Chiến dịch 'Archipelago'- thất bại lớn của CIA
Các chiến lược gia thời Chiến tranh lạnh nhìn thấy nguy cơ tiềm ẩn khắp mọi nơi, kể cả nơi không thể có bất kỳ nguy cơ nào. Kết quả là, trên bản đồ thế giới liên tục xuất hiện những điểm nóng, nơi tiền và vũ khí từ Mỹ hoặc Liên Xô chảy đến như nước. Xét về mặt này, Đông Nam Á đặc biệt 'may mắn'. Các chính trị gia Mỹ coi khu vực này là 'quan trọng sống còn đối với tương lai của toàn bộ thế giới tự do, không được để rơi vào tay các nước cộng sản'.
Sai lầm của anh em nhà Dulles
Lựa chiều giữa các siêu cường thù địch nhằm giữ thái độ trung lập, cựu Tổng thống Indonesia Sukarno bị coi là người đáng ngờ nhất ở Mỹ. Điều này khiến phái "diều hâu" ở Washington ngày càng lo ngại, bởi vì nếu Sukarno nghiêng về chủ nghĩa cộng sản, thì ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực này sẽ tăng lên. Do đó, cần phải hành động ngay lập tức! Allen Dulles (Giám đốc CIA) và anh trai ông, Ngoại trưởng Mỹ John Dulles, đóng vai trò quyết định trong các sự kiện này.
Xuất thân từ một gia đình theo đạo Tin Lành, bố là linh mục, anh em Dulles tự coi mình là những người bảo vệ thế giới khỏi chủ nghĩa cộng sản. Năm 1952, John Dulles công bố một bài báo trên tạp chí “Life” với nhan đề "Chính trị của lòng dũng cảm", trong đó ông kêu gọi lật đổ các chế độ cộng sản và thân cộng sản. “Mặt trận Thái Bình Dương của chúng ta” hiện nay “hoàn toàn bỏ ngỏ cho sự bao vây từ phía Đông…Tình hình đã trở nên nguy cấp”, - John Dulles viết.
Dulles không có ý định đánh giá thấp kẻ thù và cho rằng kẻ thù ngày càng trở nên ghê gớm hơn. Nạn cướp bóc tràn lan ở Philippines, chiến tranh ở Việt Nam, cuộc nổi dậy của cộng sản ở Mã Lai, cách mạng ở Trung Quốc, chiến tranh ở Triều Tiên - "tất cả những điều đó là một phần của mô hình bạo lực thống nhất, được xây dựng và triển khai suốt hơn 35 năm nay, và cuối cùng dẫn đến giai đoạn đấu tranh vũ trang và bạo loạn" trong không gian châu Á. Dulles muốn hành động để ngăn chặn các kế hoạch thống trị khu vực này của Liên Xô. Tuy nhiên, sau này nhiều nhà sử học viết rằng John Dulles hơi phóng đại. Chưa chắc Liên Xô lúc bấy giờ đã mạnh đến mức để có thể mở rộng ảnh hưởng của mình đến một vùng rộng lớn như vậy của Đông Nam Á. Tuy nhiên, anh em nhà Dulles lại nghĩ khác, và đó là nguyên nhân dẫn đến một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử của CIA.
“Thống nhất trong đa dạng”
Tổng thống Indonesia Sukarno không tìm kiếm cảm tình ở Nhà Trắng lẫn Langley. Là người đấu tranh không mệt mỏi vì tự do của Indonesia và nhà lãnh đạo mẫu mực, ông dứt khoát không muốn trở thành "kẻ nô lệ" của Mỹ lẫn Liên Xô.
Anh em nhà Dulles thậm chí không dự báo được rằng Tổng thống Sukarno có một hệ tư tưởng riêng. Sukarno say mê triết thuyết “Pancasila” và cổ xúy cho tư tưởng "Thống nhất trong đa dạng" của quốc gia Hồi giáo-Phật giáo. Tuy nhiên, trước sức nóng của cuộc Chiến tranh lạnh, hai anh em John và Allen không thể chấp nhận ý nghĩ rằng ai đó có thể giữ thái độ trung lập. Đặc biệt là trong các bài phát biểu của mình, Sukarno thường biểu hiện tư tưởng tả khuynh và tích cực hợp tác với Liên Xô. Tất nhiên, Sukarno cũng hợp tác với Mỹ, nhưng anh em nhà Dulles nghi ngờ rằng đây chỉ là một trò lừa bịp, một âm mưu của nhà độc tài nhằm gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ.
