Chiến lược của EU đối phó với chính sách thuế quan của Tổng thống Trump

Không phản ứng nóng vội với chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump, Liên minh châu Âu (EU) được cho là tung chiến lược trả đũa tinh tế và có tính toán.

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Politico châu Âu (Politico.eu), Liên minh châu Âu (EU), nổi tiếng với sự thận trọng và quy trình chặt chẽ, đã cho thấy họ không dễ dàng phản ứng theo cảm tính, đặc biệt là trong "ván cờ" chiến tranh thương mại. Thay vào đó, Brussels chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng, xây dựng sự đồng thuận nội bộ và "để dành" những đòn trả đũa mạnh mẽ nhất cho thời điểm thích hợp. Cuộc tấn công thuế quan bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không phải là ngoại lệ.

Ngay sau khi EU công bố phản ứng đối với mức thuế thép và nhôm mà chính quyền Trump áp đặt một tháng trước đó, vị tổng thống Mỹ đã tuyên bố ngừng áp dụng thuế "có đi có lại" trong 90 ngày. Động thái này diễn ra sau khi ông Trump áp thuế 20% lên toàn bộ hàng hóa từ khối 27 quốc gia, rồi giảm xuống 10% dưới áp lực từ thị trường tài chính.

Đáp lại, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã quyết định đình chỉ các biện pháp thuế quan trả đũa nhắm vào 20,9 tỷ euro hàng xuất khẩu của Mỹ, trước khi chúng có hiệu lực. Bà tuyên bố trên mạng xã hội: "Chúng tôi muốn tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán. Nếu đàm phán không thỏa đáng, các biện pháp đối phó của chúng tôi sẽ được thực hiện. Công tác chuẩn bị cho các biện pháp đối phó tiếp theo vẫn đang tiếp tục. Như tôi đã nói trước đây, tất cả các lựa chọn vẫn còn trên bàn".

Politico cho rằng phản ứng "chậm mà chắc" của EU đối với chính quyền Trump được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc và sự đồng thuận cẩn trọng giữa các quốc gia thành viên và doanh nghiệp trong khối. Mặc dù chính sách thương mại thuộc thẩm quyền của Ủy ban châu Âu, Brussels vẫn cần sự ủng hộ chính trị từ các quốc gia thành viên, thường đòi hỏi sự chấp thuận của đa số đủ điều kiện (ít nhất 15 trong số 27 quốc gia).

Theo chuyên gia thương mại cấp cao David Kleimann tại tổ chức tư vấn ODI, yêu cầu này buộc Ủy ban châu Âu phải "chơi trò chơi dài hạn" và ưu tiên các cuộc đàm phán được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Kleimann cho rằng cách tiếp cận này đang mang lại lợi ích cho EU, khi thị trường chứng khoán và trái phiếu đã gây ra nhiều thiệt hại cho kế hoạch thuế quan của Tổng thống Trump hơn bất kỳ phản ứng trả đũa tức thời nào.

Bất chấp lệnh ngừng áp thuế trong 90 ngày của Tổng thống Trump, mức thuế 25% đối với thép và nhôm, cũng như khả năng áp thuế lên ô tô, vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng. EU khẳng định họ sẵn sàng leo thang nếu cần thiết và thậm chí đã thiết kế một "gói vũ khí" thương mại đáng sợ mang tên "Công cụ chống cưỡng ép" (ACI) để đối phó với chính sách thuế quan mà chính quyền Trump đang thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai công cụ này sẽ mất ít nhất sáu tháng và cần thêm hai lần bỏ phiếu với đa số đủ điều kiện. Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Ireland Simon Harris ví việc kích hoạt ACI như "lựa chọn hạt nhân" trong bối cảnh thương mại.

Khi Tổng thống Trump kêu gọi tạm dừng leo thang thương mại, ông dường như bị thúc đẩy bởi nguy cơ sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Brussels đã thở phào nhẹ nhõm và quyết định "chờ xem" kết quả. Một nhà ngoại giao EU nhận định rằng "thị trường chứng khoán đang làm việc thay chúng ta", khi các chỉ số chứng khoán Mỹ tiến gần đến vùng nguy hiểm và đợt bán tháo trái phiếu kho bạc làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.

EU đã nhanh chóng phản ứng với động thái của chính quyền Trump bằng cách tạm dừng các biện pháp đối phó thuế quan trong vòng 90 ngày. Theo quan điểm của EU, sự tạm dừng này tạo ra không gian cần thiết để các bên, bao gồm cả Mỹ và thị trường, có thể "bình tĩnh lại và lấy lại tinh thần" trước khi tiếp tục các cuộc đàm phán nghiêm túc.

Chiến lược của EU còn nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến nhóm cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump mà không gây ra thiệt hại đáng kể cho lợi ích của châu Âu. Các quan chức Brussels nhấn mạnh rằng trong trường hợp này, "kiên nhẫn là đức tính và kiềm chế là sức mạnh". Khi lập danh sách các mặt hàng chịu thuế trả đũa đối với thuế thép và nhôm của Mỹ, Ủy ban châu Âu đã thiết kế một phản ứng theo ba giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào sản phẩm, với mức thuế 25% đối với đậu nành - mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ sang EU - được áp dụng sau cùng.

Điều này nhằm tạo điều kiện cho nông dân châu Âu có thời gian thích ứng và tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia khác như Brazil hoặc Argentina. Hơn 80% lượng đậu nành xuất khẩu của Mỹ sang EU đến từ Louisiana, quê hương của Chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hòa Mike Johnson - một chi tiết mà các quan chức EU không hề bỏ qua.

Bên cạnh đó, nỗ lực vận động hành lang của Pháp, Italy và Ireland đã đảm bảo việc loại bỏ rượu bourbon Kentucky khỏi danh sách trả đũa, nhằm tránh việc các nhà lãnh đạo quốc gia phải đối mặt với lời đe dọa đánh thuế 200% của chính quyền Trump lên hàng xuất khẩu rượu châu Âu.

Trong khi Tổng thống Trump muốn phá vỡ hệ thống thương mại đa phương mà Washington đã dày công xây dựng sau Thế chiến II, EU không sẵn sàng từ bỏ nó một cách dễ dàng. Thị trường chung được coi là thành tựu lớn nhất của khối, và thương mại dựa trên luật lệ là một phần "DNA" của EU. Điều này có nghĩa là Brussels kiên quyết tuân thủ các quy tắc đã được thiết lập, với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đóng vai trò trọng tài, ngay cả khi Washington đã làm suy yếu hoạt động của tổ chức này bằng cách ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán vào tòa phúc thẩm cao nhất của WTO.

Ignacio García Bercero, người phụ trách vấn đề Mỹ tại bộ phận thương mại của Ủy ban châu Âu trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, khẳng định: "Bất kỳ lời đề nghị nào chúng tôi đưa ra cho Mỹ đều cần phải phù hợp với các quy tắc của WTO. Vào thời điểm này, chúng tôi không thể để lộ ra rằng chúng tôi cũng đã quyết định phớt lờ các quy tắc". Cho đến nay, các quốc gia thành viên EU đều hoan nghênh cách tiếp cận thận trọng của Ủy ban châu Âu. Một nhà ngoại giao EU cho biết: "Các quốc gia thành viên gần như nhẹ nhõm vì họ không phải tự mình giải quyết vấn đề này. Nhưng tốc độ mà chúng ta nên phản ứng lại gây nhiều tranh cãi hơn một chút”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chien-luoc-cua-eu-doi-pho-voi-chinh-sach-thue-quan-cua-tong-thong-trump-20250412225020804.htm