Chiến dịch truyền thông - Giải pháp hiệu quả nâng cao nhận thức cho người dân miền núi

Tổ chức chiến dịch truyền thông là một trong những hoạt động được ưu tiên khi thực hiện giải pháp tuyên truyền trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn 2021-2025. Đối với Dự án 8, chiến dịch truyền thông được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị xây dựng bài bản, nội dung phong phú, phù hợp, linh động và được truyền tải thông qua nhiều phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng DTTS&MN về những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em (PN&TE) cần được giải quyết.

Hội LHPN tỉnh tổ chức chiến dịch truyền thông tại huyện Đakrông về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng môi trường an toàn đối với phụ nữ và trẻ em -Ảnh: T.A.M

Hội LHPN tỉnh tổ chức chiến dịch truyền thông tại huyện Đakrông về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng môi trường an toàn đối với phụ nữ và trẻ em -Ảnh: T.A.M

Chiến dịch truyền thông là triển khai thực hiện những hoạt động tuyên truyền theo kế hoạch được thiết kế để đạt được mục tiêu cụ thể. Từ năm 2022 đến nay, triển khai Dự án 8, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền để đưa dự án đi vào cuộc sống. Hội đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông với nhiều nội dung khác nhau như: phòng, chống tảo hôn; phòng, chống tội phạm; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực học đường; thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới...

Mục tiêu các chiến dịch truyền thông của Dự án 8 là nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, người dân, gia đình, cộng đồng và xã hội về giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với đồng bào DTTS&MN, đặc biệt là PN&TE.

Từ đó, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, từng bước ngăn chặn và giảm dần tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn tỉnh, thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục và giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết cho PN&TE. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Xác định mục tiêu của chiến dịch là nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở, cán bộ, Nhân dân về vấn đề mà chiến dịch truyền thông đưa ra, Hội LHPN đã tổ chức bài bản, chu toàn các chiến dịch truyền thông để từ đó giúp thay đổi thái độ và thúc đẩy hành động của các đối tượng để đạt được kết quả như mong muốn.

Việc xác định rõ ràng mục tiêu giúp cho việc lập kế hoạch và triển khai chiến dịch trở nên hiệu quả hơn. Các chiến dịch truyền thông của Dự án 8 cũng xác định rõ nhóm đối tượng muốn hướng đến là PN&TE và những cá nhân, tổ chức liên quan đến PN&TE nên đã giúp cho việc lựa chọn các kênh truyền thông và nội dung phù hợp hơn.

Nội dung và thiết kế chiến dịch truyền thông là yếu tố quan trọng để thu hút sự chú ý và truyền tải thông điệp một cách hiệu quả. Do đó, nội dung truyền thông được Hội LHPN tỉnh xây dựng phù hợp với từng đối tượng, mục tiêu và kênh truyền thông sử dụng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quế Phượng cho biết: "Các phương tiện truyền thông được Hội LHPN tỉnh sử dụng đa dạng như: tổ chức hội nghị, báo chí, mạng xã hội, tuyên truyền miệng...

Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch chương trình, hướng dẫn hỗ trợ hội LHPN các xã về công tác chuẩn bị và các điều kiện đảm bảo cho chiến dịch truyền thông tổ chức đạt hiệu quả. Cán bộ Hội LHPN tỉnh làm báo cáo viên truyền thông về các vấn đề cần tuyên truyền trong chiến dịch. Đồng thời, tổ chức mời các đại biểu cấp huyện tham dự chiến dịch.

Hội LHPN xã có nhiệm vụ báo cáo với cấp ủy về chiến dịch truyền thông được tổ chức tại xã; mời đại biểu cấp xã, thôn. Huy động lực lượng (Ban điều hành, thành viên tổ truyền thông cộng đồng và người dân, chú trọng đối tượng là nam giới) tham gia chiến dịch truyền thông, đảm bảo số lượng, thời gian quy định.

Chuẩn bị địa điểm, hậu cần, khánh tiết, chương trình văn nghệ chào mừng chiến dịch truyền thông và các điều kiện phục vụ cho các hoạt động. Xây dựng kịch bản bố trí người dẫn chương trình”.

Sau chiến dịch truyền thông, các nội dung tiếp tục được các tổ truyền thông cộng đồng thực hiện trong thời gian dài nhằm đưa Dự án 8 đến gần hơn với hội viên, phụ nữ, người dân ở vùng đồng bào DTTS&MN, không ngừng nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các vấn đề mà Dự án 8 thực hiện.

Truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng cũng như triển khai thực hiện một vấn đề để đạt được mục tiêu đề ra. Chiến dịch truyền thông là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Vì vậy, xây dựng chiến dịch truyền thông hiệu quả là kết quả của sự đầu tư kỹ lưỡng mà Dự án 8 là một điển hình của hiệu quả tổ chức chiến dịch truyền thông.

Thông qua chiến dịch truyền thông, nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng được nâng lên, từ đó làm thay đổi cơ bản chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có PN&TE.

Trần Anh Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chien-dich-truyen-thong-giai-phap-hieu-qua-nang-cao-nhan-thuc-cho-nguoi-dan-mien-nui-186467.htm