Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: Ký ức của người trong cuộc - Bài 2: Bảo vệ cầu Rạch Chiếc, thông đường vào nội đô
15 giờ chiều 28-4-2023, theo lời mời của các cựu chiến binh (CCB) Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 (thuộc Bộ Tham mưu Miền), chúng tôi có mặt dự lễ giỗ các chiến sĩ của Lữ đoàn hy sinh trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc, tạo thuận lợi cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tại đây, những câu chuyện về sự hy sinh, gian khổ và ý chí chiến đấu kiên cường quyết giữ vững cây cầu huyết mạch của những người lính đặc công được tái hiện như mới hôm qua…
Trận giằng co ác liệt
Cầu Rạch Chiếc thuộc địa phận TP Thủ Đức, bắc qua nhánh sông Sài Gòn vốn hiền hòa, chỉ lăn tăn sóng nước. Đây là cây cầu có vị trí quan trọng kết nối giao thông giữa TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu nên người xe thường xuyên tấp nập, nhất là dịp lễ, Tết. Thế nhưng, không phải ai cũng biết, để bảo vệ cây cầu này, 52 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 đã anh dũng hy sinh.
Thắp nén nhang trước Đài tưởng niệm, Trung úy, CCB Nguyễn Đức Thọ, thuộc Đại đội 1, Z23 (Lữ đoàn Đặc công biệt động 316) hồi tưởng: "Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ đánh bộ tư lệnh hải quân ngụy ở Bến Bạch Đằng (nay nằm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, sau đó có lệnh thay đổi mục tiêu phải đánh và bảo vệ bằng được cầu Rạch Chiếc, không để địch phá sập, nhằm giữ đường cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn".
Do mục tiêu thay đổi đột ngột, đêm 26-4-1975, cả 3 đơn vị gồm: Z22, Z23 và Tiểu đoàn 81 của Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 đã tổ chức trinh sát trận địa. Sáng 27-4-1975, làm công tác chuẩn bị, xác định quyết tâm. 19 giờ cùng ngày, các đơn vị bắt đầu rời địa điểm ém quân và đến 23 giờ đã tiếp cận mục tiêu. Giờ nổ súng được ấn định là 3 giờ 30 phút sáng 28-4-1975.
Tuy nhiên, mới khoảng 3 giờ, một chiếc xe của địch từ nội đô ra bất ngờ lao lên cầu, sát nơi bộ đội đang ém quân. Một chiến sĩ buộc phải dùng AK bắn chặn. Ngay lập tức, chỉ huy Tiểu đoàn 81 phát lệnh cho hàng chục khẩu B40, B41 đồng loạt khai hỏa nhắm thẳng vào khu vực trại lính, sở chỉ huy, bót gác và các ổ đề kháng của địch. Khói lửa trùm lên mù mịt, nhiều dãy nhà của lính ngụy ở đầu cầu bị đổ sập. Các chiến sĩ theo nhiệm vụ xông lên tiến công các mục tiêu khiến hàng trăm tên địch bỏ mạng.
Ở đầu cầu phía bắc, Z22, Z23 đang vượt sông thì bị hỏa lực địch ngăn chặn. Nhận thấy tình thế bất lợi cho ta, đồng chí Nguyễn Đức Thọ liền bắn quả B40 đầu tiên vào tháp canh của địch ở đầu cầu phía bắc, nhưng do nằm dưới sình lầy, ngay trước mặt là hàng rào dây kẽm gai nên phát B40 này chệch mục tiêu. Ngay lập tức, những tràng đại liên của địch từ tháp canh bắn xối xả xuống mặt nước. Bất chấp nguy hiểm, đồng chí Thọ đứng thẳng dậy nhắm bắn quả B40 thứ hai trúng mục tiêu. Hỏa lực trên tháp canh im bặt, tạo thuận lợi cho quân ta tiến công. Sau khoảng 30 phút chiến đấu ác liệt, quân ta đã chiếm lĩnh mặt cầu Rạch Chiếc…
Trong câu chuyện kể, CCB Nguyễn Đức Thọ nhiều lần ngừng lời. Ông ngước nhìn lên cầu Rạch Chiếc, rồi lại nhìn xuống dòng sông như tìm kiếm điều gì quý giá! Gương mặt ông thoáng nét buồn phảng phất…
Nhìn ánh mắt ông, tôi chợt nhớ lại lần gặp Đại tá, CCB Nguyễn Xuân Liễu, nguyên Phó trưởng khoa Trinh sát (Trường Sĩ quan Lục quân 2) vài năm trước. Trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc, ông Liễu là tổ trưởng một tổ đặc công nước thuộc Đại đội 1, Z23.
