Chiến dịch thâm nhập vào ban lãnh đạo đảng Quốc xã

Đầu những năm 1930, tình hình chính trị nội bộ ở Đức trở nên vô cùng phức tạp, trong nước, Đức Quốc xã chuẩn bị lên nắm quyền. Ngay từ năm 1929, cơ sở tình báo của Tổng cục Chính trị quốc gia liên bang (OGPU) đã nhận được thông tin về việc giới cầm quyền Đức rút khỏi Hiệp ước Rapallo. Moscow hiểu rằng Hitler muốn chiến tranh, nhưng không biết y mở cuộc tấn công ở đâu, phía tây hay phía đông?

Ngày 30/1/1930, sau khi nghe báo cáo về công việc của Cục Đối ngoại của OGPU, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên minh Bolshevik, đã thông qua quyết định đặc biệt về việc cải tiến hoạt động tình báo đối ngoại. Theo đó, Cục Đối ngoại phải tập trung nỗ lực của mình vào công tác tình báo chống lại Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Ba Lan và các nước láng giềng khác.

Liên quan đến nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra, quyết định đặc biệt chú ý đến việc chuyển dần hoạt động tình báo ra nước ngoài. Người đứng đầu tình báo đối ngoại Liên Xô, Artur Artuzov, phải thực hiện quyết định này. Dưới sự lãnh đạo của ông, tình báo đối ngoại Liên Xô đã thu được những kết quả to lớn trong nửa đầu thập niên 1930.

Thành phố Karlovy Vary trong những năm 1930.

Thành phố Karlovy Vary trong những năm 1930.

Căn cứ vào tình hình hiện tại ở Đức, Artur Artuzov quyết định tiến hành chiến dịch thâm nhập vào ban lãnh đạo chóp bu của đảng Quốc xã. Người đầu tiên được giao nhiệm vụ thực hiện chiến dịch này là Aleksandr Dobrov, cán bộ của Cục Kinh tế thuộc OGPU, làm việc dưới vỏ bọc kỹ sư trưởng của Ban Giám đốc Dệt may thuộc Hội đồng Kinh tế Tối cao của Cộng hòa XHCN Xôviết Liên bang Nga.

Aleksandr Dobrov sinh năm 1879 tại Moscow. Năm 1906, sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ thuật Cao cấp Moscow, ông tiếp tục học tập ở Thụy Sĩ. Tại đây, ông được cấp bằng kỹ sư về xử lý hóa chất các sản phẩm dệt may. Một thời gian, ông làm kỹ sư hóa học tại nhà máy nhuộm ở Basel. Sau Cách mạng Tháng Mười, ông trở về Nga và làm việc trong ngành dệt may. Từ năm 1929, là nhân viên mật của OGPU. Do tính chất công việc của mình, ông có quan hệ với các đại diện của tập đoàn hóa chất và dược phẩm “IG Farben" của Đức, vốn có lợi ích riêng ở Nga. Ông được coi là chuyên gia xuất sắc và rất nổi tiếng trong giới người Đức ở Moscow. Tình tiết này đã được Cục Đối ngoại của OGPU sử dụng để tìm cách đưa Aleksandr Dobrov thâm nhập vào ban lãnh đạo đảng Quốc xã.

Tháng 6/1931, Cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô tổ chức đưa Aleksandr Dobrov đi “điều trị” ở Karlovy Vary (Cộng hòa Czech). Từ đó, ông phải bí mật đến Berlin để giải quyết ba nhiệm vụ chính thông qua những người quen của mình: cài cắm vào ban lãnh đạo đảng Quốc xã; thiết lập quan hệ với tình báo Anh và “cung cấp” dịch vụ của mình; liên lạc với giới Bạch vệ Nga ở Berlin và tìm hiểu địa chỉ của họ ở Liên Xô.

Ở Moscow, xuất hiện tin đồn rằng Aleksandr Dobrov là thủ lĩnh của một nhóm phản cách mạng nào đó, nhóm này định thành lập một đảng phát xít ở Nga và cần sự hỗ trợ tài chính của Berlin.

Nhà tình báo Aleksandr Dobrov.

Nhà tình báo Aleksandr Dobrov.

Tại thủ đô nước Đức, Aleksandr Dobrov liên hệ với một người quen của mình trước cách mạng ở tập đoàn hóa chất và dược phẩm “IG Farben". Ông ở lại nhà người bạn Đức vài ngày, kể cho anh ta nghe về cuộc sống ở “địa ngục Liên Xô”. Trong quá trình trò chuyện, Aleksandr Dobrov đánh tiếng với người quen của mình rằng ông đại diện cho một tổ chức chống Liên Xô bí mật nào đó và muốn đặt quan hệ riêng với Hitler, như là lãnh đạo của một đảng gần gũi về đường lối tư tưởng.

