Chiến lược của Nga khi nỗ lực kiểm soát mỏ lithium lớn nhất châu Âu ở Donetsk

Việc kiểm soát mỏ Shevchenko không chỉ là một chiến thắng trên chiến trường, đó là tín hiệu cho thấy ý định của Nga muốn thống trị cuộc chiến giành tài nguyên làm nền tảng cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngày 26-6, lực lượng Nga giành quyền kiểm soát một mỏ lithium quan trọng gần làng Shevchenko thuộc tỉnh Donetsk (Ukraine). Diễn biến này đánh dấu một bước leo thang đáng kể trong cuộc xung đột và điều này có thể tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu cho các công nghệ tiên tiến.

Chiến dịch trên, một phần của cuộc tổng tấn công mùa hè của Nga, cho thấy rõ trọng tâm của Moscow trong việc giành lấy các nguồn tài nguyên chiến lược, có khả năng làm thay đổi cán cân quyền lực trong cuộc chiến vốn đã vẽ lại bản đồ địa chính trị, theo tờ Bulgarian Military.

Việc để mất mỏ Shevchenko đang đe dọa đòn bẩy kinh tế của Kiev cũng như khả năng thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia phương Tây như Mỹ - những nước coi lithium là yếu tố sống còn đối với an ninh quốc gia và đổi mới công nghệ.

Diễn biến này đặt ra những câu hỏi về chiến lược dài hạn của Nga và khả năng của phương Tây trong việc đối phó sự kiểm soát ngày càng tăng của Moscow đối với các khoáng sản thiết yếu.

 Lực lượng Nga kiểm soát mỏ Shevchenko của Ukraine vào ngày 26-6. Ảnh minh họa một mỏ tài nguyên: UNPLASH

Lực lượng Nga kiểm soát mỏ Shevchenko của Ukraine vào ngày 26-6. Ảnh minh họa một mỏ tài nguyên: UNPLASH

Tầm quan trọng của mỏ Shevchenko

Mỏ Shevchenko, có diện tích khoảng 40 hecta, chứa trữ lượng ước tính 13,8 triệu tấn quặng lithium, khiến nơi đây trở thành tài sản quý giá để sản xuất pin sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ máy bay không người lái (UAV) đến các hệ thống quân sự tiên tiến.

Giá trị của mỏ Shevchenko không chỉ nằm ở tiềm năng kinh tế mà còn ở tầm quan trọng chiến lược của nó đối với công nghệ quân sự. Lithium, thường được gọi là "vàng trắng", là nền tảng của các hệ thống phòng thủ hiện đại, cung cấp năng lượng cho pin dung lượng cao trong UAV, thiết bị liên lạc di động và cảm biến tiên tiến.

Chẳng hạn, pin lithium-ion đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động của các phương tiện bay không người lái như Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất — loại UAV mà Ukraine đã sử dụng rộng rãi — và cả UAV Lancet của Nga. Những loại pin này mang lại mật độ năng lượng cần thiết để duy trì thời gian bay dài và hiệu suất ổn định trong điều kiện khắc nghiệt, khiến chúng trở thành thành phần không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại.

Ngoài UAV, lithium còn cung cấp năng lượng cho các hệ thống tinh vi như radar phản pháo AN/TPQ-53, được lực lượng Mỹ và Ukraine sử dụng để phát hiện pháo binh của đối phương. Các radar này dựa vào các loại pin nhỏ gọn, hiệu suất cao để duy trì hoạt động trong các đợt triển khai di động, một khả năng có thể bị ảnh hưởng nếu không có nguồn cung cấp lithium đáng tin cậy.

Việc Nga kiểm soát mỏ Shevchenko có thể thúc đẩy trong nước tăng sản xuất các công nghệ như vậy, giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc - quốc gia thống trị hoạt động chế biến lithium toàn cầu.

Tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga Rosatom đã bày tỏ sự quan tâm đến mỏ Shevchenko. Ông Vladimir Ezhikov - một quan chức cấp cao do Nga bổ nhiệm tại Donetsk - tuyên bố năm ngoái rằng địa điểm này có "tiềm năng lớn" cho sự phát triển kinh tế trong tương lai.

