Đây là một phần của dự án Nam Thiên Môn, hướng đến các công nghệ tiên tiến trong tương lai, thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong việc vươn lên không chỉ làm chủ bầu trời mà còn cả không gian.
Chiến đấu cơ "Bạch Đế" được thiết kế với các khoang chứa tên lửa bên trong nhằm đảm bảo khả năng tàng hình, cùng với bộ phận hạ cánh bền chắc cho phép cất và hạ cánh trên các đường băng gồ ghề. Khả năng mang tải trọng lớn cũng là một điểm nổi bật của mẫu thiết kế này, giúp máy bay chiến đấu có thể chuyên chở lượng lớn vũ khí hạng nặng.
Dù vậy, vẫn có nhiều nghi ngờ về khả năng phát triển và triển khai nhanh chóng công nghệ này của Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh từng gặp nhiều thách thức với công nghệ động cơ trên các máy bay trước đó. Mặc dù "Bạch Đế" là một bước tiến thể hiện tham vọng vũ trụ, câu hỏi về tính thực tế của dự án này vẫn còn bỏ ngỏ.
Triển lãm Hàng không và Vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 15 (Zhuhai Airshow), được tổ chức bên ngoài thành phố Chu Hải, Quảng Đông, là sự kiện lớn nhất của ngành hàng không Trung Quốc. Với mục tiêu kỷ niệm 75 năm thành lập Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF), sự kiện đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng.
Dù J-35A, phiên bản hoạt động trên tàu sân bay của FC-31, vẫn là điểm nhấn, nhưng "Bạch Đế" mới là tâm điểm thực sự, thu hút sự quan tâm lớn từ giới truyền thông.
Theo South China Morning Post, "Bạch Đế" do Tập đoàn quốc phòng AVIC phát triển, được mô tả như một máy bay chiến đấu tích hợp khả năng hoạt động trên không và trong không gian. Thiết kế này được cho là có thể bay với tốc độ siêu âm và vượt qua tầng khí quyển để hoạt động trong không gian. Là một phần của Dự án Nam Thiên Môn, "Bạch Đế" được kỳ vọng sẽ định hình công nghệ không gian tương lai của Trung Quốc.
Một số chuyên gia phân tích lưu ý rằng thiết kế càng đáp của "Bạch Đế" có phần đặc biệt hơn so với các dòng máy bay tàng hình khác, với cấu trúc càng hạ cánh chắc chắn, có khả năng chịu được điều kiện đường băng khó khăn. Đây là điểm hiếm thấy trên các máy bay tàng hình hiện nay, vốn thường chỉ hoạt động trên các đường băng tiêu chuẩn.
Dù thông tin còn khá hạn chế, các hình ảnh và mô tả cho thấy "Bạch Đế" có thể mang theo vũ khí nặng trong khi vẫn duy trì khả năng tàng hình. Số "6" được ghi trên thân máy bay nhằm nhấn mạnh đây là một máy bay thế hệ thứ sáu.
Việc công khai mô hình "Bạch Đế" tại triển lãm là điều khá bất ngờ, bởi Trung Quốc hiếm khi tiết lộ công khai các dự án máy bay thế hệ tương lai. Điều này khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng "Bạch Đế" có thể chỉ là một đòn tâm lý nhằm phô trương sức mạnh và tiềm năng công nghệ của Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã gặp nhiều khó khăn trong phát triển động cơ cho J-20 "Mãnh Long" thế hệ thứ năm, nên việc nhảy vọt từ một máy bay thế hệ năm lên thế hệ sáu với khả năng hoạt động trong không gian là điều khó tin.
Dù Dự án Nam Thiên Môn có thể thực sự nghiên cứu một chiến đấu cơ thế hệ sáu, nhưng việc tiết lộ chi tiết quá sớm về chương trình này vẫn để lại nhiều nghi vấn. Vẫn còn phải xem liệu "Bạch Đế" có thật sự trở thành hiện thực hay chỉ là một phần của chiến dịch nhằm tạo ấn tượng về sức mạnh hàng không của Trung Quốc trong mắt công chúng và quốc tế. (Nguồn ảnh: The National Interest, South China Morning Post, Getty Images, X, Reuters).
Dương Ngân (Theo The National Interest)