Và họ quyết định lật đổ Sukarno để đưa một nhân vật thân Mỹ lên làm Tổng thống, người có thể cho phép các công ty Mỹ khai thác dầu mỏ của Indonesia và bắt đầu cuộc chiến chống lại tư tưởng cộng sản ở nước này. Thậm chí những cuộc hội đàm riêng của Sukarno với John Dulles cũng không thuyết phục được John Dulles rằng Tổng thống Indonesia không gây ra mối đe dọa nào đối với lợi ích của Mỹ. Kết quả là, tức giận trước áp lực của Mỹ, như thể để trả thù, Sukarno chuyển sang hợp tác chặt chẽ hơn với Liên Xô. Sau đó, các sự kiện bắt đầu phát triển nhanh hơn.
Ngay sau đó, CIA nhận được chỉ thị trực tiếp giải quyết vấn đề Sukarno ("phần tử tả khuynh đáng ngờ" như Tổng thống Eisenhower nhận xét về ông). CIA được phép sử dụng bất kỳ phương pháp và phương tiện nào. Để xác nhận điều đó, những khoản tiền rất lớn đã được chuyển vào các tài khoản bí mật.
Trong một thời gian ngắn, CIA đã bơm khoảng một triệu USD cho phe đối lập ở Indonesia, tuy nhiên, phần lớn số tiền đã bị chiếm đoạt. Thông tin này đến tai các nhà lãnh đạo Liên Xô, sau đó Sukarno đã vay 100 triệu USD của Moscow, tất nhiên, ông ta không có ý định hoàn trả. Mặc dù Liên Xô còn rất nhiều khó khăn, đất nước vừa mới chữa lành vết thương sau Thế chiến thứ hai, tuy nhiên, theo lời dạy của Lenin, giới lãnh đạo Liên Xô coi nhiệm vụ "giải phóng các dân tộc châu Á" là ưu tiên hàng đầu. Nhân dân Liên Xô thể hiện tinh thần vô sản và tiếp tục thắt lưng buộc bụng.
Trong khi đó, Sukarno bắt đầu ám chỉ khả năng quốc hữu hóa các xí nghiệp Texaco, Chevron và Mobil, điều mà Mỹ không thể cho phép. Ellison, đại sứ Mỹ ở Jakarta cố chứng minh rằng Sukarno hoàn toàn không phải là kẻ thù của Mỹ, đã bị cách chức, còn các điệp viên CIA nhận lệnh "tiến lên!". Có bằng chứng cho thấy chính phủ Mỹ thậm chí đã lên kế hoạch ám sát Tổng thống Sukarno vào ngày 30/11/1957.
Bắt đầu chiến dịch “Archipelago” (“quần đảo”)
Ngày 1/8/1957, kế hoạch lật đổ Sukarno bắt đầu có hiệu lực. Đầu tiên, CIA quyết định kích động các cuộc nổi dậy ở hai hòn đảo lớn Sumatra và Sulawesi (vốn không được chính quyền kiểm soát chặt chẽ). Máy bay do thám U-2 bắt đầu bay lượn trên bầu trời, những chiếc tàu thủy chở vũ khí cập cảng, các đội lính đánh thuê gấp rút được tuyển mộ.
Đồng thời, trong khuôn khổ cuộc chiến tranh thông tin-tâm lý, CIA đã sản xuất một bộ phim khiêu dâm, nơi nhân vật chính do một diễn viên rất giống Tổng thống Sukarno thủ vai. Tuy nhiên, bộ phim không gây ấn tượng đặc biệt với người Indonesia - có thể vì đại đa số cư dân của đất nước không biết xem “kiệt tác” điện ảnh của Mỹ ở đâu.
Nhưng giới tinh hoa chính trị Mỹ lại tỏ ra rất thích thú bộ phim này. Hài lòng với công việc của nhà quay phim và diễn xuất của các diễn viên, chính phủ Mỹ thậm chí còn tăng ngân sách cho CIA lên tới con số kỷ lục là 350 triệu USD mỗi năm.
Nhưng điện ảnh là điện ảnh, còn chính trị lớn phải được giải quyết bằng vũ khí. Ngày 10/2/1958, những binh sĩ Indonesia được CIA mua chuộc, đã chiếm đài phát thanh ở Padang và yêu cầu Sukarno đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, sau đó họ tuyên bố phế truất Tổng thống. Tuy nhiên, cuộc đảo chính đã thất bại. Lực lượng hải quân Indonesia trung thành với Sukarno đã phong tỏa bờ biển Sumatra và Sulawesi, sau đó máy bay bắt đầu ném bom vào các căn cứ của phiến quân. Tiếp theo, các đơn vị quân đội Indonesia trung thành với Sukarno đổ bộ xuống hai hòn đảo và phần lớn những kẻ nổi loạn đã đầu hàng để giữ mạng sống. Số còn lại bỏ chạy vào rừng.