Trong khi trọng tâm chính của Rosatom là uranium và đất hiếm, bộ phận khai thác của công ty có chuyên môn để khai thác lithium, có khả năng tích hợp nguồn tài nguyên này vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga dù vẫn còn nhiều thách thức.

Cấu trúc địa chất phức tạp của mỏ Shevchenko đòi hỏi các kỹ thuật chế biến tiên tiến mà Nga hiện đang thiếu do lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nga kiểm soát mỏ Shevchenko như thế nào?

Việc kiểm soát mỏ Shevchenko không phải là một chiến công nhỏ mà là kết quả của một chiến dịch được lên kế hoạch kỹ lưỡng, thể hiện sự thay đổi trong chiến thuật quân sự của Nga tại Donetsk.

Theo các báo cáo tình báo nguồn mở, bao gồm DeepState, lực lượng Nga đã tiếp cận ngôi làng từ nhiều hướng khác nhau, khai thác các điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine gần trục Pokrovsk.

Cuộc tấn công bắt đầu từ đầu tháng 6, khi quân đội Nga sử dụng kết hợp các đợt pháo kích hạng nặng và các cuộc không kích bằng UAV có độ chính xác cao nhằm làm suy yếu vị trí phòng thủ của Ukraine trước khi phát động các đợt tấn công trên bộ.

Trung tâm của chiến dịch là các UAV cảm tử Lancet-3 của Nga. Những chiếc UAV này có thể mang đầu đạn nặng 3 kg và có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa tới 40 km với độ chính xác cao, nhờ hệ thống dẫn đường bằng hình ảnh quang điện và nhiệt. Khả năng bay lảng vảng trên chiến trường để phát hiện và tiêu diệt các công sự, phương tiện và trận địa pháo của Ukraine đã đóng vai trò then chốt trong việc làm rối loạn tuyến phòng thủ của Kiev.

Hỗ trợ cho các UAV là các pháo tự hành 2S19 Msta-S của Nga — hệ thống pháo 152mm có khả năng bắn tới 8 phát mỗi phút với tầm bắn lên đến 29 km. Được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động, các khẩu pháo này cho phép lực lượng Nga thực hiện các đợt pháo kích dồn dập vào các vị trí của Ukraine, áp đảo lực lượng phòng thủ tại Shevchenko.

Các hệ thống tác chiến điện tử cũng có thể đã đóng vai trò quan trọng, với các báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho thấy Nga đã sử dụng thiết bị gây nhiễu Krasukha-4 để làm gián đoạn hệ thống liên lạc và radar của Ukraine. Những hệ thống này có khả năng gây nhiễu tín hiệu trong bán kính lên tới 300 km, đã trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi khi làm tê liệt khả năng phối hợp phòng thủ của Ukraine, đặc biệt là trong các cuộc tấn công dày đặc bằng UAV.

Sự kết hợp giữa các nền tảng này đã giúp lực lượng Nga bao vây được Shevchenko, buộc quân đội Ukraine phải rút lui để tránh bị cô lập. Chiến dịch cho thấy khả năng của Nga trong việc tích hợp các hệ thống vũ khí cũ với công nghệ hiện đại — một chiến thuật đã giúp Moscow đạt được những bước tiến ổn định ở Donetsk kể từ đầu mùa hè.

Sự thất thủ của Shevchenko cho thấy những điểm yếu trong chiến lược phòng thủ của Ukraine, đặc biệt là tại Donetsk, nơi lực lượng Nga đã khai thác hiệu quả các khoảng trống trong hệ thống phòng tuyến của Kiev. Quân đội Ukraine, vốn đã bị kéo căng sau nhiều tháng chiến tranh tiêu hao, đã gặp nhiều khó khăn trong việc giữ vững ngôi làng trước ưu thế quân số và các đợt tấn công dồn dập không ngừng của Nga.

