Chiến lược 'ba mũi tên' của tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ

Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã công bố chiến lược 'ba mũi tên', bao gồm duy trì thâm hụt tài chính của Mỹ ở mức 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng trưởng GDP ở mức 3% mỗi năm và tăng sản lượng dầu khí lên tương đương ba triệu thùng mỗi ngày. Những mục tiêu tham vọng này có mối liên kết chặt chẽ với nhau, nhằm hướng tới điều mà thị trường tài chính mong đợi đó là tăng trưởng đi đôi với sự ổn định; tuy nhiên, kế hoạch này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ chính động thái của tân Tổng thống Donald Trump, cũng như phụ thuộc vào thực tế phức tạp về tài chính và thị trường.

Chiến lược “ba mũi tên”

Mỹ đang chuẩn bị cho một giai đoạn mới với chiến lược “ba mũi tên” được tân Bộ trưởng Tài chính ông Scott Bassen công bố, cụ thể:

 Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Ảnh: Getty Images

Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Ảnh: Getty Images

Thứ nhất, đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP. Hiện tại, thâm hụt ngân sách mà chính quyền Trump sắp kế thừa từ chính quyền Biden là 6,4% GDP - cao gấp đôi so với mục tiêu của ông Bessent. Đây cũng được xem là thách thức lớn nhất khi Mỹ cần phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế để đưa mức thâm hụt về mục tiêu 3%; ông Bessent đề xuất, chi phí gia hạn các khoản cắt giảm thuế nên được bù đắp bằng cách cắt giảm các khoản chi tiêu khác, bao gồm một phần ngân sách trong Đạo luật Giảm lạm phát thời ông Biden; đồng thời đề xuất đóng băng chi tiêu tùy ý không liên quan đến quốc phòng và chuyển một số khoản chi phí của Medicaid (hệ thống chi trả phí y tế cho người dân) cho các tiểu bang.

Thứ hai, đạt tăng trưởng kinh tế 3% mỗi năm. Mục tiêu tăng trưởng GDP 3% có vẻ khả thi hơn khi mức dự đoán tăng trưởng cho năm 2024 là 2,8%. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tốc độ tăng trưởng trung bình của Mỹ chỉ đạt khoảng 2% mỗi năm. Dù chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đạt được tăng trưởng chủ yếu thông qua chi tiêu tài khóa cao, nhưng điều này được tài trợ bởi tăng trưởng nợ không bền vững.

Thứ ba, tăng sản lượng dầu thêm 3 triệu thùng/ngày - mũi tên cho thấy rõ ông Bessent khẳng định năng lượng là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng 12,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, vượt qua Nga và Ảrập Xêút. Nếu tăng thêm 3 triệu thùng/ngày, sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng 23,3%, chủ yếu từ việc khai thác dầu đá phiến, nhưng điều này có thể đi ngược lại các cam kết về trung hòa carbon.

Liệu có khả thi?

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa những mục tiêu này sẽ không dễ dàng. Thành công của kế hoạch sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ quy mô cắt giảm thuế mà Quốc hội Mỹ chấp thuận (nơi Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở cả lưỡng viện), mức độ áp dụng thuế quan của tân Tổng thống Donald Trump, cho đến tình hình thị trường dầu mỏ thế giới.

Các nhà kinh tế từng cảnh báo rằng, những chính sách kinh tế của ông Trump có thể khiến nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng thêm 15.000 tỷ USD trong vòng một thập kỷ, cũng như kìm hãm tăng trưởng kinh tế và kích hoạt lạm phát thông qua việc áp thuế quan. Tuy nhiên, ông Trump đã bác bỏ những cảnh báo này và khẳng định rằng, các chính sách của ông sẽ mở ra một “thời kỳ hoàng kim” mới cho nền kinh tế Mỹ. Vào nhiệm kỳ đầu tiên năm 2017, ông Trump từng lạc quan dự đoán tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6% nhờ các kế hoạch cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định. Thực tế, mức tăng trưởng cao nhất mà nước Mỹ đạt được là 3%, cũng chính là mục tiêu mà Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đang đặt ra trong nhiệm kỳ này.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc, từ mức 2,8% trong năm nay xuống còn 2,2% vào năm 2025. Trong bối cảnh này, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% của ông Bessent sẽ gặp rào cản lớn, có thể đến từ chính các động thái của ông Trump. Cụ thể, ông Trump đã đe dọa đảo ngược một số phần trong chương trình nghị sự kinh tế của cựu Tổng thống Joe Biden, bao gồm việc hủy bỏ Đạo luật Giảm lạm phát và cắt giảm các khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp chip và xe điện. Nếu thành công, điều này có thể làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế thay vì thúc đẩy.

Thêm vào đó, chính sách thương mại của ông Trump có nguy cơ tạo ra áp lực lớn. Việc áp đặt thuế quan cứng rắn lên các đối tác thương mại chắc chắn sẽ kéo theo hành động trả đũa từ các quốc gia khác, gây thiệt hại cho xuất khẩu của Mỹ và làm suy yếu nền kinh tế. Chính sách nhập cư của ông Trump cũng được các chuyên gia cảnh báo là một yếu tố tiêu cực. Theo đó, ngay khi nhậm chức, tân Tổng thống Donald Trump bắt đầu sử dụng quyền lực của tổng thống để siết chặt kiểm soát đối với hoạt động nhập cư, giao nhiệm vụ cho quân đội tăng cường kiểm soát biên giới, xác định các tổ chức và băng nhóm tội phạm khủng bố, ngừng tiếp nhận người xin tị nạn.

