Một Syria hậu Assad và trật tự khu vực mới

Thổ Nhĩ Kỳ có thể trấn an các quốc gia Arab đang lo sợ về sự lên nắm quyền của phe Hồi giáo bằng cách mời các nước láng giềng của Syria và các quốc gia vùng Vịnh đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi chính trị.

Nhiều người đang bận rộn với việc tuyên bố bên chiến thắng hay bên thua cuộc trong thời điểm then chốt này. Việc đưa ra danh sách các bên thua cuộc ở giai đoạn này tương đối dễ dàng. Chính chế độ Assad, Iran, Nga và Hezbollah nằm trong số đó. Tuy nhiên, việc lập danh sách bên chiến thắng không hề đơn giản.

Mặc dù việc Assad sụp đổ đã thúc đẩy đáng kể ảnh hưởng và vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và trong địa chính trị chung của khu vực, nhưng Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng nổi dậy đã lãnh đạo cuộc tấn công lật đổ Assad, không phải là lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ankara vẫn cam kết với các nhóm đối lập ở Syria trong thời kỳ khó khăn và hiện có ảnh hưởng đáng kể đến HTS và có khả năng tác động đến các hành động và quyết định của nhóm này.

Một góc thủ đô Damascus, Syria.

Một góc thủ đô Damascus, Syria.

Trong nội bộ Syria, một trong những mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất là sự sụp đổ chế độ biến thành sự sụp đổ nhà nước như trường hợp ở Libya. Sự sụp đổ như vậy sẽ chỉ dẫn đến hỗn loạn hơn và tương lai ảm đạm cho đất nước. Do đó, các thể chế và cơ chế của nhà nước Syria cần được duy trì. Chuyển đổi chính trị và thành lập chính phủ có liên quan với nhau, nhưng có thể tách biệt. Chuyển đổi chính trị là một quá trình gian khổ và tốn thời gian.

Tuy nhiên, cần có một chính phủ lâm thời mới ngay lập tức để cung cấp dịch vụ thiết yếu, bảo tồn các thể chế và chức năng của nhà nước, ngăn chặn việc xuất hiện khoảng trống quyền lực và hỗn loạn. Về mặt này, quyết định gần đây của HTS triệu tập cuộc họp nội các chung đầu tiên với các bộ trưởng từ thời Assad cho thấy cam kết về quá trình chuyển đổi và có thể được hiểu là một diễn biến đầy hứa hẹn. Việc đạt được ổn định ở Syria không chỉ là yêu cầu sở tại mà còn là yêu cầu của khu vực. Việc bổ nhiệm thủ tướng lâm thời có nhiệm vụ thành lập chính phủ lâm thời chỉ một ngày sau khi Damascus sụp đổ là bước đi đúng hướng.

Là nhóm dẫn đầu tiến vào thủ đô, HTS có tiếng nói quan trọng trong quá trình chuyển đổi chính trị và thành lập chính phủ. Tuy nhiên, để đạt được tính hợp pháp về xã hội và sự chấp nhận của quốc tế, chính phủ mới phải bao trùm và phản ánh sự đa dạng của đất nước. Chính phủ này không thể là sự mở rộng của “chính phủ cứu rỗi” của HTS ở Idlib trước đây.

Tương tự, trong bối cảnh xung đột, những bất bình thường sản sinh ra lực lượng dân quân, bạo lực và chủ nghĩa cực đoan, đặc biệt là nếu những bất bình hành liên quan đến bản sắc. Nước láng giềng của Syria, Iraq là ví dụ điển hình cho điều này. Việc lật đổ chế độ Sunni của Tổng thống Saddam Hussein năm 2003 đã dẫn đến sự xuất hiện của cấu trúc quyền lực mới ở Baghdad do người Shiite và người Kurd lãnh đạo.

Sự loại trừ và hận thù như vậy với cộng đồng Sunni rộng lớn đã thúc đẩy làn sóng cực đoan ở Iraq và những nơi khác, từ sự xuất hiện của al Qaeda ở Iraq cho đến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ngăn chặn hận thù giữa các cộng đồng không chỉ quan trọng đối với quá trình chuyển đổi chính trị có trật tự và chính quyền hợp pháp hơn ở Damascus, mà còn quan trọng đối với việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran và các mạng lưới cộng đồng ở Syria.

Ở cấp độ khu vực và quốc tế, thay vì tiến trình Geneva do Liên hợp quốc dẫn đầu và phương Tây hỗ trợ, tiến trình Astana, được khởi động vào những ngày cuối năm 2016 và do Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran dẫn đầu, chủ yếu vạch lộ trình của cuộc xung đột ở Syria. Tiến trình Astana thực chất là về việc đóng băng cuộc xung đột, không tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi chính trị, đồng thời giúp Ankara, Moscow và Tehran quản lý lợi ích của họ ở Syria.

Tuy nhiên, Astana đã kết thúc, một phần không nhỏ vì 2 thành viên chính của tiến trình này ủng hộ một chế độ không còn tồn tại nữa, và sự hiện diện của họ tại quốc gia này hiện đã giảm đáng kể. Nói cách khác, Moscow và Tehran không còn ảnh hưởng hay tính hợp pháp để đóng vai trò chính vào tương lai của Syria. Trong ngắn hạn, Nga có thể duy trì mức độ ảnh hưởng nhất định đối với các diễn biến ở đây, nhưng ảnh hưởng này sẽ không chắc chắn. Với Iran thậm chí còn bấp bênh hơn.

Astana đã không còn phù hợp cho việc thảo luận và đạt được sự đồng thuận về quá trình chuyển giao chính trị nội bộ ở Syria. Quá trình chuyển đổi chính trị sẽ đòi hỏi một nhóm các bên khác nhau tham gia đàm phán. Diễn đàn mới cần bao gồm các nước láng giềng chủ chốt của Syria và các nước Arab. Iraq, Jordan, Qatar à Saudi Arabia có vị thế tốt để tham gia nhóm này.

Việc các nước này tham gia là rất quan trọng vì 2 lý do. Thứ nhất, bộ ba Astana (Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ) không có các quốc gia Arab. Vì Syria là một quốc gia người Arab chiếm đa số, nên tiến trình mới phải có người Arab. Thứ hai, khi theo dõi những gì đang diễn ra ở Syria, các nhà độc tài khu vực Arab có lẽ đang rất e ngại. Bất chấp những khác biệt về bối cảnh, họ thấy 2 đặc điểm chính của các cuộc nổi dậy của người Arab hiện diện ở Syria: Chế độ bị lật đổ và những nhân vật chính là những người theo đạo Hồi. Điều này gây hoang tưởng và sợ hãi ở các quốc gia này về an ninh chế độ của họ.

Cách tốt nhất, đó là Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nhóm đối lập Syria và cả các bên liên quan nên hướng đến việc xoa dịu lo ngại của các nhà lãnh đạo nhóm này và thúc đẩy họ hợp tác nhiều hơn để có một quá trình chuyển đổi chính trị có trật tự tại Damascus bằng cách đưa họ trở thành một phần của một diễn đàn khu vực bao trùm. Tương tự, EU và Mỹ nên thúc đẩy các quốc gia Arab hợp tác, thay vì gây rối, trong quá trình chuyển đổi chính trị này.

Huy Thông

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/mot-syria-hau-assad-va-trat-tu-khu-vuc-moi-i755759/