Chiến lược để trung tâm cách mạng công nghiệp ở TP.HCM giữ vai trò kiến tạo
Ngoài việc tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, xây dựng các mô hình ứng dụng thực tiễn cho trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4, TP.HCM cần mạnh dạn chia sẻ tư duy lãnh đạo, cũng như thể hiện tư duy lãnh đạo của mình trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững và chuyển đổi số.
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) vừa được thành lập tại Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, chia sẻ sáng kiến lãnh đạo chung, trao đổi chính sách, xây dựng năng lực và các sáng kiến xuyên biên giới. Đây là nội dung được bàn luận tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024.
C4IR - Tầm nhìn và phát triển
C4IR có sứ mệnh hiến kế và kích hoạt đầu tư vào các dự án công nghệ cao, hiện đại, tạo ra một không gian kết nối các tổ chức đổi mới sáng tạo trong nước và mục tiêu thu hút nguồn lực quốc tế góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững, dựa trên khoa học, công nghệ và sáng tạo.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà Ellina Roslan, Giám đốc Cấp cao Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư Malaysia cho rằng: Việt Nam cần tạo cho trung tâm vừa thành lập một vị thế, đặc biệt là tiếng nói, sự tác động sâu rộng vào quá trình phát triển của TP.HCM.
Ngoài việc tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, xây dựng các mô hình ứng dụng thực tiễn, TP.HCM cần mạnh dạn chia sẻ tư duy lãnh đạo, cũng như thể hiện tư duy lãnh đạo của mình trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững và chuyển đổi số.
Những đóng góp, chia sẻ này không chỉ làm nổi bật cách tiếp cận đổi mới của trung tâm C4IR TP.HCM đối với các vấn đề cấp bách, mà còn định hình các bước đi trong tương lai về các lĩnh vực chiến lược này.
Hợp tác- hợp tác và hợp tác là góc nhìn, kinh nghiệm của chúng tôi. Bởi nhìn từ thực tế, nhân lực làm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, năng lượng, chuyển đổi số, nhiều nơi chưa thể làm chủ được công nghệ. Khi con người luôn là nền tảng, mấu chốt trong hoạt động sáng tạo, việc đào tạo về kỹ năng, bồi dưỡng trình độ nguồn nhân lực rất quan trọng để có thể tiếp cận nhanh chóng công nghệ mới. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa họ đang rất cần và bước đầu C4IR TP.HCM nên giúp họ, vì chúng ta đều có mục tiêu chung. Ellina Roslan nói.
Theo ông Kyriakos Triantafyllidis, Trưởng bộ phận tăng trưởng và chiến lược, Trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng tiên tiến (WEF), để trung tâm có thể làm tốt vai trò của mình thì vấn đề vốn rất quan trọng.
Trong khi đó doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam rất khó tiếp cận nguồn vốn. Đôi khi chỉ là nguồn vốn để tồn tại qua thời gian đầu cũng có thể tạo nên sự bức phá.
"Quan trọng hơn nữa là trong hệ sinh thái phát triển khi đã có Trung tâm C4IR, cần cho thấy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, khu công nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Việc nắm bắt quá trình chuyển đổi, trong đó có chuyển đổi xanh thì trong vài năm tới sẽ cho thấy sự khác biệt đó là tính bền vững. Không chỉ đầu tư cho số hóa, mà còn cần đầu tư mạnh cho chuyển đổi xanh, tuy bước đầu có áp lực nhưng sẽ cho chúng ta rất nhiều cơ hội cho các bên có liên quan", ông Kyriakos Triantafyllidis nhận định.
Để C4IR hoạt động nghiêm túc, hiệu quả
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Viettel Solutions nhận định: Đại hội Đảng XIII đã đưa cụm từ "chuyển đổi công nghiệp cao".
Theo ông Tuấn với Đại hội Đảng XIV sắp tới cần có những mục tiêu, chiến lược cụ thể hơn để định lượng được khối lượng công việc triển khai. Chính phủ nên thành lập Ban chỉ đạo cấp quốc gia để thực hiện những chiến lược và lựa chọn ngành ưu tiên đầu tư... sau đó lý giải và công bố lấy ý kiến nhà khoa học, kiều bào...
Với góc nhìn của mình, ông Tuấn đề xuất ưu tiên những ngành như: Viễn thông và công nghệ thông tin thế hệ mơí́; Công nghiệp bán dẫn; Nông nghiệp sạch; Chăn nuôi công nghệ cao; Công nghiệp chế biến; Công nghiệp đóng tàu biển; Thiết kế, sản xuất và thi công đường sắt tốc độ cao; Công nghiệp về vật liệu mới; Công nghệ y sinh học và công nghệ nano.
Khi xác định được những nhóm ngành ưu tiên, Trung tâm C4IR TP.HCM phải hoạch định chi tiết, có sự phân công rõ ràng. Để học hỏi vấn đề này, không ai khác đó là nước bạn Trung Quốc. Đây là quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm và chi tiết trong từng chiến lược xây dựng nguồn nhân lực đến ứng dụng công nghệ. Ông Nguyễn Hữu Tuấn nói.
Đồng quan điểm này, Giáo sư – Tiến sỹ Lê Văn Cảnh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM – một trong số nhà sáng lập Trung tâm C4IR TP.HCM cho rằng: quan trọng vai trò dẫn dắt của Trung tâm C4IR, tuy nhiên doanh nghiệp cũng phải có những động thái tương ứng.
Theo đó, mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng, với năng lực khác nhau, ông Lê Văn Cảnh cũng chia sẻ thêm một góc nhìn khác, đó là mong muốn doanh nghiệp thay đổi ngay nhận thức về ứng dụng công nghệ. Những ứng dụng đầu tiên mang lại kết quả sẽ tạo động lực để ứng dụng toàn diện trong hoạt động kinh doanh; tạo ra hệ thống ứng dụng các công nghệ trong doanh nghiệp một cách bài bản...
Khi chúng ta làm được đến bước như vậy, chúng ta có thể tự tin đi sang bước thứ 5 “Cá chép hóa rồng” tức là doanh nghiệp chúng ta có thể thay đổi một cách toàn diện, trở thành một doanh nghiệp khác nhờ vào ứng dụng công nghệ. Tùy vào mức độ phát triển của doanh nghiệp tôi đưa ra 5 từ khóa như vậy để doanh nghiệp hình dung trong việc tạo ra chương trình hành động của mình. Giáo sư – Tiến sỹ Lê Văn Cảnh chia sẻ.
TP.HCM có Nghị quyết 98 và đã hình thành được Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. TP cũng xác định vai trò Tiên phong, hợp tác, kết nối, số hóa, xanh hóa, thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, vì nước, vì dân... Các nhà sáng lập trung tâm cũng mong muốn qua trình thực thi hóa Nghị quyết này, TP sẽ tạo những cơ chế đặc thù cho C4IR, nâng cao năng lực trong thực thi nhiệm vụ huy động nguồn lực để hỗ trợ một cách thiết thực cho doanh nghiệp. Đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn chuyển đổi sắp tới.