Tại các nhà máy đóng tàu trên đất Mỹ, việc đóng 6 tàu tuần tra cao tốc Mk VI đã bắt đầu để kịp bàn giao cho Hải quân Ukraine. Hợp đồng được chính phủ Mỹ tài trợ dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2025.
Lực lượng vũ trang Ukraine đánh giá rất cao mặt hàng viện trợ nói trên, giới chức quân sự nước này cho rằng những chiếc Mk IV sẽ giúp nâng cao đáng kể khả năng tác chiến của mình.
Tàu tuần tra Mk IV có phần thân cấu tạo bằng nhôm với tổng lượng choán nước chỉ là 72 tấn, với chiều dài 25,8 m, chiều rộng 6,2 m và mớn nước 1,2 m.
Hai động cơ diesel công suất lớn cho phép con tàu đạt tới tốc độ tối đa 45 hải lý/giờ (83 km/h), phạm vi hoạt động 690 hải lý, thủy thủ đoàn gồm 10 - 11 người.
Trang bị vũ khí tiêu chuẩn của con tàu là 2 bệ pháo tự động được điều khiển từ xa loại Mk 38 Bushmasster cỡ 25 mm đi kèm 6 súng máy hạng nặng M2HB 12,7 mm. Bên cạnh đó cũng có thể lắp đặt tên lửa Griffin hoặc Hellfire.
Nhờ vào tốc độ nhanh, hệ thống tác chiến hiện đại, tàu tuần tra cao tốc Mk IV sẽ giúp Hải quân Ukraine kiểm soát tốt hơn vùng nước tại khu vực Biển Đen cũng như Biển Azov.
Tuy nhiên trái với kỳ vọng của Ukraine, phía Nga lại cho rằng những con tàu nói trên sẽ không dẫn đến việc tăng cường sức mạnh cho "hạm đội muỗi" ở Biển Azov, mà chỉ khiễn ngân sách quân sự của Kiev bị tốn kém.
Nguyên nhân có thể là do vũ khí hiệu suất thấp và chi phí bảo dưỡng quá cao, họ liên hệ đến thực tế là Hải quân Mỹ dự định loại bỏ 12 tàu Mk VI mới chỉ tiếp nhận trong giai đoạn 2015 - 2018 vào cuối năm nay, trái ngược hoàn toàn với Ukraine.
Trong các kịch bản tiến hành cuộc chiến chống lại "các quốc gia đối thủ", vai trò của tàu tuần tra cao tốc Mk VI được các chỉ huy Hải quân Mỹ cho là không quá cần thiết.
Giới phân tích quân sự Nga nhận định: "Ngay cả khi chuyển giao miễn phí số chiến hạm trên, chi phí bảo trì đối với chúng vẫn rất cao, đây là một gánh nặng ngay cả đối với Hải quân Mỹ, vì vậy có thể tạo ra vấn đề lớn cho Hải quân Ukraine".
Lưu ý thêm, hiện nay Hải quân Ukraine được trang bị 7 chiếc Gyurza-M với kích thước tương tự Mk IV, lớp tàu này thực tế vô dụng ngay cả trong khu vực biển ven bờ.
Lý do là bởi vì các khẩu pháo của nó không thể cung cấp hỏa lực hiệu quả nếu không sử dụng đối trọng để cải thiện độ ổn định cho module chiến đấu.
Vào tháng 11/2018, các tàu Berdyansk và Nikopol lớp Gyurza-M đã bị lực lượng biên phòng Nga bắt giữ trong sự cố ở eo biển Kerch. Vào năm 2019, chúng đã được trao trả cho phía Ukraine.
Điều này cho thấy Moskva không xem “Hạm đội muỗi” của Ukraine là yếu tố gây nguy hiểm, bởi nếu nhận thấy bất cứ đe dọa nào từ những chiếc tàu cao tốc đó, Moskva sẽ không bao giờ trao trả.
Thách thức lớn nhất đối với Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga phải là các tàu hộ vệ tên lửa tàng hình đang được Anh và Thổ Nhĩ Kỳ đóng cho Ukraine chứ không phải những con tàu tuần tra cỡ nhỏ nói trên.
Việt Dũng