, từ phác thảo, tạo tác hoàn thiện các khuôn đúc đến quá trình luyện kim, đổ khuôn và cho ra thành phẩm của cư dân Phù Nam.

Bộ khuôn gồm 11 hiện vật: mẫu xỉ kim loại, nồi nấu, cốc rót kim loại bằng đất nung, dụng cụ dùng để uốn vòng tay bằng gốm, 3 khuôn đúc và 4 hiện vật bằng kim loại tương thích (vòng tay, khuyên tai răng cưa, khuyên tai con đỉa, khuyên tai quả bí).

Bình gốm Nhơn Thành (thế kỷ V) được cấu tạo từ đất sét mịn, cứng chắc. Xương gốm màu xám nhạt, áo gốm màu vàng nhạt, thân hình cầu, cổ thắt thấp, vành miệng bẻ lật, vai nở rộng và một bên gắn vòi xiên thẳng lên trên. Đây cũng chính là hiện vật còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy trong nền văn hóa Óc Eo ở khu vực Nam Bộ.

Hiện vật này thể hiện được sự hội tụ, kết tinh đỉnh cao của kỹ thuật thủ công chế tác gốm cùng tư duy thẩm mỹ độc đáo, có sự giao thoa văn hóa, tôn giáo ngoại nhập (Ấn Độ) với văn hóa bản địa.

Tượng Phật Nhơn Thành (thế kỷ IV-VI) được chế tác từ khối gỗ màu nâu đen, dáng đứng lệch hông mềm mại, sống động nhưng vẫn giữ được bố cục cân đối, vững chắc trên tòa sen.

Đỉnh đầu tượng Phật có dấu vết nhục kế usnisa, tóc xoắn ốc. Đặc điểm, đường nét trên khuôn mặt và dáng vẻ có tính biểu cảm, nhẹ nhàng và gần gũi.

Linga - Yoni gỗ Nhơn Thành (thế kỷ V) là hiện vật đầu tiên và duy nhất được tìm thấy trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

Bảo vật dạng hình chữ nhật, khối nổi Linga (biểu hiện tính nam của thần Shiva) ở trung tâm được tạo tác trong tư thế nằm gọn trong lòng Yoni (biểu hiện tính nữ của thần Shiva) với dáng thuôn dài, một đầu nhọn hướng về phần đầu vòi. Điều này thể hiện đặc tính sinh sôi nảy nở mãnh liệt trong tín ngưỡng phồn thực của người xưa. (Ảnh: Bảo tàng Cần Thơ)

Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày nhiều hiện vật khác của văn hóa Óc Eo cùng các tư liệu, hiện vật, tranh ảnh một thời chiến đấu hào hùng của dân tộc Việt Nam, nền văn hóa đa dạng bản sắc và cả quá trình hình thành, phát triển mảnh đất Cần Thơ.

Trần Tuyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chiem-nguong-bao-vat-quoc-gia-nguyen-ven-nhat-cua-van-hoa-oc-eo-o-nam-bo-2345280.html