Chiến lược 'Đông hòa Tôn Quyền, bắc chống Tào' của Trung Quốc
Trong quá trình xây dựng 'cường quốc hàng hải' của Trung Quốc, nước này cần đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp và ổn định lâu dài với Nga, cường quốc láng giềng mạnh nhất. Trong khi Trung Quốc có nhiều nước láng giềng trên bộ, chỉ có Nga là có khả năng thực sự đe dọa Trung Quốc.
Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA), một nhóm chuyên gia độc lập, phi lợi nhuận, có trụ sở tại Washington, D.C., chuyên về chính sách quốc phòng, lập kế hoạch lực lượng và ngân sách của Mỹ, vừa đưa ra báo cáo “Nhận diện các điểm yếu trong sức mạnh quân sự” đang toàn cầu hóa của Trung Quốc.
Báo cáo dẫn nghiên cứu của các học giả Trịnh Nghĩa Vĩ của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải và Trương Kiến Hoành của Đại học Bắc Kinh cho rằng, để có điều kiện vươn ra biển cả, thi triển sức mạnh hải quân nhằm cạnh tranh với Mỹ, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần đảm bảo rằng các mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng trên bộ là hòa bình.
Theo họ, mối quan hệ thân thiện với các nước láng giềng của Trung Quốc ở một sườn (lục địa) sẽ giúp Bắc Kinh dành nhiều nguồn lực và sự chú ý hơn cho sườn còn lại (trên biển). Quan hệ hợp tác với Nga và một nền hòa bình không dễ dàng với Ấn Độ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã cho phép Trung Quốc đầu tư vào các năng lực hàng hải và vũ trụ được thiết kế phần lớn cho các trường hợp bất thường ở Tây Thái Bình Dương.
Các học giả Trung Quốc trong hai thập kỷ qua đã cho rằng không có mối đe dọa nghiêm trọng nào trong nội địa đã tạo ra một cơ hội chưa từng có trong lịch sử hiện đại Trung Quốc để phát triển sức mạnh biển cả.
Lưu Trung Dân, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nhận định: Môi trường an ninh ở biên giới đất liền Tây Bắc và Tây Nam thuận lợi nhất kể từ khi thành lập nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nếu không muốn nói là trong lịch sử. Điều này đã tạo ra một thời kỳ chiến lược tương đối thuận lợi để Trung Quốc tập trung phát triển sức mạnh biển. Nhưng các nhà bình luận Trung Quốc nghi ngờ rằng sức mạnh hàng hải đang trỗi dậy của Trung Quốc vẫn có thể kích hoạt các phản ứng địa chính trị đối kháng.
Ví dụ, giáo sư Ngô Chính Vũ của Đại học Nhân dân cảnh báo rằng việc phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc có thể kích thích sự phản kháng lớn của Mỹ, cường quốc hải quân hàng đầu và các nước láng giềng của Trung Quốc trên bộ và trên biển. Ông lo ngại rằng “áp lực kép” như vậy có thể làm lùi bước trỗi dậy của Trung Quốc, giống như những gánh nặng tương tự đã làm lệch hướng tham vọng của các cường quốc hỗn hợp đất-biển khác trong quá khứ. Để giảm bớt căng thẳng tiềm tàng đó, một số học giả đã đề xuất phát triển “sức mạnh biển hạn chế” để trấn an Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc rằng Bắc Kinh không nuôi dưỡng tham vọng đối trọng. Mặc dù không nói rõ sức mạnh biển đó sẽ như thế nào về cơ cấu lực lượng và khả năng, họ kêu gọi xây dựng một lực lượng hải quân thể hiện rõ rằng Trung Quốc không muốn tranh đoạt quyền bá chủ toàn cầu.
Ông Ngô lập luận rằng một phiên bản hải quân Trung Quốc được thiết kế để bảo vệ cộng đồng toàn cầu và thực thi các sứ mệnh “cảnh sát quốc tế” có thể thuyết phục Mỹ về mục đích tốt đẹp của Trung Quốc. Vẫn có những người khác tin rằng chính sách tốt nhất của Trung Quốc trước thách thức “lưỡng đầu thọ địch” là đảm bảo mối quan hệ thân thiện với Nga, cho đến nay là quốc gia quyền lực nhất tiếp giáp với Trung Quốc. Trịnh Nghĩa Vĩ cho rằng: Trong quá trình xây dựng “cường quốc hàng hải” của Trung Quốc, nước này cần đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp và ổn định lâu dài với Nga, cường quốc láng giềng mạnh nhất. Trong khi Trung Quốc có nhiều nước láng giềng trên bộ, chỉ có Nga là có khả năng thực sự đe dọa Trung Quốc. Chừng nào Trung Quốc kiên quyết cam kết với nước láng giềng mạnh nhất trên bộ, thì Trung Quốc có thể tránh được tình huống xấu nhất trong môi trường an ninh địa chính trị, vốn đang bị sức ép từ cả hai phía trên bộ và trên biển.
Trịnh nhận xét rằng sự thành công của chiến lược hàng hải Trung Quốc - nhằm tạo ra cường quốc biển mạnh nhất ở Đông Á - gắn bó mật thiết với hậu phương chiến lược trên bộ. Bắc Kinh có thể giảm thiểu chi phí cơ hội cho việc hướng ra biển bằng cách giữ cho quan hệ với Nga luôn vững chắc. Trên thực tế, Nga đóng vai trò lớn trong việc chống lại “áp lực an ninh mà Mỹ có thể ép Trung Quốc phải gánh chịu từ phía biển.