Chiến hạm Mỹ từng suýt chìm vì trúng thủy lôi của Iran

Khinh hạm USS Samuel B. Roberts (FFG-58) va trúng thủy lôi của Iran rải trên vịnh Ba Tư năm 1988, gây ra một lỗ có kích thước 4,6 m khiến con tàu suýt chìm.

Thủy lôi là vũ khí cổ điển nhưng luôn là mối đe dọa đối với hoạt động của mọi lực lượng hải quân trên thế giới. Nó được thiết kế nằm lơ lửng ở dưới mặt nước và bất ngờ phát nổ khi có tàu thuyền đi qua gây nên những thiệt hại rất lớn, thậm chí đánh chìm tàu.

Trường hợp khinh hạm USS Samuel B. Roberts (FFG-58) của Mỹ va trúng thủy lôi Iran rải trên vịnh Ba Tư năm 1988 là ví dụ điển hình về sự nguy hiểm của thủy lôi đối với hoạt động của tàu chiến.

Sứ mệnh tử thần

Trong giai đoạn chiến tranh Iran – Iraq từ năm 1980-1988, Iran đã tiến hành phong tỏa eo biển Hormuz dẫn đến sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến. Hải quân Mỹ đã điều động một số tàu chiến đến khu vực vịnh Ba Tư làm nhiệm vụ hộ tống tàu chở dầu của Kuwait, đồng minh thân cận của Mỹ.

Theo Lịch sử Hải quân Mỹ, tháng 1/1988, khinh hạm USS Samuel B. Roberts (FFG-58), lớp Oliver Hazard Perry, do thuyền trưởng Paul X. Rinn chỉ huy nhận nhiệm vụ đến vịnh Ba Tư. Đây là tàu chiến thứ 3 mang tên Samuel B. Roberts, tàu đầu tiên bị đánh chìm trong trận Samar năm 1944, tàu thứ 2 ngưng hoạt động và bị đánh chìm trong một cuộc tập trận vào năm 1970.

Tàu rời cảng nhà ở Newport, Rhode Island, nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch Earnest Will. Nhiệm vụ của tàu là hộ tống tàu chở dầu của Kuwait di chuyển qua vịnh Ba Tư. Ngày 14/4/1988, tàu vừa hoàn thành sứ mệnh hộ tống 2 tàu chở dầu Kuwait tiến vào Bahrain một cách an toàn.

FFG-58 quay trở lại vịnh Ba Tư, hướng đến điểm hẹn với tàu tiếp dầu USS San Jose (AFS-7) để bổ sung nhiên liệu. Tàu đang di chuyển thì thủy thủ quan sát ở mũi tàu phát hiện 3 khối cầu màu đen trong nước. Khu vực này vừa được rà phá thủy lôi bởi tàu quét mìn của hải quân liên minh.

Lỗ thủng lớn bên dưới phòng máy do vụ nổ thủy lôi gây ra. Ảnh: Hải quân Mỹ

Lỗ thủng lớn bên dưới phòng máy do vụ nổ thủy lôi gây ra. Ảnh: Hải quân Mỹ

Thuyền trưởng Rinn quan sát qua ống nhòm và nhận thấy tàu đang ở giữa bãi thủy lôi. Tình hình trở nên cực kỳ nguy hiểm, những quả thủy lôi có thể phát nổ và nhấn chìm tàu bất kỳ lúc nào. Các sĩ quan chỉ huy lặng lẽ cử người đến các trạm chiến đấu mà không nhấn chuông báo động nhằm tránh gây hoảng loạn cho thủy thủ đoàn.

Các thủy thủ ở khoang bên dưới mặt nước được ra lệnh di chuyển lên phía trên nhằm giảm thiểu thiệt hại về người nếu thủy lôi phát nổ.

Thuyền trưởng ra lệnh cho tàu đi lui trở lại theo lối mà tàu đã tiến vào. Tuy nhiên, khi tàu quay ngược chân vịt, một thủy lôi bất ngờ phát nổ. Vụ nổ nhấc bổng con tàu lên cao và tạo ra một lỗ thủng có kích thước 4,6 m. Nước ồ ạt tràn vào gây ngập khoang máy khiến 2 động cơ tuabin khí ngưng hoạt động.

Vụ nổ gây thiệt hại nặng đến cấu trúc thân tàu khiến tàu đối mặt với nguy cơ bị chìm. Các thủy thủ phải sử dụng dây cáp để cố định vết nứt trên cấu trúc thượng tầng. 10 thủy thủ bị thương trong vụ nổ được trực thăng di tản đến tàu tiếp dầu gần đó.

Phòng máy ngập nước nhưng rất may động cơ phụ trợ vẫn còn hoạt động. Thủy thủ đoàn vừa khắc phục thiệt hại, cô lập các khu vực ngập nước, vừa cho tàu di chuyển với tốc độ khoảng 5 hải lý/giờ và thoát khỏi bãi thủy lội một cách ngoạn mục.

USS Samuel B. Roberts được đưa lên một tàu dock của Hà Lan để đưa về cảng sửa chữa. Người ta phải cắt toàn bộ phòng máy ra khỏi thân tàu và thay thế bằng một module mới có khối lượng 315 tấn. Tổng chi phí sửa chữa tàu hết 89,5 triệu USD. Trong khi đó, quả thủy lôi phát nổ gây hỏng nặng cho tàu có chi phí chỉ khoảng 1.500 USD.

Sự trả đũa của Mỹ

Tàu chiến Iran bốc cháy trong đợt tấn công trả đũa của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu chiến Iran bốc cháy trong đợt tấn công trả đũa của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Các thợ lặn phát hiện nhiều thủy lôi chưa nổ dưới mặt nước. Họ nhận ra rằng các dãy số tiếp nối trên thủy lôi trùng với số series trên số thủy lôi mà hải quân Mỹ bắt giữ từ tàu Iran Ajr của hải quân Iran trước đó.

Washington tỏ ra giận giữ khi tàu chiến của họ suýt chìm vì va trúng thủy lôi của Iran. 4 ngày sau, hải quân Mỹ mở chiến dịch Praying Mantis nhằm trả đũa Iran. Lực lượng huy động gồm một tàu sân bay, 4 tàu khu trục, một tuần dương hạm, 3 khinh hạm. Đây là một trong 5 trận hải chiến lớn nhất của Mỹ kể từ khi kết thúc Thế chiến II.

Hải quân Mỹ đã đánh chìm một khinh hạm, 4 tàu cao tốc, gây hỏng một khinh hạm, 2 tàu khu trục của hải quân Iran. Chiến dịch tấn công trả đũa của Mỹ đã góp phần gây áp lực buộc Iran đồng ý ký thỏa thuận ngừng bắn với Iraq trong tháng 8/1988, chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu giữa hai nước láng giềng.

Quốc Việt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chien-ham-my-suyt-chim-vi-trung-thuy-loi-cua-iran-post688275.html