Chiến dịch đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để giảm rủi ro khi tham gia giao thông
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng các bên đã phát động chiến dịch toàn dân đội mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia hưởng ứng năm An toàn giao thông 2025 với thông điệp 'Mũ chuẩn an tâm - Hành trình rộng mở'.
Sáng ngày 26/3/2025, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông TP. Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội và Công an TP. Hà Nội đã phối hợp tổ chức sự kiện phát động toàn dân đội mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia hưởng ứng năm An toàn giao thông 2025 với thông điệp “Mũ chuẩn an tâm - Hành trình rộng mở” và ra quân các hoạt động của thanh niên Thủ đô thực hiện Đề án Tuổi trẻ Thủ đô tham gia tuyên truyền, giữ gìn trật tự an toàn giao thông (ATGT) giai đoạn 2022 - 2025.

Mục tiêu của việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn là để giảm tai nạn giao thông.
Sự kiện ý nghĩa này nhận được sự đồng hành và hỗ trợ từ Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) trong hoạt động tuyên truyền, đào tạo an toàn giao thông và cung cấp mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia.
Chung tay cùng Chính phủ hiện thực hóa Chiến lược Quốc gia đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và mục tiêu “KHÔNG có tử vong do tai nạn giao thông đường bộ” vào năm 2045, sự kiện phát động toàn dân với thông điệp “Mũ chuẩn an tâm - Hành trình rộng mở” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, cũng như nâng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và xe đạp điện.

Đội mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia giúp giảm 42% tỷ lệ tử vong và 69% tỷ lệ chấn thương đầu do va chạm giao thông.
Mũ bảo hiểm có chức năng chính là hấp thụ năng lượng va đập để bảo vệ vùng đầu của người đội, giảm thiểu chấn thương khi xảy ra va đập. Theo thống kê, đội mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia giúp giảm 42% tỷ lệ tử vong và 69% tỷ lệ chấn thương đầu do va chạm giao thông. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người tham gia giao thông, đặc biệt là giới trẻ, nhóm học sinh, thanh thiếu niên vẫn sử dụng mũ kém chất lượng hoặc không đội mũ bảo hiểm khi di chuyển bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện gây mất an toàn và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Vì vậy, các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động, sự kiện dễ dàng tiếp cận giới trẻ hơn, từ đó lan tỏa mạnh mẽ và tác động trực tiếp đến nhận thức, hành vi của toàn bộ cộng đồng tham gia giao thông. Bên cạnh đó, sự kiện lần này cũng góp phần hưởng ứng Kế hoạch số 16/KH-BATGT về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm theo Quy chuẩn Quốc gia đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện trên địa bàn TP. Hà Nội.

Hướng dẫn lái xe an toàn trên thiết bị giả định.
Chiến dịch này nhằm hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia của người đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện tại Việt Nam; nâng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện trên địa bàn TP. Hà Nội, đặc biệt đối với học sinh, thanh thiếu niên và thể hiện nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc đẩy mạnh nhận thức của nhân dân đặc biệt là giới trẻ về ATGT hướng tới mục tiêu của Chính phủ vào năm 2045
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện các bên đã chính thức ấn nút phát động chiến dịch, kêu gọi toàn thể người dân nâng cao ý thức đội mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Nhân dịp này, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cũng giới thiệu và cung cấp mũ bảo hiểm, đồng thời cam kết dành toàn bộ doanh thu từ hoạt động bán mũ trong sự kiện này để đóng góp vào quỹ hỗ trợ các nạn nhân do tai nạn giao thông tại TP. Hà Nội.

15 đội “Giao thông xanh” với 675 thành viên tham gia tình nguyện, hỗ trợ các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo trật tự ATGT tại 15 chốt giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố và góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tuyên truyền và đào tạo ATGT thiết thực cũng đã được triển khai như tuyên truyền nâng cao ý thức và hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; hướng dẫn nhận biết và phân biệt mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và mũ bảo hiểm kém chất lượng; Hướng dẫn, đào tạo kỹ năng tham gia giao thông an toàn, giúp người dân nâng cao khả năng dự đoán và phòng tránh rủi ro khi tham gia giao thông.
Đồng thời Thành đoàn Hà Nội và Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Thành phố tiếp tục phối hợp thành lập triển khai 15 đội hình “Giao thông xanh” cấp Thành phố và 30 đội hình giao thông xanh cấp cơ sở với 675 thành viên với tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô túc trực, tham gia tình nguyện, hỗ trợ các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại 15 chốt giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố và góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.