Chiêm ngưỡng cổ vật Cung đình Huế
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là nơi lưu giữ tinh hoa vương triều nhà Nguyễn. Bảo tàng ra đời năm 1923, nhiều lần thay đổi tên gọi như: Museé Khai Dinh - Bảo tàng Khải Ðịnh, Tàng Cổ Viện, Viện Bảo tàng Huế, Bảo tàng Cổ vật Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Từ năm 2007 đến nay, bảo tàng có tên gọi Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Bảo tàng hiện trưng bày và lưu giữ, bảo quản hơn 11 ngàn hiện vật, phần lớn có xuất xứ từ Cung đình triều Nguyễn như: bộ sưu tập đồ sứ, sưu tập đồ pháp lam, sưu tập trang phục cung đình, sưu tập ấn triện, sưu tập nhạc khí dùng trong các cuộc lễ tế, sưu tập tranh gương, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn, sưu tập súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Trong đó có 8 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Các sưu tập của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế phản ánh đời sống vật chất, lễ nghi chính trị và tư tưởng của tầng lớp quý tộc, vua quan nhà Nguyễn; thể hiện qua các trang phục cung đình, đồ sứ ngự dụng, đồ tự khí, đồ gỗ trang trí nội thất, các vật dụng dùng trong sinh hoạt và nghi lễ, với nhiều loại chất liệu khác nhau: vàng, bạc, đồng, xương, ngà, pháp lam, gốm sứ, gỗ, vải, giấy.
Ðặc biệt, bảo tàng còn sở hữu Khu cổ vật Champa, nhằm giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Champa trong nhiều thế kỷ; thể hiện vị trí đặc biệt của văn hóa Champa trong tiến trình hình thành và phát triển những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế.
Nhằm nâng tầm và đủ không gian cho việc phát huy tối đa giá trị Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trong chuyến thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị cổ vật cung đình Huế qua các thời đại là cần thiết. Thế nhưng, hiện nay bảo tàng đang tận dụng không gian di tích của điện Long An, cũng là một di sản quý giá, để trưng bày, chứ chưa có không gian riêng phù hợp.
Vì thế Thủ tướng đã đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lập dự án xây dựng bảo tàng ở vị trí khác, trả lại nguyên trạng không gian di tích điện Long An.
Hiện Huế đang chuẩn bị cho phương án xây dựng mới Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, nhằm đón khách tham quan, thưởng ngoạn, để hiểu hơn về triều đại nhà Nguyễn một thời./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chiem-nguong-co-vat-cung-dinh-hue-a30297.html