Chiến dịch tấn công ngoại giao của Trung Quốc làm khó Mỹ

Ít ai kỳ vọng chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga sẽ tạo ra đột phá cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, đang có nỗi lo ở Washington rằng Bắc Kinh thành công ở một khía cạnh khác: Tạo uy tín trên trường quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác trong Điện Kremlin ngày 21/3. (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác trong Điện Kremlin ngày 21/3. (Ảnh: Sputnik)

Ông Tập nêu các quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Ukraine trong chuyến thăm 2 ngày đến Mátxcơva. Chuyến thăm diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Bắc Kinh thông báo thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Iran và Ả-rập Xê-út, hai đối thủ lớn ở khu vực mà Mỹ đóng vai trò trung gian suốt mấy thập kỷ.

Mỹ luôn hoài nghi về các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc, cho rằng đề xuất ngừng bắn mà Bắc Kinh đưa ra sẽ chỉ giúp Nga có thêm thời gian để củng cố lực lượng ở những nơi mà Ukraine đã phản công thành công trong hơn 1 năm qua.

“Thế giới không nên tin bất kỳ bước đi chiến thuật nào của Nga, được Trung Quốc hay bất kỳ nước nào hỗ trợ, về việc đóng băng cuộc chiến theo các điều kiện của họ”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cách ngoại giao của Trung Quốc không phải nhằm chấm dứt cuộc chiến, mà là nỗ lực thay đổi cách mô tả.

Ông Tập “muốn được nhìn nhận như một người kiến tạo hòa bình… Chuyến đi này chủ yếu để tạo thông điệp”, Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc tại Trung tâm Wilson, nhận định.

Mỹ dường như đã thành công khi quyết phục các đồng minh phương Tây để họ coi Trung Quốc là một mối đe dọa, nhất là sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh đang cân nhắc gửi vũ khí cho Mátxcơva.

Daly hoài nghi khả năng Trung Quốc sẽ hỗ trợ quân sự đáng kể cho Nga. Nhà phân tích này cho rằng ông Tập muốn xây dựng hình ảnh là người hòa giải, giúp ích cho những nước bên lề châu Âu, nhất là các quốc gia đang phát triển không chia sẻ tư tưởng của Mỹ về bảo vệ “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói rằng việc Iran và Ả-rập Xê-út hòa giải là “điều tốt” dù được Trung Quốc thúc đẩy.

Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ tham gia một số giai đoạn. Iran và Ả-rập Xê-út đã đàm phán từ lâu trước khi Trung Quốc tham gia, và Mỹ không thể đóng vai trò trung gian vì không có quan hệ chính thức với Iran.

James Ryan, giám đốc chương trình Đông Á tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại, cho rằng sự quan tâm của Trung Quốc vào hai quốc gia này “đơn thuần là kinh tế”.

“Trung Quốc sẽ không cung cấp bất kỳ bảo đảm an ninh nào cho thỏa thuận”, Ryan nhận định.

Theo các nhà phân tích, vai trò mới nổi của ông Tập trong khối Á – Âu tạo ra tình huống khó xử mới cho các chiến lược gia Mỹ. Trong suốt một thế hệ, tách Trung Quốc khỏi Nga là mục tiêu trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chia rẽ hai quốc gia này là lý do lớn dẫn tới chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger năm 1972.

Chính quyền Biden ban đầu hy vọng có thể dùng lại chiến lược đó, bằng cách tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Mátxcơva tại Geneva tháng 6/2021. Tuy nhiên, hướng đó cuối cùng không thành công như Nhà Trắng hy vọng.

Giờ đây, ông Tập được đánh giá là đang tranh thủ căng thẳng giữa Mỹ và Nga, nên vừa giúp ông Putin vừa giữ khoảng cách nhất định. Ông Tập cũng đã sử dụng quan hệ thân thiết với Iran để tạo nên bước đột phá ngoại giao giữa Riyadh và Tehran mà Mỹ không bao giờ đạt được.

Bình Giang

Theo Washington Post, AP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chien-dich-tan-cong-ngoai-giao-cua-trung-quoc-lam-kho-my-post1519739.tpo