Tại sao Iran không sở hữu S-400 của Nga để đẩy lùi các cuộc tấn công của Mỹ và Israel?
Sau đợt không kích dữ dội của Israel và Mỹ, Iran bị cho là sở hữu hệ thống phòng không yếu. Nhiều nguồn tin cho rằng Nga từ chối bán S-400 cho Iran vì lo ngại quan hệ với Israel.

Các dàn tên lửa đất đối không thuộc hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: MW.
Sau khi Israel phát động chiến dịch không kích kéo dài 11 ngày nhằm vào Iran vào ngày 13/6, và Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược cùng tàu ngầm hạt nhân để tấn công các cơ sở hạt nhân của nước này 9 ngày sau đó, tình trạng hệ thống phòng không của Iran đã trở thành tâm điểm chú ý và tranh cãi.
Nhiều nguồn tin thân Iran trong và ngoài nước nhanh chóng quy trách nhiệm cho Nga vì không cung cấp các hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến, đặc biệt là tổ hợp S-400 – hiện là “xương sống” trong hệ thống phòng thủ của Nga. Cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Iran, ông Ali Motahari, là một trong số những người lên tiếng chỉ trích, cáo buộc rằng Nga đã bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ – một đối thủ của Iran – và đề nghị cung cấp cho Arab Saudi, nhưng lại từ chối bán cho Iran do lo ngại làm rạn nứt quan hệ với Israel.
Ông Motahari, cùng nhiều tiếng nói khác, cho rằng hành động của Nga là không tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, nhất là khi Iran đã hỗ trợ Nga rất lớn trong cuộc chiến ở Ukraine – bao gồm chuyển giao công nghệ để xây dựng năng lực tác chiến bằng máy bay không người lái.

Tên lửa đất đối không từ hệ thống S-400. MW.
Những chỉ trích nhằm vào Nga không hoàn toàn vô căn cứ. Trong những năm 1990 và 2000, Iran nhiều lần bày tỏ mong muốn mua các hệ thống phòng không tầm xa S-300PMU-1 hoặc S-300PMU-2, nhưng liên tục bị từ chối. Mặc dù Iran đã ký hợp đồng mua S-300PMU-1 vào năm 2007, Nga bất ngờ hủy bỏ vào năm 2009 – được cho là do áp lực từ phương Tây và Israel. Sự kiện này đã thúc đẩy Tehran đẩy mạnh phát triển hệ thống tương tự trong nước, dù đến năm 2017 Iran mới chính thức tiếp nhận S-300PMU-2.
Tuy vậy, sau khi ký kết thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015, và khi các lực lượng Nga – Iran cùng tham chiến tại Syria chống lại các nhóm phiến quân do phương Tây, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, Nga đã bắt đầu tỏ ra sẵn sàng hơn trong việc cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến như S-400.

Máy bay chiến đấu F-35 của Không quân Israel. Ảnh: MW.
Các nguồn tin chính phủ Nga từ năm 2019 nhiều lần khẳng định họ sẵn sàng bán S-400 cho Iran. Thậm chí, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Iran, ông Ali Shamkhani, còn bày tỏ sự quan tâm đến việc mua các loại vũ khí hiện đại để tăng cường phòng thủ quốc gia. Các quan chức Nga vào thời điểm đó đã bác bỏ những cáo buộc từ phương Tây cho rằng họ từ chối bán S-400 cho Iran, nói rằng Iran chưa hề đưa ra yêu cầu chính thức.
Đến tháng 1/2020, sau vụ ám sát tướng Qasem Soleimani, chỉ huy hàng đầu của Iran, các nghị sĩ Nga kêu gọi khẩn trương bán vũ khí hiện đại cho Iran, bao gồm cả S-400 và thậm chí cả S-500, với lý do “để không ai dám đụng đến Iran”. Theo họ, những hệ thống này hoàn toàn có thể “khóa kín bầu trời Iran”.
Trước đó, vào năm 2019, Iran đã mua hệ thống radar Rezonans-NE của Nga, có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách cực xa, bao gồm cả máy bay tàng hình.

Tên lửa đất đối không từ hệ thống phòng không tầm xa Bavar 373 của Iran. Ảnh: MW.
Tuy nhiên, giới chức Iran sau đó nhiều lần tuyên bố không còn nhu cầu mua S-400. Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Mohammad Reza Ashtiani, vào tháng 3/2023 đã bác bỏ thông tin về kế hoạch mua S-400, cho biết nước này đã “tự lực sản xuất” đủ năng lực phòng không, đặc biệt nhấn mạnh vào hệ thống Bavar-373 mà họ tự phát triển.
Bavar-373 chính là trụ cột trong mạng lưới phòng không của Iran khi Israel bắt đầu tấn công. Theo các nguồn tin trong nước, hệ thống này được cho là đã bắn rơi ba trong bốn chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Israel bị phá hủy trong các trận đánh. Tuy nhiên, mật độ hệ thống phòng không của Iran và việc F-35 có thể hoạt động sâu trong lãnh thổ nước này đã làm dấy lên nghi vấn về hiệu quả thực sự của Bavar-373 – và liệu nếu có các hệ thống tiên tiến hơn như S-400, thì tổn thất của Israel có thể nặng nề hơn không.
Mặc dù Nga từng không phải là đối tác đáng tin cậy với Iran trong hai thập kỷ đầu sau khi Liên Xô tan rã, kể từ giữa những năm 2010, Moscow đã thể hiện rõ mong muốn cung cấp vũ khí hiện đại như S-400 và tiêm kích Su-35 cho Tehran. Nhưng thực tế là Iran chưa đủ nguồn lực tài chính để theo đuổi các thương vụ lớn, và đây vẫn là yếu tố then chốt khiến khả năng phòng không của nước này chưa thể đạt tới tầm cao mong muốn.