Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh uốn ván - bạch hầu
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh qua đường hô hấp, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Chiến dịch tiêm vắc-xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) là biện pháp hữu hiệu giúp kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan, bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.
Thời gian qua, cùng với cả nước, ngành Y tế tỉnh Long An phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống bệnh. Công tác tiêm chủng phòng bệnh được thực hiện đúng lịch, đủ mũi, an toàn và chất lượng.
Trước tình hình bệnh bạch hầu trong nước diễn biến phức tạp, năm 2019, Long An triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Td cho tất cả trẻ 7 tuổi trong trường học và ngoài cộng đồng. Chiến dịch được triển khai tại 192 xã, phường, thị trấn (nay là 188 xã, phường, thị trấn) với tổng số trẻ cần tiêm vắc xin Td là 33.214 trẻ.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Long An chưa ghi nhận ca mắc, nhưng cả nước có hơn 190 trường hợp dương tính, trong đó có 4 ca tử vong tại các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Năm 2020, tỉnh tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Td từ ngày 14 đến 30/9 tại trường học, tổ công tác y tế và tiêm vét tại trạm y tế. Đối tượng tiêm vắc-xin Td là trẻ 7 tuổi trong trường học và ngoài cộng đồng, dự kiến có hơn 33.000 trẻ được tiêm trong chiến dịch này. Đây là chiến dịch tiêm bổ sung giúp trẻ tăng miễn dịch phòng bệnh lâu dài”.
Những trẻ trong vòng 1 tháng qua đã tiêm vắc-xin có thành phần bạch hầu và uốn ván hoặc đã tiêm vắc-xin Td trước đó thì không cần tiêm vắc-xin Td trong chiến dịch này. Nhằm hỗ trợ các cơ sở tiêm chủng triển khai thực hiện các hoạt động chiến dịch đúng theo các quy định của Bộ Y tế, bảo đảm chất lượng và an toàn tiêm chủng, ngành Y tế tổ chức giám sát trước, trong và sau chiến dịch tại các xã, phường, thị trấn, các điểm trường trong toàn tỉnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, công tác tiêm chủng trong đợt chiến dịch tại các trường học, trạm y tế được thực hiện nghiêm túc. Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (phường 3, TP.Tân An) tổ chức tiêm vắc-xin Td vào ngày 28/9 cho 255 trẻ. Trước khi diễn ra chiến dịch, nhà trường phát thư mời có đầy đủ thông tin cần biết về dịch bệnh nhằm tạo sự đồng thuận của phụ huynh trong quá trình thực hiện.
Anh Bùi Hữu Nghĩa có con đang học tại Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực chia sẻ: “Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên tôi chủ động tiêm ngừa cho con đúng lịch và đủ mũi theo khuyến cáo của ngành Y tế. Tôi rất phấn khởi vì có thêm chiến dịch tiêm vắc-xin uốn ván - bạch hầu tại trường, giúp trẻ tăng thêm miễn dịch phòng tránh bệnh hiệu quả”.
Còn tại Trường Tiểu học Tân Đông (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) bố trí phòng tiêm chủng có các khu vực như bàn đón tiếp, bàn hướng dẫn, bàn khám sàng lọc, bàn tiêm chủng, ghi chép, khu vực theo dõi sau tiêm, máy vi tính có kết nối mạng Internet. Công tác tiêm chủng được triển khai bảo đảm an toàn, chất lượng đúng theo quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Trưởng Trạm Y tế xã Tân Đông – Lê Thị Kính cho biết: “Xã tổ chức chiến dịch nghiêm túc đúng theo chỉ đạo của Sở Y tế. Toàn xã có 95 trẻ tiêm đợt 1 tại Trường Tiểu học Tân Đông. Chúng tôi đã rà soát các đối tượng chưa được tiêm để tổ chức tiêm vét tại trạm y tế vào ngày 29/9”.
Bệnh bạch hầu có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin và điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu. Trẻ em và người lớn ở mọi độ tuổi có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu hoặc đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh đều có thể bị lây nhiễm bệnh.
Các đợt chiến dịch tiêm vắc-xin Td tại trường học và tiêm vét tại các Trạm Y tế nhằm giúp trẻ tăng cường miễn dịch phòng bệnh hiệu quả. Ngoài chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh, khi có dấu hiệu mắc bệnh thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/chien-dich-tiem-vac-xin-phong-benh-uon-van-bach-hau-a103190.html