Chiến dịch Đường 14-Phước Long - 'đòn trinh sát chiến lược'
Chiến thắng Phước Long (6-1-1975) là 'đòn trinh sát chiến lược', cho thấy sự suy yếu của ngụy quân Sài Gòn và khả năng phản ứng rất hạn chế của đế quốc Mỹ.
Từ cơ sở thực tiễn Chiến thắng Đường 14-Phước Long, ngày 8-1-1975, tại hội nghị Bộ Chính trị, đồng chí khẳng định: “Tất cả chúng ta đều nhất trí hoàn toàn về các mặt: Đánh giá tình hình sau Hiệp định Paris, đánh giá lực lượng so sánh giữa ta và địch, nhận định thời cơ lịch sử, khẳng định quyết tâm chiến lược hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong hai năm 1975-1976, xác định nhiệm vụ, mục tiêu và các bước thực hiện”.
Phá vỡ lá chắn của địch
Sau Hiệp định Paris năm 1973, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Nắm bắt thời cơ, Đảng ta triệu tập hội nghị Bộ Chính trị (họp từ ngày 30-9 đến 8-10-1974) hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị, tại miền Đông Nam Bộ, tháng 10-1974, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền quyết định giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 mở chiến dịch Đường 14-Phước Long nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, mở rộng đầu cầu tuyến hành lang chi viện chiến lược 559; tạo bàn đạp thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực sẵn sàng tiến công Sài Gòn.
Ở Phước Long (nay là thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước), địch bố trí các chi khu quân sự: Đồng Xoài, Bố Đức, Đức Phong, quận lỵ Phước Bình, thị xã Phước Long, căn cứ Bà Rá vốn được xem là tuyến phòng thủ quan trọng bảo vệ Sài Gòn từ xa, nhất là ngăn chặn Quân giải phóng có thể từ Tây Nguyên tràn xuống hoặc từ Lộc Ninh đánh vào Bình Dương, tiến vào nội đô Sài Gòn; đồng thời, ngăn chặn hành lang vận tải của Quân giải phóng qua Lào và Campuchia vào Đông Nam Bộ; chia cắt thế liên hoàn các vùng do ta chiếm lĩnh, cô lập Lộc Ninh với Nam Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông khác.
Để chuẩn bị cho chiến dịch Đường 14-Phước Long, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho quân và dân Phước Long diệt gọn chi khu “Bù Đốp lưu vong”, quân chủ lực phối hợp lực lượng địa phương tiêu diệt chi khu quân sự Đức Phong và yếu khu Bù Na nhằm chia cắt và cô lập Phước Long với các khu vực xung quanh, sau đó phối hợp với quân chủ lực tiến công giải phóng Phước Long.
Từ ngày 13-12 đến 17-12-1974, ta tiêu diệt hoàn toàn chi khu “Bù Đốp lưu vong”, chi khu Đức Phong và yếu khu Bù Na, làm chủ tình hình cung đường 14 dài 80km, thu gần 6.500 đạn pháo 105mm, diệt và bức rút hơn 50 đồn bốt, giải phóng vùng Đông Nam Phước Long rộng lớn với hơn 14.000 dân, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam Phước Long của địch.
Từ ngày 23-12 đến 31-12-1974, quân ta tiến công tiêu diệt chi khu Bù Đốp, Đồng Xoài, chi khu quân sự Phước Bình, Phước Lộc, Bà Rá, đưa lực lượng áp sát, cô lập hoàn toàn thị xã Phước Long. Rạng sáng 31-12-1974, ta nổ súng tiến công chi khu quân sự Phước Bình, cùng lúc bộ đội địa phương tiến công Phước Lộc. Ngày 2-1-1975, ta tiến công xã Phước Long. Mặc dù hệ thống phòng thủ của địch khá đông, nhưng tinh thần quân lính đang hoang mang, rệu rã nên khi ta cho bắn pháo vào thị xã phá hủy một số công sự và hệ thống thông tin liên lạc càng khiến địch hoang mang tột độ. Rạng sáng 6-1-1975, theo đúng hiệp đồng tác chiến, các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương nổ súng tiến công đồng loạt trên các hướng. Trước sự tấn công mãnh liệt của quân ta, tất cả các mục tiêu trong thị xã đều bị tiêu diệt hoàn toàn. 9 giờ sáng cùng ngày, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng, thị xã Phước Long được hoàn toàn giải phóng.
