Chiến lược bảo đảm nguồn cung gạo tại Nhật Bản

'Cơn sốt' giá gạo cùng tình trạng khan hiếm kéo dài nhiều tháng qua đang đặt Nhật Bản trước thách thức về an ninh lương thực. Trong bối cảnh đó, hàng loạt giải pháp được đề ra mới đây mang lại hy vọng giúp Xứ sở Hoa anh đào sớm ổn định thị trường và bảo đảm nguồn cung trong dài hạn.

Kho dự trữ gạo ở tỉnh Saitama, Nhật Bản. (Ảnh: KYODO)

Kho dự trữ gạo ở tỉnh Saitama, Nhật Bản. (Ảnh: KYODO)

Hạ nhiệt giá gạo đã trở thành chủ đề nóng trên nghị trường Nhật Bản thời gian gần đây, khi năm 2024, giá loại lương thực phổ biến này tăng tới 27,7% so với năm trước đó, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1975. Riêng trong tháng 12/2024, giá gạo tăng vọt 64,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lo ngại, không dừng lại ở năm 2024, giá gạo tiếp tục duy trì xu hướng đi lên trong những tháng đầu năm 2025.

Theo kết quả cuộc khảo sát Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản vừa tiến hành tại 1.000 siêu thị trên cả nước, trong tuần tính đến ngày 2/3, giá gạo tăng 94,6% so với mức cùng kỳ năm ngoái. Giá loại lương thực thiết yếu liên tiếp chạm mốc kỷ lục đã góp phần đẩy lạm phát tăng với tốc độ nhanh nhất trong 19 tháng qua.

Giá gạo ở Nhật Bản bắt đầu tăng mạnh vào khoảng tháng 8/2024, do người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ sau khi chính phủ nước này cảnh báo về khả năng xảy ra động đất lớn ở vùng bờ biển phía nam. Tuy nhiên, khi cảnh báo động đất được dỡ bỏ, giá gạo vẫn không hạ.

Giới chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân chính là do sản lượng sụt giảm sau vụ thu hoạch kém vào mùa hè năm 2023, khi thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến năng suất. Thời tiết khắc nghiệt khiến hàng trăm nghìn héc-ta nông sản bị ảnh hưởng, kéo theo không chỉ lúa gạo, mà nhiều loại nông sản thiết yếu khác cũng trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Ngoài ra, tình trạng thiếu nhân lực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động sản xuất lúa gạo ở Nhật Bản trên đà suy giảm trong những năm qua...

Để giải quyết bài toán an ninh lương thực trong ngắn hạn, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản quyết định giải phóng 210.000 tấn gạo từ kho dự trữ quốc gia. Số lượng gạo từ kho dự trữ được đưa ra thị trường thông qua hai đợt đấu thầu, nhằm bảo đảm phân phối đồng đều trên toàn quốc. Nhật Bản triển khai hệ thống dự trữ gạo từ năm 1995 sau khi cả nước xảy ra tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng vào năm 1993 do mùa hè lạnh bất thường.

Trước đây, Nhật Bản chỉ mở kho gạo dự trữ khẩn cấp khi xảy ra thảm họa như động đất, sóng thần. Đây là lần đầu Tokyo phân phối gạo từ kho dự trữ quốc gia chỉ để bình ổn giá mặt hàng thiết yếu này.

Trong dài hạn, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch thúc đẩy sản xuất lương thực, theo đó không chỉ bảo đảm tiêu dùng trong nước mà còn đặt mục tiêu xuất khẩu 350.000 tấn gạo vào năm 2030, tăng gấp gần 8 lần so với khối lượng xuất khẩu năm 2024.

Theo đó, trong dự thảo kế hoạch nông nghiệp được trình bày tại cuộc họp của đảng Dân chủ tự do cầm quyền diễn ra mới đây, Tokyo duy trì mục tiêu nâng tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực từ 38% trong tài khóa 2022, lên 45% vào tài khóa 2030.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nhật Bản dự kiến mở rộng số lượng các nông trại sản xuất gạo có quy mô từ 15ha trở lên, đồng thời giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh với gạo nhập khẩu giá rẻ. Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng lúa.

Giới phân tích hy vọng, với những biện pháp quyết liệt nêu trên, Chính phủ Nhật Bản sẽ sớm chặn được đà tăng của giá gạo, đồng thời bảo đảm nguồn cung ứng trong dài hạn.

BẢO CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chien-luoc-bao-dam-nguon-cung-gao-tai-nhat-ban-post869164.html