Chiến dịch mới chống Covid-19 sẽ quyết liệt và triệt để hơn
Tại hội nghị trực tuyến gồm 700 điểm cầu tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố diễn ra ngày 15-3, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp. Thời gian tới, Việt Nam cần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt và triệt để hơn.
Hành khách nhập cảnh qua sân bay Nội Bài phải khai tờ khai y tế bắt buộc.
Thành công nhất của Việt Nam là thực hiện cách ly
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong cuộc tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 14-3, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, thành công nhất của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 là thực hiện cách ly. Trong khi ở một số nước, những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân chỉ thực hiện việc cách ly tại nhà, nhưng ở Việt Nam, những trường hợp này phải cách ly tại cơ sở y tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nếu để một ca bệnh lọt ra ngoài cộng đồng, thì khả năng lây lan rất lớn. Chính vì vậy, Việt Nam phải thực hiện cách ly ngay các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân tại cơ sở y tế, vì đây là những người có khả năng lây nhiễm cao. Thực hiện tốt điều này thì khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất thấp. Đặc biệt, thay vì cách ly một vùng như tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, hiện các biện pháp cách ly cũng được điều chỉnh, khoanh vùng nhỏ hơn, chặt hơn. Việc điều chỉnh này vừa đáp ứng yêu cầu chống dịch, vừa không làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Tại điểm cầu Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát những người có liên quan, tiếp xúc với những bệnh nhân dương tính với Covid-19 và những người tiếp xúc gần với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để cách ly theo dõi sức khỏe. Tính đến trưa 15-3, đã có 14 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô tiếp nhận 366 người tiếp xúc gần với ca dương tính. Bên cạnh đó, hoạt động cách ly theo dõi sức khỏe và bảo đảm sinh hoạt cho người dân khu vực phố Trúc Bạch, khu vực ngõ 165 Cầu Giấy, khu vực phố Núi Trúc, khu vực phố Điện Biên Phủ, ngách 12 ngõ 250 Khương Trung, quận Thanh Xuân - nơi ở của các bệnh nhân… tiếp tục được thực hiện.
Không chỉ vấn đề cách ly, cả về việc điều trị, cách thức của Việt Nam đang áp dụng cũng khác với một số nước. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, quan điểm của chúng ta là không tập trung mà phân tán ở tất cả các tuyến, trong đó tuyến xã điều trị ca nhẹ, ca nặng điều trị tuyến trên. “Một số nước áp dụng chính sách khác nhau, không thể so sánh. Có nước, ca nhẹ thì điều trị tại nhà, có nước lại vào bệnh viện. Còn Việt Nam luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi kịch bản. Phác đồ điều trị cũng luôn thay đổi, phù hợp và tiệm cận với tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm của các nước trên thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Quyết tâm, kiên trì ngăn ca xâm nhập
Kiểm soát chặt chẽ thân nhiệt hành khách đến thành phố Hồ Chí Minh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Văn Bình
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hầu hết các ca bệnh Covid-19 tại nước ta là xâm nhập từ nước ngoài và lây trong cộng đồng. Ngành Y tế biết rõ về nguồn gốc của những ca lây nhiễm, khác một vài nước không xác định được “bệnh nhân số 0”. Chính vì vậy, trong chiến lược phòng dịch, quan trọng nhất là chúng ta phải quyết tâm, kiên trì ngăn ca xâm nhập.
Từ ngày 15-3, Việt Nam đã quyết định tạm dừng cấp visa cho du khách đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19, bao gồm: Các nước thuộc khu vực Schengen (Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italia, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ), Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Trước đó, từ ngày 14-3, tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đến từ vùng dịch sẽ tiến hành cách ly ngay tại cửa khẩu, bao gồm cả hành khách người Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta đã triển khai khai báo y tế bắt buộc với tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Đối với hành khách nhập cảnh từ châu Âu vào Việt Nam sẽ tiến hành đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung. “Nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời từ cửa khẩu, các ca bệnh sẽ tràn vào Việt Nam. Nếu điều đó xảy ra sẽ rất nguy hiểm”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Tính từ thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, đã có 16 giải pháp công nghệ thông tin do 11 đơn vị triển khai, đã có hàng triệu người và nhiều cơ quan, sử dụng ứng dụng. Nhờ sự hỗ trợ từ các đơn vị công nghệ, Bộ Y tế đã khai trương trang tin, cung cấp thông tin kịp thời trên quan điểm minh bạch, không giấu giếm. Bộ Y tế cũng khai trương nhiều phần mềm (app) giúp người dân nắm thông tin, áp dụng tờ khai y tế điện tử quản lý toàn bộ khách nhập cảnh. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu, các cửa khẩu cần thực hiện tốt hơn nữa việc khai báo y tế điện tử để tránh gây ra ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu, sân bay và làm giảm thời gian từ việc phải nhập dữ liệu bằng tờ khai giấy. Cùng với đó là thay đổi phương thức, mở rộng hơn đối tượng xét nghiệm.
Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã thực hiện trang bị đầy đủ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở xét nghiệm, chỉ đạo các địa phương sản xuất bộ thử nghiệm, trao đổi kỹ thuật giữa các phòng labor với nhau. “Hiện công suất xét nghiệm được đẩy nhanh, kết quả xét nghiệm được trả trong 24 giờ và hướng tới rút ngắn hơn càng sớm càng tốt. Có như vậy mới kiểm soát chặt chẽ, hạn chế lây lan dịch bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.