Chiến dịch Idlib của Iran hé lộ lý do Thổ đưa lính đánh thuê tới Azerbaijan
Những gì diễn ra ở Nagorno-Karabakh, với sự hiện diện của lính đánh thuê nước ngoài, ngày càng giống với tình hình tại Syria– nơi Iran và Thổ ở 2 phía đối lập của cuộc nội chiến.
Công cụ đắc lực cho những thế lực giấu mặt
Ngày 23/10 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, bước leo thang bạo lực mới giữa Azerbaijan và Armenia tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh đã khiến gần 5.000 người thiệt mạng trong chưa đầy một tháng qua.
Hai vòng thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian, cùng với nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm ngưng cuộc xung đột, cho đến nay đều bất thành, khi các bên tham chiến cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
So với các cuộc xung đột trước đây và hiệp định đình chiến đã đạt được giữa hai phía trong những năm 1990, một nhân tố mới đang "đổ thêm dầu" vào cuộc xung đột lần này và làm phức tạp hóa các nỗ lực đa phương nhằm dàn xếp giải pháp hòa bình trong khu vực chính là sự hiện diện của lính đánh thuê nước ngoài.
Những gì đang diễn ra ở Nagorno-Karabakh, với sự hiện diện của lính đánh thuê nước ngoài, đang ngày càng giống với tình hình tại Syria – nơi Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ở hai phía đối lập của cuộc nội chiến.
Ở cả hai mặt trận, việc sử dụng lính đánh thuê nước ngoài đều cho phép các thế lực bảo trợ theo đuổi mục tiêu của họ với chi phí nhân lực và chi phí tài chính thấp hơn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng kéo theo những rủi ro đáng kể về an ninh và chính trị.
Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, đã xuất hiện các báo cáo cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai lính đánh thuê Syria tới hỗ trợ Azerbaijan.
Ngày 1/10, hãng tin CNN đưa tin, những người Syria có mối liên kết với tổ chức Quân đội Quốc gia Syria (SNA) do Thổ hậu thuẫn đang được tuyển mộ để tham chiến tại mặt trận Nagorno-Karabakh với mức lương 1.500 USD/tháng.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), vào ngày 18/10, hơn 2.000 phiến quân Syria đã được đưa từ Syria tới Azerbaijan, khoảng 135 người trong số này đã thiệt mạng. Những số liệu thống kê này đã nhanh chóng thu hút phản ứng của quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia láng giềng của Azerbaijan và Armenia.
Ngày 1/10, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" trước việc lính đánh thuê được đưa từ Syria và Libya sang Nagorno-Karabakh. Tuyên bố này không đề cập trực tiếp tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 14/10, Tổng thống Putin đã nhắc lại những "lo ngại nghiêm trọng" của Nga trước sự hiện diện của lính đánh thuê từ Trung Đông tại Nagorno-Karabakh.
Tương tự, ngày 7/10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh, sự hiện diện của lính đánh thuê nước ngoài gần các vùng biên giới của Iran là điều "không thể dung thứ được".
"Không thể chấp nhận được rằng một số quốc gia đang muốn đưa những phần tử khủng bố từ Syria và những nơi khác tới khu vực của chúng ta, và tới những vùng giáp biên giới của chúng ta dưới nhiều hình thức khác nhau" – Ông Rouhani nói.
Trong khi đó, Ali Akbar Velayati – cố vấn về các vấn đề quốc tế của nhà lãnh đạo tối cao Iran, đã cảnh báo rằng, nếu các báo cáo về sự xuất hiện của các phần tử cực đoan Al-Qaeda và IS tại Karabakh là đúng, thì tất cả những ai đứng sau kế hoạch này sẽ phải chịu trách nhiệm.
Theo nhà phân tích Hamidreza Azizi tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế ở Berlin (Đức), Iran cũng là phía đã có sự can thiệp bán quân sự vào Syria nhưng họ luôn tranh cãi rằng điều đó được tiến hành theo đề nghị của chính phủ Syria, với mục đích chính là hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad giải phóng toàn bộ lãnh thổ Syria từ sự kìm kẹp của các nhóm nổi dậy và các thế lực nước ngoài bảo trợ cho chúng.
Trong những năm gần đây, các nhóm chiến binh người Shiite do Iran tổ chức từ Afghanistan, Pakistan, Iraq và Lebanon đã đóng vai trò quyết định trong các chiến thắng của quân chính phủ Syria trước các nhóm nổi dậy và cực đoan.
Tuy nhiên, Iran hầu hết đều phủ nhận mình giữ vai trò trực tiếp trong công tác triển khai và trang bị cho các chiến binh này, Teheran gọi họ là lực lượng nhân dân và tình nguyện.
Tương tự, trong trường hợp ở Nagorno-Karabakh, sự hậu thuẫn gián tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Azerbaijan thông qua việc điều phối lính đánh thuê đã mang lại cho Ankara cơ hội để trốn tránh trách nhiệm về vai trò chủ chốt của họ trong cuộc xung đột.
Đồng thời, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách biện minh cho lập trường của mình bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải chấm dứt tình trạng người Armenia chiếm đóng vùng đất của Azerbaijan.
