Chiến lược ESG 'thực chiến' cho doanh nghiệp Việt: Học hỏi từ các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc
Trong bối cảnh ESG không còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu sống còn, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang đứng trước tình thế 'biết' nhưng chưa 'làm được' ESG…

ESG không chỉ là khái niệm, mà là hệ thống đánh giá quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Bà Yeonjoo Lee, Giám đốc Viện Hợp tác Quốc tế & Giáo dục Toàn cầu, Trường Đại học Ulsan (UCU), cho biết ESG đang dần trở thành tiêu chuẩn quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp, không chỉ ở Hàn Quốc mà cả trên toàn cầu.
“Ở Hàn Quốc hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã triển khai ESG từ rất sớm, bởi đây là yêu cầu bắt buộc để tồn tại và phát triển. Chính phủ Hàn Quốc cũng có những chính sách và quy định rất nghiêm ngặt liên quan đến ESG”, bà Yeonjoo Lee nói.
“Nếu doanh nghiệp không tuân thủ, họ sẽ không thể tiếp cận thị trường, không thể ký được hợp đồng, và thậm chí sẽ bị xử phạt hoặc mất uy tín trên thị trường quốc tế. Vì vậy, ESG ở Hàn Quốc không còn là lựa chọn nữa mà là điều bắt buộc”.
KHÔNG CHỈ LÀ “VÀI BÁO CÁO HÌNH THỨC”, ESG CẦN TÍCH HỢP VÀO CHIẾN LƯỢC KINH DOANH TỔNG THỂ
Chia sẻ về kinh nghiệm thực thi ESG, bà Yeonjoo Lee cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất chính là nhận thức. Nếu doanh nghiệp không thực sự hiểu rõ ESG là gì, không hiểu cách vận hành nó, thì rất dễ thất bại trong triển khai.
“ESG không chỉ là vài báo cáo hình thức mà cần được phân chia rõ ràng, phân cấp cụ thể và tích hợp vào chiến lược kinh doanh tổng thể”, bà Yeonjoo Lee nói. “Nếu không làm đúng, doanh nghiệp không những không đạt được lợi ích từ ESG mà còn có thể chịu tổn thất về mặt tài chính, hình ảnh và khả năng cạnh tranh”.
Trong khi đó, tại Việt Nam, bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc điều hành VIETSTAR, cho biết một thực tế khá phổ biến tại Việt Nam, đó là khi nhắc đến ESG, hầu như các doanh nghiệp đều nói là "biết”.
Tuy nhiên, khi đi sâu hơn và đặt những câu hỏi cụ thể như: “Chiến lược ESG của doanh nghiệp là gì?”, “Làm thế nào để tích hợp ESG với chiến lược tổng thể?”, “Những sáng kiến ESG nào nên được ưu tiên và phù hợp với nguồn lực hiện tại?”, “Làm sao để đo lường hiệu quả của từng sáng kiến?”, hay “Làm sao quản trị, liên thông và tích hợp ESG vào vận hành hiện tại?”, các doanh nghiệp lại chưa có câu trả lời rõ ràng.
Theo bà Hằng, từ “biết” đến “làm được” là cả một hành trình dài, và hành trình đó đòi hỏi không chỉ kiến thức lý thuyết mà còn cần sự dẫn dắt từ những mô hình thành công, những bài học thực tiễn cụ thể. “Tôi còn nhớ, vào thời điểm bắt đầu nói về phát triển bền vững, phần lớn doanh nghiệp cho rằng đó là “chuyện của hàng xóm”, không liên quan đến mình. Nhưng chỉ thời gian sau, quan điểm đó đã thay đổi: doanh nghiệp bắt đầu hiểu rằng đó là “chuyện của chính mình”.
Hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp Việt đã ngày càng quan tâm hơn đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần những giải pháp cụ thể, có thể triển khai ngay trong bối cảnh riêng của mình.

Việt Nam nên áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển chiến lược ESG phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. Ảnh minh họa
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, Giáo sư Sung Hag Yong, Cố vấn Ban Giám đốc, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cho rằng Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, trong khi Hàn Quốc đã là nước phát triển.