Một thời gian sau, từ Karlovy Vary Aleksandr Dobrov lại đến Berlin. Lần này, người quen ở Berlin của Aleksandr Dobrov giới thiệu ông với điệp viên tình báo chuyên nghiệp Đức Harald Siewert. Siewert là người Đức gốc vùng Baltic, phục vụ cho cơ quan tình báo quân sự Đức Quốc xã Abwehr và gần gũi với các đảng viên Đức Quốc xã. Sau khi Hitler lên nắm quyền, y trở thành người đứng đầu chi nhánh Nga thuộc Cục Đối ngoại của Đảng Quốc xã. Siewert có quan hệ gần gũi với Alfred Rosenberg, nhà tư tưởng của chủ nghĩa quốc xã và “cha đẻ” thuyết phân biệt chủng tộc của chủ nghĩa quốc xã. Trong những năm chiến tranh, y trở thành Bộ trưởng Lãnh thổ phía đông. Siewert và Rosenberg cùng học với nhau ở Riga và là thành viên của một hội sinh viên.

Harald Siewert mời Aleksandr Dobrov đến ở nhà mình trong thời gian ông có mặt tại Berlin. Trong các cuộc trò chuyện với điệp viên tình báo Đức, Dobrov thận trọng thông báo với y về tư tưởng chống Liên Xô của mình, khiến y liên tưởng đến sự tồn tại của một tổ chức phản cách mạng ngầm ở Liên Xô. Aleksandr Dobrov dẫn dắt người đối thoại của mình đến ý tưởng về sự cần thiết phải thiết lập mối liên hệ trực tiếp với ai đó trong số các nhà lãnh đạo của đảng Quốc xã.

Nhà tình báo Boris Berman.

Nhà tình báo Boris Berman.

Điều thú vị là những cuộc trò chuyện giữa Dobrov và Siewert đã được Nam tước Von Possaner, mật danh A/270 (nguồn của cơ sở tình báo đối ngoại Liên Xô ở Berlin) báo cáo khá chi tiết cho tình báo Liên Xô. Đặc biệt, trong thông báo của mình, Nam tước viết: “Trong khoảng thời gian từ ngày 20-25 tháng 6/1931, có một người đàn ông đeo kính kẹp mũi, thành viên nào đó của Hội đồng Kinh tế Tối cao, đã đến gặp Harald Siewert. Siewert nói với tôi rằng quý ông này bằng mọi giá muốn gặp lãnh đạo đảng Quốc xã Adolf Hitler. Vì lý do bí mật, Siewert không cho tôi biết họ tên của ông ta. Trong bữa ăn tối ở nhà Siewert (nơi người Nga ở lại mà không khai báo tạm trú), tôi đã đích thân gặp nhân vật này. Ông ta xin lỗi vì không thể cho tôi biết họ tên của mình, thế nhưng ông ta nói sẽ nêu danh tính của mình với Hitler.

Sau này tôi biết ông ta là thủ lĩnh của một trong những tổ chức phản cách mạng ở Liên Xô. Bản thân ông ta đã nhận bằng kỹ sư ở Thụy Sĩ, là phó giáo sư người Nga và là thành viên của Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Vào tháng 6, ông ta điều trị tại khu nghỉ dưỡng Karlovy Vary của Tiệp Khắc và sử dụng kỳ nghỉ của mình để tới Berlin liên lạc với Hitler. Ông ta được giới thiệu đến gặp Harald Siewert”.

Nam tước von Possaner, mật danh A/270.

Nam tước von Possaner, mật danh A/270.

Nhận được thông tin quan trọng như vậy từ nguồn A/270, người đứng đầu cơ sở tình báo đối ngoại ở Berlin “Artyom” (mật danh của nhà tình báo Boris Berman) ngay lập tức thông báo cho Trung tâm về việc này. Đồng thời, ông gửi một bức điện đến Praha cho “Pyotr” (mật danh của nhà tình báo Stanislav Glinsky), người đứng đầu cơ sở tình báo đối ngoại ở Praha) yêu cầu xác minh họ tên của “người đàn ông đeo kính cặp mũi”.

Tuy nhiên, ít lâu sau, một bức điện khẩn từ Trung tâm do người đứng đầu tình báo đối ngoại Artur Artuzov ký đã được gửi đến Praha, trong đó “Pyotr” được yêu cầu ngay lập tức ngừng theo dõi “người đàn ông đeo kính cặp mũi”. Điều này cho thấy ngay cả ở Moscow, chỉ một vài người biết về chiến dịch này. Trung tâm đặc biệt coi trọng nó và không muốn những người đứng đầu các cơ sở tình báo của Liên Xô ở châu Âu tham gia vào chiến dịch này.

Tuy nhiên, mặc dù đã nhận lời gặp Aleksandr Dobrov ở Munich, nhưng vào phút chót, Hitler lại từ chối và giao cho Alfred Rosenberg, chiến hữu của mình, gặp Dobrov.

