Chiến dịch MI-6 và SEPO quyến rũ Brezhnev thất bại từ trong trứng nước

Các cơ quan tình báo Anh và Thụy Điển đã thảm bại trong chiến dịch dùng 'bẫy ngọt ngào' để mồi chài con trai Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brezhnev.

“Vũ khí tuyệt mật” của MI-6 không phát huy tác dụng

Vào đầu những năm 1970, Yuri Brezhnev - con trai của Leonid Brezhnev - Tổng Bí thư UBTW Đảng Cộng sản Liên Xô, được phái đi làm Tham tán Thương mại tại Stockholm - thủ đô Thụy Điển. Lúc đó là đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, đồng thời là kỷ nguyên của chủ nghĩa khoái lạc đằng sau cánh cửa đóng kín ở thủ đô phồn hoa của Thụy Điển, nổi tiếng bởi những bữa “tiệc pyjama” trong "cộng đồng tinh hoa" của xã hội, mà không ý thức được là luôn bị tình báo Thụy Điển SEPO bí mật theo dõi.

Theo cuốn sách "Thợ săn gián điệp" (“Охотник за шпионами”) của Olof Franstedt - cựu lãnh đạo tình báo Thụy Điển (SEPO) từ 1966 đến 1978, tình báo Anh và Thụy Điển đã phác thảo ý tưởng tạo một cái bẫy “ngọt ngào” để quyến rũ vị Trưởng phái đoàn thương mại hào hoa và là con trai nhà lãnh đạo của một trong những cường quốc hàng đầu thế giới này. Một nữ đặc vụ tài sắc của tình báo Anh MI-6 có tên là Anna - một mối quyến rũ "không thể cưỡng lại" - người “chưa bao giờ nếm mùi thất bại trong nhiệm vụ quyến rũ đàn ông” - được bố trí để đưa Brezhnev con vào tròng bằng cách dụ dỗ con trai nhà lãnh đạo Liên Xô đến một “bữa tiệc pyjama” ở thủ đô yên bình của nước Bắc Âu này.

Sách của Giám đốc tình báo an ninh Thụy Điển về chiến dịch quyến rũ Brezhnev con; Nguồn: unian.net

Sách của Giám đốc tình báo an ninh Thụy Điển về chiến dịch quyến rũ Brezhnev con; Nguồn: unian.net

Theo kịch bản, Anna được cho là hứa với Yuri một sự thân mật đầy lãng mạn và dụ dỗ anh ta vào một căn hộ được gắn các thiết bị ghi hình và nghe trộm. Nếu người Thụy Điển thành công trong việc chụp ảnh, ghi băng, ghi âm con trai nhà lãnh đạo Liên Xô tại cuộc chơi “vô tiền khoáng hậu”, họ sẽ có cơ hội để chiêu dụ, khống chế Yuri Brezhnev, nhằm có được thông tin cần thiết về Liên Xô, hoặc tống tiền như các trò chơi gián điệp trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. “Cả người Thụy Điển và các nước phương Tây khác đều có ham muốn tình dục, vì vậy chúng tôi chắc rằng với người Nga cũng vậy” - cựu Giám đốc tình báo Thụy Điển viết trong cuốn sách của mình.

Tuy nhiên, Anna đã không bao giờ có thể sử dụng thân thể như câu thần chú của mình - Yuri Brezhnev và các cộng sự khác đã bí ẩn rời khỏi Thụy Điển trước khi cuộc gặp của họ diễn ra. Vài năm sau, sự thật được hé lộ - nguyên nhân thất bại của chiến dịch là do điệp viên hai mang làm việc cho tình báo Liên Xô có tên là Stig Bergling - sỹ quan SEPO từ năm 1973 đến 1979 - đã thông báo cho phía Liên Xô về chiến dịch này. Yuri Brezhnev về sau trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Liên Xô tại Moscow, nhưng sau đó bị buộc rời khỏi vị trí này vì các cáo buộc tham nhũng và qua đời năm 2013 ở tuổi 80.

Cuộc đời thăng trầm của điệp viên nhị trùng Stig Bergling

Câu chuyện về điệp viên nổi tiếng nhất Thụy Điển Stig Bergling gần giống như tất cả các câu chuyện gián điệp thời Chiến tranh Lạnh. Sinh ra tại một quận danh giá ở Stockholm vào năm 1937, Bergling bắt đầu sự nghiệp vào năm 1968 tại Síp - nơi ông ta làm nhân viên an ninh cho tiểu đoàn Thụy Điển thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; sau đó, chuyển sang cảnh sát an ninh Thụy Điển SAPO - tham gia vào các hoạt động phản gián, trực tiếp giám sát Tùy viên Quân sự Liên Xô tại nước này.

