Chiến lược cho con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Việt Nam chính thức ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, đặt nền móng, định hướng, tầm nhìn cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Tại hội thảo chuyên đề "Công nghiệp bán dẫn Việt Nam - động lực và nền tảng phát triển đất nước" mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnhbán dẫn là ngành công nghiệp cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và của nền kinh tế số. Chip bán dẫn có sự hiển diện của trong phần lớn các sản phẩm của thời đại kinh tế số, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế và an ninh quốc quốc phòng.
Theo ông Lịch, chiến lược đã đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức: C=SET+1.
Trong đó, chữ C là chíp bán dẫn, chữ S là specialized, chuyên dụng, chip chuyên dụng. Việt Nam tập trung nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng.
Chữ E là electronics - điện tử, công nghiệp điện tử. Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn cùng công nghiệp điện tử, công nghiệp chuyển đổi số, mà trọng tâm là AI– công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.
Chữ T là talent - nhân lực, nhân tài. Việt Nam phát triển nhân lực là bước đi đầu tiên, là điểm đột phá, là mục tiêu chiến lược, trở thành một trung tâm (hub) về nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Số 1 trong công thức là vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Việt Nam tham gia vào tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng bán dẫn theo cách X +1.
Ông Lịch cũng cho biếtvới chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, Đảng và Nhà nước đã có các định hướng và hành động tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thông qua việc nghiên cứu xây dựng, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù, vượt trội về đất đai, thuế, tài chính,… để thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đối với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, Nhà nước còn ưu tiên bố trí nguồn lực để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học; hình thành các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu thử nghiệm bán dẫn trọng điểm quốc gia…
Có thể thấy, tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển bởi hệ thống chính trị ổn định. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, sở hữu vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu và là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn gia nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh trong khu vực. Đồng thời, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.
Đặc biệt, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm (khoảng 22 triệu tấn), một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Với những lợi thế đó, Việt Nam có thể trở thành trung tâm tăng trưởng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn, trong bối cảnh quy mô thị trường chip toàn cầu đã đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2022 và dự báo tăng lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2029.
Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa ngành này còn thấp, hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần nhiều nỗ lực để đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.