Chiến dịch 'Săn cáo' của Trung Quốc: Giăng lưới trời ở nước ngoài, xây 'đê phòng hộ' ở trong nước

Năm thứ 10 thực hiện chiến dịch 'Thiên Võng', Trung Quốc liên tục truy bắt tham quan trốn ra nước ngoài và kết quả đạt được rất khả quan.

Các thành viên "Văn phòng trung ương truy đào" thường xuyên họp bàn thống nhất các biện pháp truy bắt, truy thu (Ảnh: Tân Hoa xã).

Bủa lưới toàn diện, đánh bắt trọng điểm

Tháng 4/2015, căn cứ việc triển khai thống nhất chiến dịch “Thiên Võng 2015”, Trung tâm Interpol quốc gia Trung Quốc đã thu thập, công bố bản “Danh sách 100 kẻ bị truy nã đỏ quốc tế” (gọi tắt là Danh sách đỏ 100) với những cái tên đình đám như Dương Tú Châu, Lý Hoa Ba, Kiều Kiến Quân, Diêm Vĩnh Minh…

Nhiều nghi phạm phạm tội đã lâu, liên quan số tiền rất lớn, lần lượt xuất hiện trong danh sách trên. Việc công khai danh tính 100 quan tham bỏ trốn vừa là đòn trấn áp những kẻ tham nhũng bỏ trốn, vừa gây áp lực nội bộ để tập trung ưu thế, dốc sức đột phá các vụ án trọng điểm. Bốn biện pháp “truy đào” chính gồm: dẫn độ, truy tố ở nước ngoài, trao trả di dân trái phép (di lý) và khuyên về.

Đối với việc truy bắt, truy thu tang vật của các tội phạm trốn ra nước ngoài, dẫn độ là một chế độ hợp tác quốc tế quan trọng.

Hiện Trung Quốc đã ký hiệp ước dẫn độ với 50 quốc gia, nhưng chủ yếu tập trung ở châu Á và các nước đang phát triển. Các nước tập trung đông nghi phạm đào tẩu như Mỹ, Canada…Trung Quốc đều chưa ký kết hiệp ước dẫn độ nên thiếu sự hợp tác bình thường về chế độ tư pháp. Vì vậy công tác truy nã các đối tượng trong “Danh sách đỏ 100” ở các nước phương Tây vừa là trọng điểm, nhưng cũng đầy gian nan.

Ngày 17/7/2016, nghi phạm buôn lậu Hoàng Hải Dũng bị dẫn độ từ Peru về Trung Quốc sau 18 năm lẩn trốn. Đây là vụ dẫn độ nghi phạm đầu tiên từ một quốc gia Mỹ Latinh và cũng là vụ dẫn độ phức tạp nhất kể từ khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949.

Hội nghị Nhóm hợp tác chống tham nhũng của APEC họp tại Bắc Kinh
(Ảnh: Tân Hoa xã).

Quy trình truy tố ở nước ngoài bắt đầu bằng việc Trung Quốc cung cấp chứng cứ phạm tội của đối tượng bị truy bắt, quốc gia sở tại tiến hành thủ tục tố tụng, khiến kẻ bỏ trốn bị pháp luật nước đó trừng trị.

“Khuyên về” là biện pháp thông qua sự phối hợp của cơ quan tư pháp quốc gia sở tại để răn đe pháp lý và gợi mở chính sách buộc nghi phạm bỏ trốn chủ động xin về nước, chấp nhận sự xét xử theo pháp luật.

Các chuyên gia cho rằng “khuyên về” là biện pháp kinh tế và hiệu quả nhất, có thể tránh được những quy trình phức tạp trong quá trình dẫn độ, di lý. Đây là biện pháp thông qua giáo dục, thuyết phục nghi phạm bỏ trốn để họ tự về nước chịu sự xử lý của pháp luật. Trong số 62 người trong “Danh sách đỏ 100” đã sa lưới tính, số người được “khuyên về” chiếm đại đa số.

Di lý về nước cũng là một phương thức quan trọng để truy bắt nghi phạm bỏ trốn. Khác với "khuyên về", phía Trung Quốc phải cung cấp cho quốc gia sở tại manh mối phạm tội của nghi phạm để họ cưỡng chế và trao trả theo diện di dân bất hợp pháp. Ví dụ, vụ Dương Tiến Quân bị Mỹ cưỡng chế di lý về Trung Quốc quy án tháng 9/2015 là trường hợp nghi phạm trong vụ án tham nhũng đầu tiên phía Mỹ bắt và bàn giao cho Trung Quốc.

Truy bắt và truy thu là hai mặt của một vấn đề, song song với truy bắt nghi phạm là việc thu hồi tiền. Đây là công việc hết sức khó khăn, phức tạp. Ngày 12/11/2016, dưới sự phối hợp của cơ quan pháp luật hai nước Trung Quốc-Singapore, nghi phạm Diêm Vĩnh Minh chịu về nước tự thú mang theo toàn bộ tang vật 329 triệu NDT sau 15 năm bỏ trốn, thực hiện được mục tiêu “bắt được người, lấy được tiền”.