Yuri Brezhnev - đối tượng nằm trong tầm ngắm của chiến dịch. Nguồn: lenta.ru

Yuri Brezhnev - đối tượng nằm trong tầm ngắm của chiến dịch. Nguồn: lenta.ru

Năm 1971, Stig làm công tác an ninh của Bộ chỉ huy phòng thủ Lực lượng Vũ trang Thụy Điển, tiếp xúc với các tài liệu tối mật, kể cả bản đồ các công trình phòng thủ mà theo quy định, được nhận và trả lại cơ quan quản lý mỗi ngày. Điều này quá bất tiện và cấp chỉ huy đã cho phép Bergling copy bản sao và giữ nó trên bàn làm việc của anh ta.

Thế rồi ý tưởng đã đến - cùng với các tài liệu tuyệt mật khác, Bergling cho chúng vào cặp, bình tĩnh đi qua cổng kiểm tra an ninh, giấu chúng trong một két sắt tại một ngân hàng. Sau đó, Bergling được biệt phái đến Trung Đông với tư cách là chỉ huy một trung đội cảnh sát quốc tế đóng quân trên bán đảo Sinai và không lâu sau đó, Bergling được chuyển đến Lebanon với tư cách là một sĩ quan của lực lượng Liên Hợp Quốc.

Trước khi đi Trung Đông, Bergling đã làm quen với một nữ nhân viên bán hàng tên Inger Shterr ở Stockholm, lớn tuổi hơn anh ta - người đã kết hôn với một kiến trúc sư giàu có, có bốn đứa con nhưng không thôi mơ ước phiêu lưu. Một mối tình lãng mạn đã diễn ra, và có lần Inger đến với Stig ở Beirut - bán đảo bình yên giữa tâm điểm cuộc xung đột Arab-Israel - nơi mọi cơ quan tình báo quốc tế đều cài cắm điệp viên. Trong các quán bar địa phương nhan nhãn điệp viên ngoại quốc, cả nam lẫn nữ; những “tân binh” mới xuất hiện ở đó bị mọi người chuốc rượu, cố gắng tìm hiểu xem anh ta làm việc cho ai…

Các đồng nghiệp không thích Stig Bergling vì anh ta quá sính những bộ trang phục đắt tiền, đồ uống ngon và những người phụ nữ xinh đẹp - những người mà anh ta hào phóng tặng quà và đích thân lái xe mời đến những nhà hàng đắt tiền - đó không phải là cách sống mẫu mực đối với một sĩ quan tình báo. Tình báo Nga tuyển dụng Bergling có tính đến những đặc điểm tính cách của anh ta, hành động liều lĩnh - phù phiếm, luôn mơ ước về một cuộc sống sung túc và luôn khát khao phiêu lưu, kể cả trong tình ái.

Điệp viên hai mang đào hoa Stig Bergling; Nguồn: dlyakota.ru

Điệp viên hai mang đào hoa Stig Bergling; Nguồn: dlyakota.ru

Theo một số thông tin, các đặc vụ GRU đã chú ý đến viên thanh tra đầy tham vọng của cảnh sát hình sự Stockholm từ năm 1967 và theo yêu cầu của họ, đối tượng tiếp tục sự nghiệp của mình tại cảnh sát an ninh Thụy Điển SEPO - nơi ông trở thành sĩ quan liên lạc với Bộ chỉ huy phòng thủ. Còn theo Stig, năm 1973, chính ông đã đến Đại sứ quán Liên Xô tại Beirut. Lúc đó, hợp đồng với Liên Hợp Quốc kết thúc, viên sĩ quan đào hoa và bạn gái Inger lộng lẫy với tóc đỏ cần rất nhiều tiền, và Bergling nhớ đến két sắt chứa các bản sao tài liệu tối mật nọ.

Năm 1977, Bergling báo cho phía Liên Xô tin tùy viên quân sự G. Fedosov tìm kiếm tị nạn chính trị ở phương Tây. Người Thụy Điển đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp nhận Fedosov, hy vọng rằng đây sẽ là "chiến lợi phẩm lớn nhất" trong lịch sử Thụy Điển.

Fedosov bị triệu hồi về Moscow, nhưng thật kỳ lạ, viên sĩ quan cao cấp này không phải chịu hình phạt. Có lẽ, lãnh đạo GRU cho rằng Bergling có phần cường điệu, muốn tự bảo vệ bản thân khỏi một thất bại có thể xảy ra. Nhưng số phận đã đối xử với Bergling giống như cách anh đã làm với Fedosov. Đặc vụ người Thụy Điển của GRU bị nhân viên KGB O. Gordievsky - người trốn sang Anh - tiết lộ cho các ông chủ ở MI-6. Sau khi nhận được thông báo của các đồng nghiệp Anh, đích thân lãnh đạo tình báo Thụy Điển bay sang Lodon thẩm vấn kẻ đào tẩu.

