Chiêm ngưỡng bộ sưu tập 'Hóa Rồng' lập kỉ lục Việt Nam
Bộ sưu tập 'Hóa Rồng' trên chất liệu mo cau được họa sĩ Hoàng Trúc (Vĩnh Phúc) thực hiện để đón năm 2024 với mong muốn Việt Nam trở thành một con rồng châu Á thực thụ, đồng thời gửi thông điệp về bảo vệ môi trường.
Video Họa sĩ Hoàng Ngọc Trúc vẽ trên chất liệu mo cau
Họa sĩ Hoàng Ngọc Trúc (sinh năm 1962, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nổi tiếng về tài vẽ các chủ đề quê hương, cuộc sống con người Việt Nam trên chất liệu mo cau. Từ năm 2020 đến nay, ông đã vẽ được hàng nghìn bức tranh mo cau, trong đó có 2.024 bức tranh vẽ hình rồng.
Họa sĩ chia sẻ, sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Vĩnh Phúc, chiếc mo cau giản dị đã trở thành một miền ký ức không thể nào quên trong ông. Vì vậy khi tìm kiếm một chất liệu để thổi hồn cho tác phẩm nghệ thuật, ông đã nghĩ ngay đến chiếc mo cau.
Những chiếc mo cau mộc mạc, gần gũi và tưởng chừng như bỏ đi, nay qua bàn tay tài hoa của nghệ sĩ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sinh động và thân thiện với môi trường.
“Bộ sưu tập "Hóa Rồng" trên chất liệu mo cau được tôi ấp ủ từ lâu để đón năm Giáp Thìn 2024 với mong muốn đất nước sẽ trở thành một con rồng châu Á thực thụ. Đồng thời gửi thông điệp về bảo vệ môi trường cũng như giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam”, họa sĩ cho hay.
Để đón năm Giáp Thìn, ông đã hoàn thành 2.024 bức tranh vẽ rồng trên mo cau với nhiều hình dạng khác nhau, màu sắc đa dạng, bắt mắt.
Họa sĩ cho biết rất khó để tìm kiếm mo cau với số lượng lớn. Ông đã phải liên hệ với những đầu mối, người quen ở các tỉnh như Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang để tìm nguyên liệu… Tìm được nguồn rồi, nhưng cách xử lý sao cho mo cau không bị ẩm ướt, mốc là một vấn đề rất nan giải.
Họa sĩ Hoàng Ngọc Trúc đã dành thời gian nghiên cứu khắc phục sự cong vênh, ẩm mốc của mo cau trước tác động của thời tiết, cũng như cắt – tỉa, ép phẳng sao cho tự nhiên nhất. Việc tìm ra chất liệu màu để giữ được độ bền tốt nhất khi vẽ trên mo cau cũng là một thách thức.
Mo cau khô rất trơn và có nhiều rãnh nên vẽ trên mo cau rất khó. Qua nhiều lần nghiên cứu và thực hành, ông đã quyết định dùng màu acrylic vì có độ phủ cao hơn, khô nhanh hơn màu nước rất nhiều, độ bền màu tốt.
Màu sắc trên chất liệu mo cau cũng tạo ra nhiều mảng ánh sáng có chiều sâu.
Mỗi bức tranh trên mo cau vì thế đều trở thành một tác phẩm nghệ thuật thân thương và gần gũi với những người yêu tranh, yêu nghệ thuật.
Ngoài bỏ công sức, dành trọn tình yêu cho mo cau, họa sĩ còn không tiếc những đồng lương hưu của mình để mua mo cau. Ông chia sẻ: “Nói về kinh phí làm bộ sưu tập "Hóa Rồng" không thể tính toán hết được. Nhiều khi vợ tôi còn hỏi tháng này anh không có lương hưu à”.
“Mong muốn lớn nhất của tôi khi vẽ bộ “Hóa Rồng” trên chất liệu mo cau là để cho thế hệ trẻ bây giờ thấy được cuộc sống của ông cha ta từ xưa và những người nước ngoài khi xem tranh mo cau phải thốt lên, Việt Nam có một họa sĩ bờm - họa sĩ vẽ trên mo cau”, ông Trúc nói.
Bộ sưu tập của ông được công nhận Kỉ lục Việt Nam vào ngày 2/10/2023. Thời điểm đó, ông vẽ được 1.324 bức tranh mo cau hình rồng, gồm 100 bức trên những chiếc quạt mo cau và 1.224 bức hình vuông kích thước 23x23cm.
Năm 2021, ông bắt đầu xây Bảo tàng tranh Hoàng Trúc với 4 tầng treo tranh để đón khách tham quan. Trong không gian bảo tàng, tranh vẽ rồng trên mo cau ông trưng bày khắp mọi nơi.
Họa sĩ đang sắp xếp, vận chuyển hơn 1.000 bức tranh mo cau vẽ rồng xuống Hà Nội, bộ sưu tập “Hóa Rồng” sẽ được trưng bày vào đầu năm 2024 tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội).