Không quân Trung Quốc bắt đầu loại bỏ dần các động cơ máy bay Nga trên những dòng chiến đấu cơ nội địa tiên tiến do mình chế tạo. Thông tin này được các chuyên gia quân sự Mỹ chia sẻ.
Lực lượng Không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu trang bị lại máy bay chiến đấu J-10B của mình. Là một phần của quá trình hiện đại hóa, động cơ AL-31 do Nga chế tạo sẽ được thay thế bằng loại WS-10B nội địa.
Theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ được đăng trên ấn phẩm Military Watch thì AL-31 từ lâu đã được coi là một trong những loại động cơ mạnh nhất thế giới dành cho máy bay chiến đấu, tuy nhiên hiện nay Trung Quốc đã có sản phẩm thay thế.
“AL-31 lần đầu tiên được đưa vào phục vụ trong ngành hàng không Liên Xô vào năm 1985, nó đồng thời giữ vị trí động cơ mạnh nhất được lắp đặt trên máy bay chiến đấu thời kỳ Chiến tranh Lạnh".
"Những động cơ phản lực này được lắp cho tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-27 Flanker - mang lại khả năng cơ động rất cao", bài viết trên tờ Military Watch nhấn mạnh.
Các nhà phân tích của tờ Military Watch nhận định rằng Trung Quốc đã phát triển ngành công nghiệp máy bay của mình trong nhiều năm và đã đạt được một số thành công đáng ghi nhận.
Quân đội Trung Quốc đang nhận được nhiều máy bay chiến đấu tiên tiến. Về đặc điểm, chúng không thua kém là bao so với các đối thủ phương Tây, cả ở khả năng cơ động lẫn hệ thống điện tử, cũng như vũ khí tích hợp.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp địa phương từ lâu vẫn đứng sau các đối thủ cạnh tranh nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo động cơ. Do đó, hầu hết các máy bay chiến đấu Trung Quốc đều được trang bị động cơ của Nga, chẳng hạn như AL-31.
Chỉ gần đây, với những khoản đầu tư khổng lồ cùng nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, Trung Quốc mới có một loại động cơ phản lực có thể cạnh tranh về chất lượng với những sản phẩm đến từ Liên bang Nga.
Trung Quốc đã mất rất nhiều thời gian và khoản đầu tư để thu hẹp khoảng cách về chế tạo động cơ với Nga và Mỹ. Đối với vấn đề này, việc phát triển động cơ WS-10 đã trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng không Trung Quốc.
Theo đặc điểm kỹ thuật được mô tả, động cơ này chỉ kém một chút so với "kỳ quan công nghệ" F119 của Mỹ- loại động cơ đang được lắp đặt trên máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ năm F-22.
Tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2022, Trung Quốc đã chứng minh những thành tựu trong việc phát triển động cơ máy bay chiến đấu của mình không phải chỉ đơn giản là lời nói xuông.
Các tiêm kích J-10B hay J-20A trang bị động cơ WS-10B hay WS-15 đã thể hiện khả năng cơ động đáng nể, chúng cũng có mức độ bộc lộ hồng ngoại rất thấp, điều mà Nga thậm chí còn đang loay hoay chưa thực hiện được.
Với những động cơ máy bay nội địa, Trung Quốc sẽ gặp thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu chiến đấu cơ của mình ra thị trường thế giới bởi họ không còn lo ngại việc vướng phải bất cứ rào cản nào từ Nga nữa.
Bạch Dương