Ông Trump cũng ký lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang từ chối cấp quyền công dân theo nơi sinh cho con của người nhập cư trái phép hoặc người có thị thực tạm thời. Ông Jason Furman, giáo sư kinh tế tại Trường Harvard Kennedy, nhận định: “Lao động nhập cư là đòn bẩy lớn nhất ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ, và những chính sách đó có thể khiến hiệu quả đi theo chiều hướng không mong muốn.”

Về mục tiêu giảm thâm hụt, để hỗ trợ, ông Trump đang thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Elon Musk, nhằm giảm lãng phí liên bang và tối ưu hóa chi tiêu. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của sáng kiến này vẫn còn là dấu hỏi lớn. Một rào cản khác nằm ở chi phí tăng cao của các chương trình An sinh xã hội và Medicare, hai động lực lớn nhất của nợ quốc gia. Dù ông Trump cam kết không cắt giảm các chương trình này, song ông Bessent thừa nhận rằng, việc cải cách các quyền lợi là điều không thể tránh khỏi trong dài hạn, nhưng cũng cần thực hiện một cách từ từ và có lộ trình.

Có thể nói, kế hoạch tăng sản lượng dầu mỏ được cho là phần khả thi nhất trong chiến lược này. Chính quyền ông Trump dự kiến mở rộng khai thác dầu trên đất liên bang và các vùng biển, đồng thời phê duyệt thêm các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, thực tế thị trường năng lượng có thể khiến kế hoạch này gặp nhiều khó khăn. Khác với các quốc gia xuất khẩu dầu lớn, nơi các công ty nhà nước kiểm soát sản lượng, dầu Mỹ do các công ty tư nhân quyết định khai thác. Từ khi châu Âu ngừng nhập dầu Nga năm 2022, sản lượng dầu Mỹ đã tăng kỷ lục, đạt 13,5 triệu thùng/ngày vào tháng 10.2023. Nhưng để tăng thêm sản lượng, các công ty dầu khí cần lý do thuyết phục hơn.

Hơn nữa, một số chính sách khác của ông Trump có thể phản tác dụng. Thuế quan lên nguyên liệu như nhôm, thép sẽ làm tăng chi phí cho các công ty dầu khí, trong khi các quốc gia khác có thể đáp trả bằng thuế lên xuất khẩu năng lượng Mỹ. Các cuộc chiến thương mại cũng sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm giảm nhu cầu năng lượng.

Các giải pháp tiềm năng

Theo Bloomberg, để đạt được những mục tiêu trên, đòi hỏi những thay đổi chính sách có chủ đích trên nhiều mặt trận. Theo đó, các nhà kinh tế đề xuất những giải pháp tiềm năng. Đầu tiên, chính phủ nên khuyến khích đầu tư kinh doanh mới. Thay vì cắt giảm thuế doanh nghiệp trên diện rộng, chính phủ cần tập trung “cứu trợ” vào các điều khoản liên quan cụ thể đến đầu tư, chẳng hạn như cho phép doanh nghiệp chi trả toàn bộ chi phí đầu tư mới, mở rộng các loại hình đầu tư đủ điều kiện để chi trả và mở rộng tín dụng thuế cho nghiên cứu và phát triển.

Thứ hai, thực hiện cải cách toàn diện về nhập cư. Một cách tiếp cận lưỡng đảng đối với vấn đề nhập cư theo hướng của dự luật di trú của Thượng viện năm 2013, nhằm tăng cường an ninh biên giới, tạo ra các con đường trở thành công dân cho những người đã ở đây và mở rộng nhập cư hợp pháp cho những người nhập cư có trình độ cao và sinh viên, qua đó giúp tăng trưởng GDP hàng năm thêm 0,3 điểm%.

Thứ ba, đầu tư công và tư để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) gần đây ước tính, có 75% khả năng biến đổi khí hậu sẽ làm suy giảm nền kinh tế vào năm 2100 và có 20% khả năng thiệt hại sẽ đủ để cắt giảm ít nhất 0,1 điểm% khỏi mức tăng trưởng trung bình. Các khoản đầu tư để giảm thiểu hậu quả sẽ thúc đẩy tăng trưởng trực tiếp và làm giảm khả năng biến đổi khí hậu cản trở sự thịnh vượng trong tương lai.

Thứ tư, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. Mặc dù tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của những người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 đến 54 tuổi gần đây đã trở lại mức năm 2001, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới đã giảm trong nhiều thập kỷ và tụt hậu so với nền kinh tế ngang hàng của phụ nữ kể từ đầu những năm 2000, phần lớn là do các chính sách gia đình yếu kém. Một số chính sách có thể giúp đảo ngược tình trạng này, chẳng hạn như tăng Khoản tín dụng thuế thu nhập kiếm được khi không có con, cải cách hệ thống khuyết tật và mở rộng các chính sách thân thiện với gia đình như chế độ nghỉ phép có lương và các chế độ làm việc linh hoạt như làm việc bán thời gian và làm việc từ xa.

Các chuyên gia nhận định, chiến lược này vẫn là một ẩn số tại Washington, nhưng đối với ông Bessent, tăng trưởng không chỉ là một mục tiêu, mà còn là phương tiện quan trọng để đối phó với thâm hụt và giảm nhẹ gánh nặng nợ công đang đe dọa nền kinh tế Mỹ.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chien-luoc-ba-mui-ten-cua-tan-bo-truong-tai-chinh-my-post402779.html