Chiến công thầm lặng của đoàn tàu không số
LTS: Cách nay đúng 8 năm (24-7-2012), nhiều cựu binh khắp mọi miền đất nước đã cùng đông đảo người dân Bến Tre long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng cho đơn vị A101 Đoàn 962 (Bến - Bến Tre) đoàn tàu không số - đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với đường Trường Sơn, đường 'Hồ Chí Minh trên biển' với những con tàu không số làm nhiệm vụ bí mật, tổ chức tiếp nhận, vận chuyển vũ khí (VK) từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
BẾN CẢNG LÒNG DÂN
Cách nay 59 năm, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, những người con Nam bộ, trong đó có các đồng chí ở Bến Tre, đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, vượt biển, mở đường ra miền Bắc thắng lợi, tạo tiền đề để mở tuyến vận chuyển trên biển Đông chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
Trong gần 15 năm thực hiện nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, tuyến đường trên biển với những đơn vị: Đoàn 759 (sau là Lữ đoàn 125) cùng các Bến: Vũng Rô, Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau (Đoàn 962) đã lập nên kỳ tích với những chiến công oanh liệt, góp phần vào thành tích chung của quân dân Nam bộ và cả nước giành thắng lợi, thống nhất đất nước.
Nhằm đáp ứng yêu cầu đưa nhanh VK tới chiến trường và có lượng dự trữ đáp ứng nhu cầu, các Quân khu (QK) 7, 8, 9 xây dựng 1 đơn vị tương đương cấp sư đoàn, lấy phiên hiệu Đoàn 962, bố trí các Bến: Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa, chọn Bến Tre làm nơi đứng chân, trong đó có 1 đơn vị Bến tương đương cấp trung đoàn là A101.
Được hình thành sau Đồng khởi năm 1960, A101 Đoàn 962 (Bến - Bến Tre) là một trong những đơn vị đầu tiên vượt biển, mở đường ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa và 2 lần tổ chức Bến tiếp nhận. Tháng 2-1961, theo chỉ đạo của Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy và Ban Quân sự Bến Tre chọn một số cán bộ trung kiên được thử thách, giỏi nghề biển... chuẩn bị mở đường. Thay mặt Khu ủy Khu 8, đồng chí Nguyễn Văn Khước (Năm Chung) về Bến Tre tổ chức mở đường.
Để giữ bí mật nhiệm vụ ngay từ đầu, đồng chí Năm Chung đưa vợ (Lê Thị Lịch) và các con đến Cồn Tra, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú sinh sống với lý do sức khỏe yếu, về đây sản xuất tự túc nuôi quân. Hai bộ phận ở Bình Đại và Thạnh Phú cũng được nghi trang là đơn vị tự túc, mang phiên hiệu HN75. Để nắm chắc luồng lạch, bến bãi, đồng chí Năm Chung tổ chức nhiều chuyến đi theo duyên hải Thạnh Phú, Bình Đại, chọn điểm xuất phát mở đường.
Theo chỉ đạo của trên, đơn vị 106NB tổ chức biên chế thành 3 đội thuyền do các đồng chí Đặng Bá Tiên (Sáu Giao), Lê Công Cẩn (Năm Công) và Trần Văn Trường làm thuyền trưởng, sau đó ngụy trang thành thuyền ngư dân đánh cá ngoài khơi. Đầu tháng 7-1961, việc chuẩn bị hoàn tất, 3 đội tàu ra khơi, vượt mọi sóng gió, hiểm nguy, cập bến an toàn.
ĐƯỜNG VỀ SÓNG GIÓ
Ngày thành lập Đoàn 962 cũng là ngày ra đời của Bến - Bến Tre, phiên hiệu A101, do đồng chí Mai Văn Xáng (Sáu Tấn) làm chỉ huy trưởng, có trách nhiệm đưa hàng tại kho và hàng trung chuyển ra cung cấp kịp thời cho 3 QK và 10 tỉnh thành. Cùng với việc xây dựng bến bãi, 2 trung đội vũ trang cũng được thành lập với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ mục tiêu.
Tháng 10-1962, A101 nhận lệnh đón tàu chở VK vào. Lần đầu tiên, con tàu sắt hùng dũng chở đầy VK vào Nam đã được quân và dân Bến Tre tự hào tiếp nhận và trở về an toàn. Như vậy, tuyến đường vận chuyển VK Bắc - Nam, sau trở thành đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, lần đầu tiên đánh dấu thắng lợi vẻ vang.