“Ở các quốc gia phát triển, họ đã phát thải rất nhiều khí carbon trong quá trình công nghiệp hóa trước đây”, ông nói. “Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của phát triển kinh tế. Yêu cầu về kinh tế xanh, phát triển bền vững đang ngày càng mạnh mẽ, do đó Việt Nam cần có chiến lược phù hợp để vừa phát triển, vừa ứng phó với áp lực tăng trưởng xanh”.
TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ TẠI DOANH NGHIỆP HÀNG ĐẦU ĐỂ CÓ TƯ DUY THỰC CHIẾN VỀ ESG
Theo Giáo sư Sung Hag Yong, ESG là một công cụ đo lường mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp. Với ba trụ cột: môi trường (Environmental), xã hội (Social), và quản trị (Governance), ESG không chỉ là khái niệm, mà là hệ thống đánh giá quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
“Chiến lược thực thi ESG chính là cách doanh nghiệp lựa chọn và tập trung nguồn lực để đạt được mục tiêu trong điều kiện nguồn lực hạn chế”, Giáo sư Sung Hag Yong nói. Đối với Việt Nam, ông khuyến nghị “nên áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển chiến lược ESG phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước”.
Hàn Quốc là quốc gia đi trước Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, vì thế có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn, cả thành công lẫn thất bại. Việc chia sẻ kinh nghiệm thông qua các hội thảo, hội nghị, đào tạo và nền tảng hợp tác quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam rút ngắn được thời gian học hỏi và tránh đi vào vết xe đổ.
“Hiện nay, có rất nhiều công nghệ mới đang nổi lên như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và học máy (Machine Learning). Các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi cách các nước phát triển như Hàn Quốc hay châu Âu ứng dụng những công nghệ này. Ví dụ như công ty SK – nơi tôi từng làm việc – họ sử dụng AI trong quản trị, dự báo, quản lý môi trường, đo lường phát thải và áp dụng các giải pháp thu giữ, tái sử dụng carbon một cách thông minh”.
Theo Giáo sư Sung Hag Yong, doanh nghiệp Việt không nhất thiết phải tự phát triển công nghệ mà có thể mua hoặc áp dụng các công nghệ sẵn có. “Nhưng điều đầu tiên là phải hiểu về ESG, phải học về thực hành ESG”, ông nói.
“Tôi khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đi khảo sát, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp hàng đầu, cách các doanh nghiệp triển khai thành công trong môi trường kinh doanh hiện đại, học hỏi từ các nước phát triển về cách xây dựng chiến lược, đặc biệt là tư duy thực chiến và thực hành tốt nhất. Từ đó, doanh nghiệp Việt có thể áp dụng được ngay những mô hình và giải pháp bền vững vào thực tế tại doanh nghiệp của mình”.
Chia sẻ tại sự kiện ký kết hợp tác chiến lược của VIETSTAR và Trường Đại học Ulsan (UCU), ra mắt chương trình "Lãnh đạo và Chiến lược Bền vững: Tư duy thực chiến” ngày 21/4, bà Yeonjoo Lee cho biết tại Hàn Quốc, các trường đại học thường phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và triển khai các dự án ESG thực tế.
“Việc học hỏi lẫn nhau giữa các bên trong quá trình thực hiện là điều vô cùng quan trọng”, bà Yeonjoo Lee nói. “Hàn Quốc là quốc gia đi trước Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, vì thế có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn, cả thành công lẫn thất bại. Việc chia sẻ kinh nghiệm thông qua các hội thảo, hội nghị, đào tạo và nền tảng hợp tác quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam rút ngắn được thời gian học hỏi và tránh đi vào vết xe đổ”.
Chính nhờ sự cộng hưởng giữa chính sách quốc gia, năng lực của trường đại học và thực tiễn doanh nghiệp mà Hàn Quốc có thể triển khai ESG một cách bài bản. Đây chính là mô hình mà Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi để xây dựng chương trình ESG phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển bền vững của mình, theo bà Yeonjoo Lee.