Chiến khu Đ trong văn học - nghệ thuật

Là một trong những căn cứ địa cách mạng lớn của miền Nam, Chiến khu Đ giữ vị trí chiến lược quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là một trong những “mật khu” căn cứ, là bàn đạp tấn công các mục tiêu của địch ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Học sinh tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại Khu ủy miền Đông Nam bộ (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Kiều Tân

Học sinh tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại Khu ủy miền Đông Nam bộ (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Kiều Tân

Chiến khu Đ (H.Vĩnh Cửu) ngày nay còn là địa danh nổi tiếng về du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái. Những giá trị, dấu tích của một căn cứ kháng chiến đã trở thành đề tài lớn, khơi nguồn cảm hứng sáng tác mạnh mẽ cho đội ngũ văn nghệ sĩ.

* Nguồn cảm hứng lớn

Vài năm trở lại đây, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai đã tổ chức thường xuyên nhiều chuyến đi thực tế, nhiều trại sáng tác về Chiến khu Đ thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ. Đã có hàng trăm tác phẩm văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu… ra đời sau mỗi chuyến đi. Ngoài khai thác chủ đề thiên nhiên, nhiều tác phẩm còn đi sâu khai thác đề tài văn hóa, lịch sử, những tấm gương điển hình đã từng chiến đấu tại Chiến khu Đ trong 2 cuộc kháng chiến. Hay nhiều tác phẩm ca ngợi sức sống mới của con người, vùng đất chiến khu.

Là một trong số những tác giả có nhiều tác phẩm về Chiến khu Đ, theo nhà văn Trần Thu Hằng, đây là đề tài lớn trong sáng tác VHNT. Từ khi còn rất nhỏ chị đã được tiếp cận nhiều tác phẩm viết về Chiến khu Đ của nhà văn Hoàng Văn Bổn. Những tác phẩm ấy cứ thế thâm nhập vào tâm hồn chị lúc nào không hay. Ngoài những câu chuyện được khai thác trong các truyện ngắn, nhà văn Thu Hằng còn đề cập đến Chiến khu Đ trong tiểu thuyết Chuyện tình ở Hầm Hinh. Tuy nhiên, Chiến khu Đ trong tiểu thuyết được nhà văn xem đó chỉ là một mảng nhỏ mà chị chưa khai phá hết.

“Văn nghệ sĩ Đồng Nai nói chung và bản thân tôi nói riêng cảm thấy rất xúc động, tự hào khi được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ thâm nhập và sáng tác đề tài này. Tôi xem Chiến khu Đ là một nơi gần gũi, thân thuộc với mình. Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục khai thác đề tài này, nhất là viết về những người đã từng sống chiến đấu ở dưới tán rừng Chiến khu Đ, tuổi thanh xuân của họ đã dâng hiến tất cả cho đất nước. Những tháng năm hiện tại họ có những hoài niệm, khát khao và cố gắng cống hiến, đóng góp cho vùng đất Chiến khu Đ bằng khả năng của họ…” - nhà văn Trần Thu Hằng chia sẻ.

Nhắc đến Chiến khu Đ không thể không nhắc đến những ca khúc đã tạo sức lan tỏa và có đời sống riêng trong lòng công chúng. Có thể kể đến những nhạc phẩm như: Cồng vang đêm Chiến khu Đ (nhạc sĩ Khánh Hòa); Người con gái sông Lam đi trồng rừng Đồng Nai, Hãy yêu quý rừng xanh (nhạc sĩ Trần Viết Bính); Tiếng rừng (nhạc sĩ Cao Hồng Sơn); Hòa khúc nhạc xanh (nhạc sĩ Lệ Hằng)… Nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng với ca từ giản dị có tác động sâu sắc đến tình cảm người hát, người nghe.

Lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa… cũng xuất hiện nhiều tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp gợi cảm của thiên nhiên, con người trên vùng đất Chiến khu Đ. Đặc biệt, mỹ thuật Đồng Nai đã tạo được ấn tượng khi có hàng chục tác phẩm được trưng bày, giới thiệu đến công chúng tại Trung tâm Sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ. Các họa sĩ, nhà điêu khắc thổi hồn vào hàng chục khối đá đã tưởng chừng “vô tri vô giác” để nó trở nên sống động. Mỗi một tác phẩm điêu khắc đã góp thêm một góc nhìn nghệ thuật mới về Chiến khu Đ thiêng liêng và huyền thoại đang đổi mới cùng đất nước.

Đặc biệt, năm 2020, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng Chiến khu Đ. Cuộc thi thu hút đông đảo họa sĩ, nhà điêu khắc trong cả nước tham gia. Phác thảo của họa sĩ Đào Tấn Hưng lấy ý tưởng rừng cây làm chủ đạo, thể hiện bằng 3 bông hoa lớn. Mỗi bông hoa tỏa ra 9 cánh, biểu trưng cho 9 tỉnh miền Đông Nam bộ. Phía dưới mô hình là bức phù điêu, thể hiện quá trình công tác, chiến đấu, sinh hoạt của quân dân tại Chiến khu Đ.

“Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi phác thảo của mình được lựa chọn. Tôi hy vọng rằng sau khi biểu trưng hoàn thành sẽ là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách, nhất là người trẻ. Qua đó, giúp thế hệ trẻ học tập, trải nghiệm để hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của dân tộc” - họa sĩ Đào Tấn Hưng nói.

* Đưa tác phẩm đến với công chúng

Các tác phẩm VHNT về Chiến khu Đ mà văn nghệ sĩ sáng tác trong thời gian qua đã được Hội VHNT Đồng Nai trưng bày, giới thiệu qua nhiều triển lãm, nhiều chương trình âm nhạc và xuất bản các đầu sách có giá trị… Điều này thể hiện ý thức, trách nhiệm của văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử. Qua đó, không chỉ giới thiệu đến người dân và du khách gần xa một Chiến khu Đ gian lao mà anh dũng trong kháng chiến, mà còn là Chiến khu Đ của hiện tại, hội nhập và phát triển.

“Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1961-2021), Hội đã xây dựng kế hoạch trại sáng tác về nguồn. Đây là kế hoạch được thực hiện ưu tiên ngay trong đầu năm 2021 để tập hợp lực lượng sáng tác, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ có những tác phẩm mới về Chiến khu Đ. Trong đó, vừa lột tả được vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa lịch sử lâu đời, truyền thống vẻ vang mà các anh hùng “chân đất” đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do; đồng thời đưa hình ảnh mới mẻ của Chiến khu Đ trong thời đại mới, với vẻ đẹp, sức sống mới của Đồng Nai lan tỏa sâu rộng hơn” - nhà văn Trần Thu Hằng cho biết.

Hầu hết các tác phẩm sáng tác về đề tài Chiến khu Đ đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, sau đó được văn nghệ sĩ nâng tầm thành nghệ thuật. Dù là ở thể loại nào (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật…) mỗi tác giả đều xác định cho mình một hướng đi. Ở đó, họ thường xuyên rèn luyện, bồi dưỡng, chăm chút để tác phẩm vươn tới những giá trị đích thực, có được chỗ đứng thực sự và bắt nhịp cùng cuộc sống của nhân dân.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202101/chien-khu-d-trong-van-hoc-nghe-thuat-3039889/