Đến năm 1966, việc vận chuyển ngày càng khó khăn, nguy hiểm, nhưng chỉ huy A101 và các đội thuyền xác định sẵn sàng hy sinh, bằng mọi giá phải đưa được VK ra chiến trường. Ngoài các lần chiến đấu cực kỳ ác liệt với quân thù, A101 cũng tổ chức để nhân dân trực tiếp đấu tranh chính trị với địch.
Thất bại trong Chiến tranh đặc biệt, Mỹ càng điên cuồng mở rộng cuộc chiến. Hạm đội 7 phong tỏa bờ biển nước ta chặt chẽ, đường vận chuyển VK Bắc - Nam bị lộ. Trước tình hình trên, ta tổ chức chuyển hướng vận chuyển. Đến tháng 11-1969, toàn bộ 200 hầm của ta với gần 3.000 tấn VK được vận chuyển và cất giấu an toàn.
Mùa khô năm 1969 - 1970, do bị phát hiện, ta trở về Bến Tre mở Bến lần 2 nhưng lúc này A101 không còn thuộc Đoàn 962 và kẻ địch đang đẩy mạnh Việt Nam hóa chiến tranh nên đây thực sự là phương án khó. Tuy nhiên, trước tình hình chiến trường đang thiếu đạn dược nghiêm trọng, công tác cấp bách trọng tâm được đề ra. Đêm 20-10-1970, tàu chở VK cập bến Cây Dừa - Cồn Lợi, 50 tấn đạn nhanh chóng được cung cấp cho chiến trường.
Giữa tháng 11-1970, sau nhiều chuyến vận chuyển VK trót lọt, thuyền của ta bất ngờ bị địch phát hiện. Trong thế trận giằng co, chiến đấu ác liệt, để đảm bảo không lộ bí mật, cuối cùng thuyền của ta đành chọn phương án cho nổ, hơn 10 chiến sĩ anh dũng hy sinh.
Tại Thạnh Phong, địch tiếp tục lấn chiếm các ấp còn lại của xã; ở Bình Đại, chúng tung từng trung đội biệt kích Mỹ ban đêm đánh sâu vào Căn cứ Xẻo Lớn, Búng Ông Lễ, Tắc Phú Hưng... nhằm gây sức ép với ta. Trước tình hình trên, Ban chỉ huy (BCH) Bến quyết định đưa lực lượng vũ trang phối hợp với du kích địa phương chống địch, lấn chiếm mở rộng vùng giải phóng.
Đến tháng 8-1974, địa bàn giải phóng tuy có mở rộng nhưng hải quân, hải thuyền của địch vẫn tiếp tục phong tỏa gắt gao bờ biển, do đó Bến tạm ngưng hoạt động tiếp nhận, toàn bộ đơn vị chuyển sang trực tiếp chiến đấu, lao động sản xuất.
Ngày 20-4-1975, BCH tiểu đoàn củng cố lại 2 đội vũ trang, tức tốc hành quân về TX Bến Tre tham gia giải phóng toàn tỉnh, lực lượng còn lại cùng với du kích phối hợp giải phóng xã Thạnh Phong. Trên sông Hàm Luông, một bộ phận của tiểu đoàn cũng triển khai phối hợp truy đuổi tàu địch trên vùng biển Bến Tre, góp phần vào công cuộc vẻ vang của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Từ khi mở Bến đến lúc kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc là chặng đường chiến đấu oanh liệt của cán bộ chiến sĩ (CBCS) A101, những trang sử vàng được tô điểm bằng các chiến công hiển hách, thành tích đáng tự hào, tô đậm tình quân - dân cả nước. Trong hai lần mở Bến đã có hơn 400 CBCS hy sinh và bị thương. Trải qua năm tháng, trong số CBCS còn lại của Bến A101 năm xưa, nhiều người đã nghỉ hưu, có người hiện là cán bộ chủ chốt của Trung đoàn Hải quân 962 - QK9 hoặc đảm nhiệm vị trí công tác khác.
Dẫu vậy, cứ đến ngày kỷ niệm hàng năm (24-7), nếu điều kiện thuận lợi, CBCS của Bến - Bến Tre đều tổ chức họp mặt, gặp gỡ, thăm hỏi và thắp hương tưởng niệm những đồng chí, đồng đội, những người đã anh dũng nằm lại lòng đất mẹ cho nền độc lập hôm nay.