Chiến dịch tiêm chủng bất cân xứng tại các quốc gia châu Âu

Với gần 3/4 người trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, Liên minh châu Âu (EU) đã dẫn đầu thế giới trong chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh COVID-19.

Nhân viên y tế đứng chờ bệnh nhân tại trung tâm tiêm vaccine COVID-19 tại Học viện Quân y ở Sofia, Bulgaria. Ảnh: CNN

Nhân viên y tế đứng chờ bệnh nhân tại trung tâm tiêm vaccine COVID-19 tại Học viện Quân y ở Sofia, Bulgaria. Ảnh: CNN

Con số ấn tượng này đang che khuất một thực tế: đó là việc triển khai vaccine bất cân xứng trong toàn khối. Kênh CNN dẫn nguồn số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết một số quốc gia - bao gồm Ireland, Malta, Bồ Đào Nha và Đan Mạch – đã tiêm chủng cho hầu như toàn bộ dân số, với tỉ lệ bao phủ vaccine khoảng 90%. Tuy nhiên, một số quốc gia còn lại trong khối, như Romania và Bulgaria, mới tiêm chủng đầy đủ lần lượt cho 33% và 22% số người trưởng thành.

Tỉ lệ tiêm chủng thấp không phải do thiếu vaccine. Tất cả các quốc gia EU đều có quyền lựa chọn tất cả các loại vaccine được khối phê duyệt, bao gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson. Mỗi quốc gia cũng có thể tự do lựa chọn vaccine cho riêng mình. Chẳng hạn, Hungary đã mua vaccine Sputnik V của Nga để tiêm chủng cho người dân của mình.

Ivan Krastev - nhà khoa học chính trị người Bulgaria, thành viên ban sáng lập của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu - cho biết: “Họ có vaccine. Bất kỳ ai muốn cũng đều có thể tiêm chủng”. Song ông Krastev cho rằng Bulgaria đang phải vật lộn với tình trạng do dự vaccine nghiêm trọng bởi các thuyết âm mưu và sự thiếu niềm tin vào các nhà lãnh đạo.

“Ở cả Bulgaria và Romania, mức độ hoài nghi vaccine rất cao. Ngay cả cộng đồng y tế, bác sĩ, y tá, nhiều người cũng ngần ngại tiêm chủng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi toàn xã hội nói chung đều do dự tiêm vaccine”, ông nói.

Cả Romania và Bulgaria đều đang phải đối mặt với sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới kể từ đầu tháng 9. Romania đã ghi nhận trên 45.000 trường hợp mắc mới và vượt ngưỡng 800 trường hợp tử vong vào tuần trước, ngang với mức mà nước này đã chứng kiến vào thời kỳ cao điểm của đợt dịch thứ hai hồi tháng 4.

Nhân viên y tế và một bệnh nhân tại Bệnh viện Matei Bals ở Bucharest, Romania. Ảnh AP

Nhân viên y tế và một bệnh nhân tại Bệnh viện Matei Bals ở Bucharest, Romania. Ảnh AP

Bulgaria sẽ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 3 trong năm nay vào tháng 11 tới. Hai cuộc bỏ phiếu trước đó, vào tháng 4 và sau đó vào tháng 7, đều kết thúc trong bế tắc, không có chính phủ nào được thành lập. Kết quả là đất nước bị mắc kẹt trong một chiến dịch bầu cử kéo dài. Ông Krastev nói rằng "đã có nhiều cuộc vận động bầu cử hơn là vận động tiêm vaccine".

Bên cạnh đó, tin tức tràn lan trên phương tiện truyền thông cũng khiến người dân do dự tiêm chủng. Krastev cho biết việc truyền thông Bulgaria vừa đưa tin ủng hộ vaccine vừa trình bày ý kiến phản đối tiêm chủng đã khiến người dân vô cùng bối rối.

Chính phủ Romania cho rằng nguyên nhân khiến việc chiến dịch tiêm chủng của họ kém hiệu quả là do tin giả và thuyết âm mưu tràn lan trên mạng.

Ngoài ra còn có sự bất cân xứng rõ rệt trong cộng đồng người dân sinh sống ở cả hai quốc gia. Ông Dimitar Dimitrov, Giám đốc Chương trình Roma tại Viện Xã hội Mở ở Sofia, cho biết nhiều cư dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, có thể gặp khó khăn khi đến các trung tâm tiêm chủng.

“Nếu bạn phải đi xe buýt hoặc tàu hỏa 100 km để đến bệnh viện và sau đó xếp hàng chờ đợi, điều đó rất mất thời gian và tốn tiền bạc. Tiêm chủng là miễn phí nhưng để đến điểm tiêm chủng thì phải trả phí”, Dimitrov nói .

Chính phủ Romania gần đây đã thông báo họ sẽ bổ sung nguồn lực để đảm bảo những người không thể đến phòng khám có thể đi tiêm phòng, ví dụ bằng cách yêu cầu bác sĩ đến tiêm chủng tại nhà.

Tư vấn về COVID-19 tại Nga. Ảnh: TTXVN/AFP

Tư vấn về COVID-19 tại Nga. Ảnh: TTXVN/AFP

Song Bulgaria và Romania không phải là những quốc gia duy nhất ở châu Âu phải đối mặt với vấn đề do dự tiêm chủng. Liên minh châu Âu dường như được chia thành hai phần. Một nửa đã chấp nhận việc tiêm chủng và hầu như tất cả mọi người đều được chủng ngừa. Phần còn lại đang vật lộn để thuyết phục số lượng lớn người dân không tin tưởng vào vaccine. Sự phân chia này được thể hiện dọc theo ranh giới “Bức màn sắt” từng phân định Đông Âu và Tây Âu.

Trong số 27 quốc gia thành viên của khối, 15 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất là những nước từng thuộc Tây Âu. Theo đó, tất cả các nước Tây Âu trước đây, ngoại trừ Hy Lạp, đã tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 70% dân số trưởng thành của mình. Chưa có quốc gia phía đông nào đạt đến tỉ lệ đó.

Ông Krastev cho rằng diễn biến dịch bệnh khác nhau ở mỗi quốc gia có thể là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này. Ông nhận định: “Các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi đợt bùng dịch đầu tiên vào năm 2020, như Italy hoặc Tây Ban Nha, đã thành công hơn trong việc tiêm chủng cho người dân so với các nước bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh thứ 2”.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chien-dich-tiem-chung-bat-can-xung-tai-cac-quoc-gia-chau-au-20211001171755968.htm