Những hệ lụy lớn
Theo nhà phân tích Azizi, tình hình hiện tại ở mặt trận Nagorno-Karabakh ngày càng giống với tình hình tại mặt trận Idlib của Syria hồi đầu năm nay.
Trong các chiến dịch của quân chính phủ Syria nhằm tái chiếm tỉnh Idlib hồi tháng 1 – tháng 2, các nhóm chiến binh người Afghanistan và Pakistan do Iran hậu thuẫn đến từ hai lữ đoàn Fatemiyoun và Zeinebiyoun đã hoạt động tích cực trong cuộc giao tranh.
Trước đó, Tehran và lực lượng ủy nhiệm của họ đều tránh hiện diện trực tiếp trên mặt trận Idlib. Một lý do quan trọng là Iran không muốn gây hấn trực diện với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang chia sẻ đường biên giới dài trên bộ với Idlib.
Thế nhưng, sự thay đổi trong phương thức tiếp cận và triển khai lực lượng ủy nhiệm của Iran tưới thành trì cuối cùng của quân nổi dậy Syria đã thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng, đưa Tehran và Ankara tới bờ vực xung đột trực diện tại Syria.
Do đó, có thể thấy là việc gia tăng sử dụng phiến quân như một công cụ của chính sách khu vực cũng mang lại những rủi ro đáng kể.
Sự hiện diện của lính đánh thuê nước ngoài có thể sẽ làm phức tạp thêm và kéo dài các cuộc khủng hoảng trong khu vực, khiến những cuộc khủng hoảng này trở nên khó giải quyết hơn thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao.
Cùng với sự hỗ trợ quân sự trực tiếp của Nga dành cho chính phủ Syria, sự tham gia liên tục của các lực lượng do Iran hậu thuẫn là một yếu tố quan trọng làm tăng thêm quyết tâm của ông Assad trong việc tiếp tục tiến hành các chiến dịch quân sự ở những khu vực khác nhau của Syria.
Tương tự, tại Nagorno-Karabakh, nguồn lực dồi dào và giá rẻ từ phiến quân cho phép Azerbaijan tiếp tục duy trì các chiến dịch quân sự chống lại Armenia mà không phải hứng chịu một con số thương vong đủ lớn ngăn bước Baku hoặc buộc nước này phải tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.
Đây là một trong những lý do chính dẫn tới thất bại trong sáng kiến thỏa thuận ngừng bắn của Nga, cũng như thỏa thuận ngừng bắn thứ hai vốn được dự kiến thi hành từ ngày 19/10.
Ngoài ra, việc triển khai lính đánh thuê nước ngoài tới các vùng biên giới có thể kích động các quốc gia láng giềng của Armenia và Azerbaijan tiến hành những biện pháp ngăn chặn hoặc phủ đầu, khiến cuộc khủng hoảng lan rộng hơn.
Mặc dù ý đồ chính đằng sau quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ khi triển khai lính đánh thuê Syria và Libya tới nam Caucasus không phải là nhằm trả đũa Iran vì đưa lực lượng ủy nhiệm của họ tới Idlib nhưng cuộc khủng hoảng tại Nagorno-Karabakh vẫn có thể bước sang một giai đoạn nguy hiểm và bất ổn hơn nếu Tehran quyết định có hành động trực tiếp chống lại lực lượng lính đánh thuê của Thổ.
Sử dụng lính đánh thuê nước ngoài cũng mang lại những hậu quả dài hạn. Ở khía cạnh này, cần lưu ý tới sự khác biệt giữa lực lượng ủy nhiệm địa phương và nước ngoài. Đã từ lâu cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều sử dụng lực lượng ủy nhiệm địa phương tại Syria.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau tổ chức Quân đội Syria Tự do (FSA) ngay từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tại Syria thì Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã thành lập Lực lượng Phòng vê Quốc gia (NDF) với mục tiêu tổ chức, chiêu mộ các phần tử địa phương để hỗ trợ cho chính quyền Assad.
Khác với lực lượng ủy nhiệm địa phương, lính đánh thuê nước ngoài thường có sự khác biệt về tôn giáo và sắc tộc so với lực lượng địa phương tại khu vực mà họ được triển khai tới.
Các chiến binh dòng Shiite do Iran hậu thuẫn sẽ xa lạ với người Sunni tại Idlib, cũng như các phần tử cực đoan người Sunni do Thổ triển khai có thể sẽ không thích ứng được với môi trường xã hội-chính trị của người Shiite ở Azerbaijan.
Ông Azizi cho rằng, nếu cuộc khủng hoảng kéo dài và những lực lượng này vẫn tiếp tục hiện diện thì nguy cơ xảy ra đụng độ giữa họ với cư dân địa phương sẽ ngày càng lớn.
Nói cách khác, mặc dù lính đánh thuê nước ngoài có thể là công cụ hiệu quả để xoay chuyển tình thế trong một cuộc xung đột cục bộ ngắn hạn nhưng họ sẽ giao mầm cho những xung đột mới về lâu dài.