Câu chuyện CCB Nguyễn Xuân Liễu kể phần nào lý giải được nỗi buồn của người đồng đội – CCB Nguyễn Đức Thọ: "Sau khi chúng tôi chiếm được mặt cầu, quân địch tổ chức phản công dữ dội với lực lượng vô cùng mạnh, có cả máy bay, xe tăng, pháo, tàu chiến… gây cho ta nhiều tổn thất nặng nề, buộc phải rút khỏi khu vực cầu. Tổ của tôi thương vong gần hết, chỉ còn mình tôi cả ngày phải ngâm trong bùn nước, đói rét, mệt lả. Tối 28-4, lợi dụng địa hình, thời tiết, tôi tìm về điểm hẹn, gặp lại đồng đội ở đầm Bưng. Ngay đêm đó, chúng tôi lại nhận lệnh bằng mọi giá phải bảo vệ cầu Rạch Chiếc, bảo đảm an toàn cho các đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn. Thế là, tất cả lại bí mật xuất kích… Suốt 2 đêm 1 ngày liên tục bám địch chiến đấu, đến sáng 30-4-1975, khi các đơn vị quân ta vượt qua cầu Rạch Chiếc an toàn, chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ giữ thông suốt đường tiến vào nội đô".
Mãi khắc ghi công những người nằm xuống
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 28-4 hằng năm, các CCB Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 lại tụ họp làm lễ giỗ những người đồng đội đã hy sinh để bảo vệ cầu Rạch Chiếc. Bao năm qua đi, nhưng mỗi khi đọc những dòng chữ ghi danh các liệt sĩ khắc trên bia tưởng niệm, các CCB ai nấy đều bùi ngùi, xúc động. Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu, nguyên Chính ủy lữ đoàn, chùng giọng: “Trong trận giằng co ác liệt đó, 52 cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã anh dũng hy sinh. Sau chiến tranh, đơn vị và địa phương đã lập bia thờ. Để tiếp tục ghi tạc công lao của các liệt sĩ và thiết thực giáo dục truyền thống anh hùng, bất khuất cho lớp trẻ, cuối năm 2015, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quyết định xây dựng công trình bia tưởng niệm quy mô hoành tráng, trang nghiêm trên diện tích 12.000m2, với nhiều hạng mục cần thiết, thỏa lòng đồng đội và thân nhân các liệt sĩ”.
Sau lễ dâng hương và các phẩm vật, nhiều CCB ra tận mép nước dưới chân cầu Rạch Chiếc nhìn về những nơi mình cùng đồng đội ngụp sâu dưới nước, ẩn sau những vật che khuất mong manh đợi thời cơ đánh địch; ôn lại những kỷ niệm về trận đánh của một thời thanh xuân rực lửa. Một vài CCB đi dọc bên bờ bắc, bờ nam vọng tìm lại dấu tích những người đồng đội…
Gần nửa thế kỷ qua đi, cầu Rạch Chiếc đã được tu sửa, nâng cấp, thuận tiện giao thông kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh liên vùng. Dưới chân cầu, mặt nước yên ả, tàu thuyền xuôi ngược mưu sinh, nhưng 48 năm trước, cũng chính những ngày này nơi đây sục sôi lửa đạn, ghi dấu tích oai hùng của những người chiến sĩ đặc công, góp phần vào chiến thắng vĩ đại, thu non sông về một mối.
Trong buổi dâng hương các liệt sĩ hy sinh khi chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc mới đây, đồng chí Hoàng Tùng, Phó bí thư Thành ủy Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức, nhấn mạnh: Sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc mãi được sử sách lưu danh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thủ Đức nguyện ra sức thi đua hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân và củng cố vững chắc quốc phòng-an ninh, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh.
Bài và ảnh: CHÂU GIANG-BẠCH THIẾT