Trên thực tế, vào cuối những năm 1970, linh cảm thấy bị tình nghi, Bergling đã quyết định một lần nữa gia nhập lực lượng Liên Hợp Quốc ở Cận Đông - nơi ông ta kiếm được nhiều tiền nhờ buôn lậu vàng và buôn lậu vũ khí cho người Palestine. Với một chuyến bay từ Italy đến Amman, Stig nhận được 5.000 USD - số tiền không nhỏ ngay cả thời điểm hiện tại, và nếu tính, trong toàn bộ thời gian hợp tác với GRU, điệp viên này chỉ nhận được từ Moscow 68.000 kroon (tiền Thụy Điển). Tình báo Israel Mossad không quan tâm nhiều đến vàng, nhưng việc buôn lậu vũ khí đã vượt quá sự kiên nhẫn của họ - Stig bị bắt năm 1979 và bị trục xuất về Thụy Điển.

Là một tội phạm nhà nước, nhận án chung thân, lúc đầu anh ta bị cách ly nghiêm ngặt với các tù nhân khác. Về sau, với hành vi mẫu mực và thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của một tù nhân, các biện pháp áp dụng được nới lỏng dần. Stig thậm chí còn được phép kết hôn với công dân Thụy Điển Elizabeth Sandberg và lấy họ mới của vợ - Eugene. Hai lần - vào năm 1985 và 1987 - Bergling đã đệ đơn xin khoan hồng, nhưng đều bị từ chối dưới áp lực của SEPO. Đêm 6/10/1987, khi được phép gặp vợ cuối tuần tại nhà ở vùng quê của vợ gần Stockholm, Bergling đã lừa dối những người bảo vệ và cùng vợ bỏ trốn.

Trên hai chiếc ô tô, họ đến cảng Grisslehann, và từ đó trên một chuyến phà, đến đến Turku (Phần Lan) - nơi họ liên lạc với các sĩ quan GRU làm việc tại Tổng Lãnh sự quán Liên Xô. Hai vợ chồng ngay lập tức được chuyển đến Đại sứ quán Liên Xô tại Helsinki, ở đó cho đến ngày 10/10, khi các công việc chuẩn bị để họ đến Moscow một cách bất hợp pháp được bố trí.

Bergling nằm trong cốp xe được tuồn qua biên giới Liên Xô-Phần Lan tại khu vực Vyborg, như chính Gordievsky cũng được đưa ra khỏi Liên Xô sang Anh trong cốp xe. Lực lượng phản gián và cảnh sát Thụy Điển báo động, nột cuộc truy nã đã được tiến hành tại tất cả các quốc gia Scandinavia và người ta đã sớm phát hiện ra chiếc xe Elizabeth thuê ở vùng lân cận thủ đô Phần Lan.

Điệp viên nhị trùng Bergling khi về già; Nguồn: dlyakota.ru

Điệp viên nhị trùng Bergling khi về già; Nguồn: dlyakota.ru

Tại Moscow, Bergling được đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ mới cho tình báo quân sự Liên Xô. Năm 1990, ông và vợ, với hộ chiếu doanh nhân quốc tịch Anh Ronald Charles Abay và Sylvia Tin Abay, được chuyển đến Lebanon để thực hiện nhiệm vụ GRU. Tuy nhiên, thật bất ngờ, vào tháng 8/1994, Bergling và Elizabeth đã tự nguyện trở về Thụy Điển và một lần nữa Bergling được đưa vào phòng giam của nhà tù Hull để tiếp tục thụ án chung thân. Vợ ông, vì đã tạo điều kiện cho ông bỏ trốn, đã phải đối mặt với bản án hai năm tù. Tuy nhiên, người vợ bị bệnh nặng và chết vì ung thư năm 1994.

Ở trong tù, Bergling một lần nữa nộp đơn xin khoan hồng với thực tế là Liên Xô đã không còn trên bản đồ thế giới và bệnh Parkinson của ông bắt đầu phát triển. Mùa hè năm 1996, người hàng xóm trong buồng bệnh viện - một tù nhân trẻ hai mươi hai tuổi, đã đâm ông ta hai nhát nĩa vào đầu. Tháng 7/1996, chính phủ Thụy Điển đã quyết định đổi án chung thân Bergling bằng án 23 năm tù. Tháng 12/1996, Hội đồng phóng thích tù nhân hình sự đã quyết định thả Berling sớm - vào ngày 17/7/1997. Sau khi được trả tự do, Bergling đổi tên thành Stig Syudholt và 2006, ông ta gia nhập Đảng cánh tả Thụy Điển.

Bắt đầu vào cuối những năm 90, Bergling bị bệnh Parkinson nghiêm trọng và qua đời năm 2015 tại Stockholm./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/chien-dich-mi6-va-sepo-quyen-ru-brezhnev-that-bai-tu-trong-trung-nuoc-1034904.vov