Cuộc tranh giành tài nguyên

Việc Nga kiểm soát mỏ Shevchenko không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Ukraine, ước tính trị giá khoảng 14.800 tỉ USD, theo Trung tâm Quan hệ Quốc tế và Phát triển Bền vững (CIRSD). Trữ lượng lithium của Ukraine, vào khoảng 500.000 tấn, thuộc hàng lớn nhất châu Âu, trong đó mỏ Shevchenko là một trong bốn mỏ đã được xác định.

 Việc Nga kiểm soát mỏ Shevchenko không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Ukraine. Ảnh: TASS

Việc Nga kiểm soát mỏ Shevchenko không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Ukraine. Ảnh: TASS

Hai mỏ khác, nằm ở tỉnh Zaporizhia, đã rơi vào tay Nga từ sớm trong cuộc xung đột, khiến Ukraine hiện chỉ còn lại các mỏ chưa được khai thác ở vùng Kirovograd. Tổn thất này làm suy giảm đáng kể vị thế đàm phán của Kiev trong các cuộc thương lượng với các đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Việc Nga dần kiểm soát các mỏ khoáng quan trọng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn ảnh hưởng đến cán cân quyền lực toàn cầu, đe dọa các nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung của phương Tây và làm phức tạp thêm cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.

Mỹ đã xác định lithium là một ưu tiên chiến lược, với Bộ Quốc phòng nhấn mạnh vai trò then chốt của nó đối với an ninh quốc gia. Một thỏa thuận về khoáng sản thiết yếu giữa Mỹ và Ukraine, được ký kết vào năm 2025 với trị giá 2,5 tỉ USD, đặt mục tiêu hợp tác thăm dò các mỏ khoáng của Ukraine.

Việc mất quyền kiểm soát mỏ Shevchenko đã làm suy yếu thỏa thuận này, khi quyền khai thác mỏ giờ đây nằm trong tay Nga, và sản lượng từ đây có thể được chuyển hướng sang các đồng minh của Moscow như Trung Quốc hoặc Ấn Độ, từ đó làm phức tạp thêm các nỗ lực của phương Tây nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu lithium toàn cầu sẽ tăng 42% vào năm 2030, được thúc đẩy từ nhu cầu từ quốc phòng và năng lượng tái tạo — khiến tổn thất này trở nên đặc biệt nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn chiến lược.

Đối với phương Tây, việc Ukraine để mất mỏ Shevchenko là một bước lùi trong cuộc đua đảm bảo nguồn khoáng sản thiết yếu. Mỹ và Liên minh châu Âu đã ưu tiên giảm sự phụ thuộc vào lithium của Trung Quốc, nhưng việc Nga kiểm soát các mỏ khoáng ở Ukraine có thể làm thay đổi cục diện thị trường, buộc Washington phải tìm đến những lựa chọn thay thế đắt đỏ hơn ở Úc hoặc Nam Mỹ.

Việc Nga tập trung vào các khu vực giàu tài nguyên như Donetsk và Zaporizhia phản ánh một nỗ lực có tính toán nhằm củng cố khả năng chống chịu kinh tế trong bối cảnh bị áp đặt các lệnh trừng phạt.

Kể từ năm 2022, Moscow đã kiểm soát khối tài sản trị giá hơn 12.400 tỉ USD, bao gồm than đá, khí đốt và đất hiếm, theo một phân tích của nhóm SecDev (Canada) vào năm 2022. Mặc dù có quy mô nhỏ hơn, mỏ Shevchenko vẫn bổ sung vào danh mục này, mang lại cho Nga đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với các cường quốc toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông Konrad Muzyka — Giám đốc hãng tư vấn quân sự Rochan (Ba Lan), Nga có thể sẽ gặp phải những thách thức hậu cần đáng kể, bao gồm giao tranh vẫn đang diễn ra trong khu vực và việc thiếu cơ sở hạ tầng để tinh chế lithium tại chỗ. Những yếu tố này có thể làm chậm khả năng khai thác lợi ích từ mỏ Shevchenko, bất chấp tầm quan trọng chiến lược mà nó mang lại.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chien-luoc-cua-nga-khi-no-luc-kiem-soat-mo-lithium-lon-nhat-chau-au-o-donetsk-post857928.html