Bên cạnh việc giăng “lưới trời” (Thiên võng) ở nước ngoài, Trung Quốc còn xây “đê phòng hộ” ở trong nước, lập ra cơ chế phòng ngừa quan tham bỏ trốn. Về người, chủ yếu là thanh lọc “lõa quan” (tức các quan chức đã đưa vợ con ra nước ngoài sinh sống, du học), quản lý chặt hộ chiếu và chế độ cấp visa. Về tiền, tăng cường công tác chống rửa tiền và quản lý ngoại hối, chặn đứng mọi con đường chuyển tiền ra ngoài.

Bộ Công an, Ban Tổ chức Trung ương nghiêm túc chấn chỉnh việc cho phép quan chức xuất/nhập cảnh liên quan tới việc riêng; thanh tra, kiểm tra các khâu phê duyệt, quản lý xuất/nhập cảnh, truy cứu trách nhiệm những người liên quan.

Do siết chặt các mặt trên nên số quan chức bỏ trốn mới mỗi năm ngày một giảm: năm 2014 trốn 101 người, 2015 trốn 31 người, năm 2016 chỉ còn 19 người…

Tuyên bố Bắc Kinh về chống tham nhũng của APEC và Nguyên tắc chống tham nhũng truy đào của G20 (Ảnh: CCTV).

Hợp tác quốc tế để “Săn cáo” hiệu quả

Chính phủ Trung Quốc đã tích cực xúc tiến hợp tác quốc tế, triển khai hoạt động ngoại giao để hoạt động chống tham nhũng đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ngày 27/10/2005, Hội nghị 18 Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa 10 đã phê chuẩn việc Trung Quốc tham gia “Công ước quốc tế chống tham nhũng Liên Hợp quốc”.

Tháng 11/2014, Trung Quốc đảm nhận vị trí Chủ tịch và đứng ra tổ chức Hội nghị APEC chống tham nhũng, thông qua “Tuyên bố Bắc Kinh về chống tham nhũng” quan trọng.

Năm 2016, Trung Quốc đảm nhận vai trò Chủ tịch và triệu tập Hội nghị G20 về chống tham nhũng, soạn thảo để thông qua “Nguyên tắc của cấp cao G20 về truy bắt tội phạm tham nhũng”, “Kế hoạch hành động chống tham nhũng 2017-2018 của G20”, đề ra các nguyên tắc, biến “Tuyên bố Bắc Kinh về chống tham nhũng” thành hành động thực tế.

Ngày 23/9/2016, Trung tâm truy đào chống tham nhũng G20 được thành lập ở Bắc Kinh, là cơ quan quan trọng đầu tiên trong lĩnh vực này hướng tới hợp tác giữa các nước thành viên.

Ngoài việc hợp tác đa phương, Văn phòng trung ương truy đào cũng đẩy mạnh hợp tác song phương, thúc đẩy xây dựng cơ chế hợp tác Trung - Mỹ, Trung Quốc – Canada, Trung Quốc – Australia…

Tuy giữa Trung Quốc và Mỹ chưa có hiệp định dẫn độ, nhưng từ năm 2005 đã lập ra Tổ công tác hợp tác tư pháp chống tham nhũng, hoạt động có hiệu quả. Các vụ trọng án Dương Tú Châu, Hoàng Ngọc Vinh, Vương Quốc Cường...được phá là nhờ kết quả hoạt động của tổ công tác này.

Trung Quốc và Canada cũng lập ra cơ chế hợp tác tư pháp. Từ 2016 đến nay, 6 nghi phạm trong “Danh sách đỏ 100” đã bị đưa từ Canada về quy án. Ngoài ra, hợp tác tư pháp giữa Trung Quốc với Anh, Australia, New Zealand cũng tiến triển tích cực. Qua nỗ lực, hiện Trung Quốc đã hình thành mạng lưới hợp tác quốc tế truy bắt tội phạm bỏ trốn, tạo nên “Thiên la địa võng”.

Việc hợp tác với các nước khác cũng có tiến triển quan trọng. Trung Quốc đã lần lượt ký hiệp ước dẫn độ với Pháp, Italy và các đào phạm đầu tiên đã được dẫn độ từ Pháp về Trung Quốc.

Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác tư pháp với các nước đang phát triển, đáng chú ý là việc hợp tác chống tham nhũng với các nước ASEAN đã tan băng. Trung Quốc đã ký 4 bản ghi nhớ, 6 hiệp ước dẫn độ, 6 hiệp ước hợp tác tư pháp hình sự với các nước ASEAN.

Đến nay toàn bộ 8 người có tên trong “Danh sách đỏ 100” trốn sang các nước ASEAN đã bị đưa về Trung Quốc. Hai trường hợp đáng chú ý là Chu X. Bình, phạm tội lừa đảo huy động vốn, bị đưa về nước hôm 7/2/2024 sau 8 năm lẩn trốn ở Singapore và Lưu X. Long, phạm tội chiếm dụng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, bị đưa từ Indonesia về nước hôm 14/3/2024 sau 11 năm lẩn trốn.

(Còn tiếp)

Theo CCTV, Peopledaily

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chien-dich-san-cao-cua-trung-quoc-giang-luoi-troi-o-nuoc-ngoai-xay-de-phong-ho-o-trong-nuoc-post174992.html