Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: Chiến thắng của chiến thuật bảo vệ bí mật cách đánh
Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ tuyệt đối an toàn Sở Chỉ huy chiến dịch, bảo vệ nghiêm mật cách đánh của chiến dịch.
Đầu năm 1975, tin chiến thắng dồn dập báo về. Ngoài công tác bảo vệ phục vụ cho đánh thắng, Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh do Trung tá Vũ Nam Bình (tức Nguyễn Văn Khả, vừa được rút từ Trại Davis về) là Trưởng phòng đã bàn thảo kĩ lưỡng những kế hoạch đối phó với âm mưu, thủ đoạn chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý của địch. Dự kiến những vấn đề khi địch tan rã tại chỗ, thu hồi tài liệu của địch, quản lý và trấn áp tàn quân địch lẩn trốn...
Đầu tháng 4/1975, các đồng chí Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ đã vào đến Bộ Chỉ huy Miền, công bố quyết định của Bộ Chính trị mở Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch gồm: Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh. Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, làm Chính ủy.
Các đồng chí: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Phó Tư lệnh; Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị.
Ba đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng được cử làm đại diện của Bộ Chính trị, trực tiếp lãnh đạo Chiến dịch.
Ngày 7/4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Điện khẩn: "Mệnh lệnh: 1-Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2-Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ".
Ngày 14/4, thể theo nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Miền, Bộ Chính trị gửi bức mật điện số 37/TK lúc 17 giờ 50, do Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn ký: "Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh".
Lúc này, công tác bảo vệ càng thêm nặng nề. Phải bảo vệ bằng được bí mật về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, phương châm, cách đánh, các lực lượng tham gia và các mốc thời gian của chiến dịch, nhất là ngày "N", giờ "G".
Phân tích tình hình, thấy nhiều vấn đề như hướng tiến công, khu vực, mục tiêu, lực lượng tham gia chiến dịch không còn giữ được bí mật tuyệt đối nữa, Phòng Bảo vệ nhận định phải bảo vệ bằng được bí mật cách đánh.
Rút kinh nghiệm Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, khi có một tên trung đội phó trinh sát đầu hàng địch trước ngày "N", giờ "G", đã gây tổn thất không nhỏ cho ta, công tác bảo vệ bí mật cách đánh càng được xác định là quan trọng hàng đầu.
Trưởng Phòng Bảo vệ Vũ Nam Bình lên gặp Quyền Tham mưu trưởng chiến dịch Lê Ngọc Hiền báo cáo ý kiến nhận định của Phòng, được đồng chí Hiền rất tâm đắc. Đồng chí cho biết sẽ báo cáo Bộ Chỉ huy chiến dịch. Các tướng lĩnh đang bàn cách đánh thế nào để trói chân trói tay địch. Đánh cho địch không thể chống đỡ, không thể co cụm mà chỉ có đầu hàng, tan rã và tháo chạy.
Rà soát các khâu công tác bảo vệ, xác định có hai khâu quan trọng là phổ biến nhiệm vụ và thông tin liên lạc. Phòng Bảo vệ Chiến dịch cử cán bộ xuống từng quân đoàn và các đơn vị trực thuộc, quán triệt, phổ biến quy định, kinh nghiệm giữ bí mật hai khâu quan trọng này. Đồng thời bám sát tình hình, bằng nghiệp vụ công tác bảo vệ, bảo đảm tuyệt đối bí mật về cách đánh của ta.
Đúng giờ "G", ngày "N", 0 giờ ngày 29/4, tất cả 5 cánh quân từ 5 hướng, từ các quân khu, các tỉnh, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Miền đồng loạt tiến công. Hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 tiêu diệt căn cứ Đồng Dù của Sư đoàn 25 ngụy. Hướng Bắc, Quân đoàn 1 chiếm Tân Uyên, Lái Thiêu, tiến vào nội đô. Cả 3 trung đoàn của Sư đoàn 5 địch đầu hàng. Hướng Tây, Đoàn 232 chiếm thị xã Hậu Nghĩa, tiêu diệt Sư đoàn 22 địch, tiến chiếm Biệt khu Thủ đô. Hướng Nam tiến chiếm Tổng nha Cảnh sát. Hướng Đông, Quân đoàn 4 đánh sân bay Biên Hòa. Quân đoàn 2 vượt sông Đồng Nai, từ cầu Tân Cảng tiến vào Sài Gòn. Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 với chủ lực là Lữ đoàn Xe tăng 203 tiến chiếm Dinh Độc Lập.
Địch không kịp trở tay, không thể co cụm, ứng cứu nhau.
11 giờ 30 ngày 30/4, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch toàn thắng. Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh lên Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng vô diều kiện.
Cách đánh của Chiến dịch Hồ Chí Minh là dùng một bộ phận thích hợp trên từng hướng đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn. Đồng thời, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh của đich phòng thủ vòng ngoài. Dùng đại bộ phận lực lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven. Mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành.
Các lực lượng đặc công, biệt động, an ninh vũ trang và tự vệ thành phố, các lực lượng chính trị của quần chúng sẽ đánh chiếm trước các cầu qua sông. Đó là bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến quân, dẫn đường cho các đơn vị và trừ gian, phát động quần chúng nổi dậy.
Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ tuyệt đối an toàn Sở Chỉ huy chiến dịch, bảo vệ nghiêm mật cách đánh của chiến dịch. Đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.