Cuộc gặp của Rosenberg với Dobrov diễn ra tại một trong những nhà hàng ở Berlin đối diện ga xe lửa Angalterbahnhof, với sự tham gia của Siewert. Cuộc trò chuyện kéo dài hơn hai giờ và bàn về vấn đề thành lập một đảng phát xít ở Liên Xô. Rosenberg đã cung cấp những lời khuyên cụ thể cho người đối thoại. Đánh giá cao kết quả cuộc trò chuyện với Dobrov, Rosenberg hứa sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ và hỗ trợ có thể đối với “đảng” của ông, nhưng vì lý do an ninh, y đề xuất tổ chức thêm các cuộc gặp với “Quốc trưởng Nga” ở Rome. Hai bên cho rằng mối liên hệ của Dobrov với ban lãnh đạo đảng Quốc xã sẽ được thực hiện thông qua Siewert.

Artur Artuzov, người đứng đầu tình báo đối ngoại Liên Xô.

Artur Artuzov, người đứng đầu tình báo đối ngoại Liên Xô.

Rosenberg đã đích thân báo cáo Hitler về cuộc trò chuyện của y với Dobrov và đánh giá cao ý định của tổ chức “phát xít Nga”. Đến lượt mình, Dobrov chuyển cho Rosenberg những thông tin do lãnh đạo tình báo chuẩn bị riêng về tình hình ở Liên Xô và sự phát triển đội ngũ của “đảng” mình. Qua nhiều nguồn tình báo, Moscow nắm được các kế hoạch thực sự của Hitler đối với Liên Xô. Trên cơ sở các báo cáo của Lubyanka (KGB) gửi Ban lãnh đạo đất nước, có thể thấy rằng nếu Đức Quốc xã lên nắm quyền, Liên Xô không thể tránh khỏi một cuộc đụng độ quân sự với Đức.

Trở về Moscow, Dobrov báo cáo chi tiết về các cuộc gặp gỡ của ông với Siewert và Rosenberg cho Ban lãnh đạo Cục Kinh tế của OGPU. Chương trình của Đảng Quốc xã mà Dobrov nhận được từ Rosenberg cũng được Trung tâm đặc biệt chú ý.

Ngoài ra, hai nhiệm vụ còn lại được Trung tâm giao: thiết lập quan hệ với tình báo Anh và liên lạc với giới Bạch vệ Nga ở Berlin, Aleksandr Dobrov cũng hoàn thành tốt. Ông đã trực tiếp liên hệ với một số nhân vật đại diện của hai tổ chức này và thỏa thuận với họ về những điều kiện hợp tác trong tương lai.

Alfred Rosenberg, “cha đẻ” của thuyết phân biệt chủng tộc.

Alfred Rosenberg, “cha đẻ” của thuyết phân biệt chủng tộc.

Ban lãnh đạo Cục Đối ngoại và Cục Kinh tế của OGPU đánh giá cao kết quả làm việc của Aleksandr Dobrov. Tuy nhiên, các tài liệu của Tình báo đối ngoại không lưu giữ những thông tin về các bước tiếp theo của chiến dịch cài cắm Dobrov vào giới thân cận của Hitler tiếp tục như thế nào. Rõ ràng, nhiệm vụ này vẫn chưa được giải quyết, vì Hitler không muốn gặp gỡ trực tiếp với đại diện của “chủng tộc thấp kém”.

Về phần Aleksandr Dobrov, đến tháng 5/1939, ông giữ chức Cục trưởng Cục Phục vụ các cơ quan đại diện nước ngoài của Bộ Dân ủy Ngoại giao Liên Xô. Ngày 17/5 cùng năm, ông bị bắt vì tội hoạt động gián điệp cho tình báo Đức và Anh. Tại phiên họp kín của Hội đồng quân sự thuộc Tòa án Tối cao Liên Xô ngày 19/6/1940, Dobrov không thừa nhận tội lỗi của mình và nói rằng ông thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô giao.

Tiếc thay, vào thời điểm đó, không có ai trong bộ máy tình báo trung ương có thể xác nhận lời nói của Dobrov: Artuzov, “Artyom” và người đứng đầu Tổng cục Kinh tế đã bị bắn từ lâu. Số phận tương tự đang chờ đợi Aleksandr Dobrov. Ông bị kết án tử hình và bị bắn vào ngày 20/6/1940. Ngày 21/1/1958, Aleksandr Dobrov được Hội đồng quân sự của Tòa án tối cao Liên Xô phục hồi danh dự. Bản án của ông đã bị hủy bỏ vì thiếu bằng chứng phạm tội.

Trần Hậu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/chien-dich-tham-nhap-vao-ban-lanh-dao-dang-quoc-xa-i737745/