Thất bại nặng nề
Anh em nhà Dulles hết sức kinh ngạc vì kế hoạch của họ đã thất bại. Họ đề nghị đưa quân Mỹ đến giúp đỡ "các chiến sỹ đấu tranh vì tự do", nhưng may mắn thay, Lầu Năm Góc đã từ chối chống lại quân đội Indonesia. Thực tế là, mặc dù vẫn trung thành với nhà độc tài, nhưng quân đội Indonesia mang nặng tư tưởng chống cộng. Một sự đối đầu trực tiếp với Mỹ có thể khiến thiện cảm của các tướng lĩnh nghiêng về phía Liên Xô.
Allen Dulles dọa Eisenhower rằng Indonesia sẽ bị "cộng sản hóa" và yêu cầu can thiệp quân sự, nhưng dưới ảnh hưởng của các quan chức quân đội ôn hòa hơn, Tổng thống Eisenhower tuyên bố "tôn trọng các vấn đề nội bộ của Indonesia".
Trong khi đó, Sukarno trưng bày vũ khí thu được của Mỹ và tuyên bố về sự can thiệp bí mật của Mỹ. Tuy nhiên, CIA thậm chí không nghĩ đến việc chấm dứt chiến dịch. Cơ quan này sở hữu một phi đội máy bay ném bom B-26 và Allen Dulles quyết định sử dụng chúng để chống lại Sukarno.
Những chiếc B-26 không chỉ cung cấp vũ khí và đạn dược cho phiến quân mà còn ném bom đảo Sulawesi! Trong một cuộc không kích, người Mỹ đã chịu tổn thất đầu tiên. Một chiếc B-26 bị bắn rơi, toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng. Tuy nhiên, ngay cả điều đó cũng không ngăn được CIA. Các vụ đánh bom vẫn tiếp tục. Còn ở Indonesia, tư tưởng chống Mỹ bắt đầu tăng lên mạnh mẽ. Ngay cả những người ủng hộ trung thành nhất của Dulles cũng yêu cầu chấm dứt ngay chiến dịch.
Kết thúc chiến dịch “quần đảo”
Trong khi đó, các binh sĩ Indonesia bắt được viên phi công lái chiếc máy bay thứ 11 của CIA bị bắn rơi. Anh ta tên là Allen Pope, một người Mỹ da trắng, một cựu binh từng tham gia một số chiến dịch bí mật của CIA. Khi khám xét Pope, người ta tìm thấy một bộ giấy tờ đầy đủ, trong đó có bằng phi công, nhiệm vụ 8 chuyến bay trước, các chỉ thị mật của CIA và thẻ hội viên câu lạc bộ căn cứ không quân “Clark”.
Đây quả là một cú nốc-ao đối với CIA, buộc tổ chức này ra lệnh cho tất cả các điệp viên của mình ở Indonesia chấm dứt ngay hoạt động "đấu tranh vì tự do". Ít lâu sau, Tổng thống Sukarno chính thức được tuyên bố là người bạn đáng tin cậy của Mỹ. Mặc dù, sau khi rút ra kết luận của mình từ cuộc chiến tranh nhỏ này, bản thân ông quyết định dựa vào các nước xã hội chủ nghĩa và Phong trào không liên kết ở châu Á.
Để bảo vệ lợi ích của các công ty dầu mỏ, Mỹ đã phải giúp đỡ chế độ Sukarno trong những lĩnh vực khác nhau. Còn những kẻ nổi loạn (những chiến sĩ đấu tranh vì tự do và dân chủ hôm qua) bị coi là mối đe dọa đối với tự do và dân chủ của Indonesia. Alain Pope đã bị tòa án Indonesia kết án tử hình - nhưng sau đó y được bí mật đưa về Mỹ. Frank Wiesner, trợ lý thân cận nhất của Allen Dulles trong cuộc nổi dậy ở Indonesia, đã phải vào bệnh viện điều trị chứng rối loạn tâm thần. Chính ông ta bị coi là thủ phạm chính gây ra thất bại của chiến dịch “Archipelago”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/chien-dich-archipelago-that-bai-lon-cua-cia-i701156/