Kết quả chiến dịch: Ta diệt và bắt sống toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền tại đây, thu 5.000 súng các loại, 10.000 quả đại bác, bắn rơi 5 máy bay và phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh; giải phóng toàn tỉnh Phước Long với 50.000 dân, phòng tuyến phía Bắc Sài Gòn đã bị ta chọc thủng.
Bước phát triển mới về nghệ thuật tác chiến chiến dịch
Chiến thắng Đường 14-Phước Long thể hiện bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật tổ chức và thực hành tác chiến chiến dịch. Trước hết, Quân giải phóng xác định mục tiêu, lựa chọn địa bàn tác chiến chiến dịch để làm “đòn trinh sát chiến lược”, đánh giá thực lực của kẻ thù. Cuối năm 1974, trong hệ thống phòng thủ của Quân đoàn 3 ngụy, địa bàn Đường số 14-Phước Long tương đối sơ hở, để lộ nhiều điểm yếu. Vì vậy, Bộ tư lệnh Miền quyết định chọn địa bàn này tiến hành tác chiến chủ yếu của bước 1 năm 1975 là quyết định đúng đắn, sáng tạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.
Trong Chiến dịch Đường 14-Phước Long, quân ta đã chủ động tạo lập thế trận tác chiến hóa linh hoạt, làm cho quân địch bị bất ngờ. Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến dịch, ta chủ trương đẩy mạnh hoạt động nghi binh của Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) và một bộ phận của Sư đoàn 7 trên Đường số 7 và Đường số 16 nhằm thu hút Quân đoàn 3 ngụy. Tận dụng sơ hở của địch, các đơn vị Quân giải phóng bí mật triển khai lực lượng trên các hướng, tạo thành thế trận bao vây, chia cắt, đưa địch vào thế bị động để tiêu diệt. Trong quá trình tác chiến, ta đều chủ động đánh giá lại tình hình, so sánh lực lượng, bổ sung nhiệm vụ, quyết tâm chiến đấu cho phù hợp, nhất là thực hiện chuyển hóa, phát triển thế trận, tạo thời cơ để nhanh chóng tiến công các mục tiêu mới khi địch chưa kịp triển khai kế hoạch đối phó. Khi đợt 1 đang diễn ra ác liệt, nhận thấy thời cơ mở ra, ta tổ chức triển khai lực lượng ở Nam Bù Đốp, Phước Tín; tiến hành bao vây, đánh chiếm căn cứ Phước Lộc, Phước Quả... để tạo thế cho đợt 2. Trong khi địch bị thu hút về hướng Bù Đốp và tập trung lo phòng giữ Tây Ninh, với thế trận được triển khai từ trước, ta nhanh chóng bao vây, tiến công chi khu quân sự Đồng Xoài và thị xã Phước Long. Do ở thế bị động và cô lập, địch ở Phước Long nhanh chóng bị quân ta tiêu diệt.
Nét nổi bật về nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Đường 14-Phước Long là đã vận dụng sáng tạo cách đánh, nhất là đánh hiệp đồng binh chủng gồm bộ binh, xe tăng, pháo cơ giới, đánh chiếm thị xã được phòng thủ chặt chẽ. Để tiêu diệt các chi khu quân sự của địch được bố trí phòng ngự kiên cố với nhiều lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt, ta tổ chức cách đánh lần lượt tiến công đột phá từng mục tiêu kết hợp sử dụng lực lượng, phương tiện tăng dần từng bước; kết hợp đánh thọc sâu, trong đánh ra, ngoài đánh vào, đánh quân địch yếu trước, mạnh sau, kéo địch từ chỗ mạnh sang chỗ yếu, tạo thế, nghi binh, chia cắt, nhanh chóng tiêu diệt từng cụm quân địch, giải phóng từng địa bàn, địa phương, tiến tới giải phóng toàn tỉnh Phước Long. Trong chiến dịch này, nghệ thuật đánh trận then chốt và then chốt quyết định đã tạo ra bước đột phá. Cụ thể, thắng lợi của trận then chốt Đồng Xoài đã góp phần quyết định cô lập hoàn toàn chi khu Phước Bình và thị xã Phước Long, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân nổi dậy phá bỏ bộ máy cai trị của địch; góp phần quyết định vào thắng lợi chung của chiến dịch.