Chiến lược giành ảnh hưởng của Trung Quốc tại lục địa đen
Khi Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham đến thăm Ethiopia, Uganda, Kenya và Tanzania vào tháng 1-1991, ông đã khởi động một 'xu hướng không thể ngăn cản' - theo cách gọi của truyền thông Trung Quốc.
Kể từ đó, các Ngoại trưởng Trung Quốc đều chọn châu Phi làm chuyến công du nước ngoài đầu tiên mỗi năm. “Truyền thống” này đã được duy trì 34 năm liên tiếp và ngay tháng trước, nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị đã đến thăm Ai Cập, Tunisia, Togo và Bờ Biển Ngà trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm. Các nhà quan sát coi việc bảo tồn truyền thống hàng thập kỷ này là một công cụ ngoại giao và là cách Trung Quốc thể hiện rằng, châu Phi luôn đứng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao của họ. Tuy nhiên, sự tham gia của Trung Quốc với khu vực châu Phi không phải lúc nào cũng như ban đầu. Các nhà phân tích cho rằng, họ đã chuyển từ tập trung vào thương mại sang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của khu vực châu Phi trong hơn 1 thập kỷ, dữ liệu hải quan năm 2023 cho thấy tổng thương mại đạt 282 tỷ USD. Bắc Kinh đã chi trả cho các dự án lớn ở châu Phi với hầu hết các nước trong khu vực đều tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường, cơ sở hạ tầng hàng đầu của nước này. Về mặt an ninh, Trung Quốc ngày càng tham gia nhiều hơn vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, chống cướp biển và các biện pháp khác nhờ đầu tư rộng rãi vào khu vực. Nước này cũng tìm cách mở rộng ảnh hưởng quân sự. Năm 2017, Trung Quốc mở căn cứ hải quân nước ngoài đầu tiên ở Djibouti và tiến hành các cuộc tập trận với nhiều quốc gia châu Phi kể từ đó.
Bà Lina Benabdallah - Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Wake Forest ở Bắc Carolina (Mỹ) nhận định, một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất là “điều này đã tạo nên một câu chuyện về sự ổn định và liên tục ưu tiên quan hệ Trung Quốc - châu Phi”. Tương tự, ông Alessandro Arduino - giảng viên của Viện Lau China thuộc Học viện Hoàng gia London cho rằng, châu Phi “đã và vẫn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các tương tác của Trung Quốc với lục địa này trước đây “có trọng tâm về ý thức hệ hơn”. Giờ đây, cách tiếp cận của họ là “sự pha trộn chiến lược giữa chủ nghĩa thực dụng địa kinh tế và tham vọng dẫn đầu ở Nam bán cầu”. Theo ông Arduino, Trung Quốc tự coi mình là nước lớn trong khối các nước đang phát triển, có vai trò lãnh đạo của các nước ở Nam bán cầu đang phát triển giống họ.
Bà Mandira Bagwandeen - giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Stellenbosch (Nam Phi) đánh giá, mối quan hệ của Trung Quốc với “lục địa đen” đã phát triển thành “mối quan hệ nhiều mặt và năng động” kể từ năm 1991. Mối quan hệ ban đầu được xây dựng dựa trên việc đảm bảo và duy trì một liên minh chính trị ở thời điểm Trung Quốc bị hầu hết cộng đồng quốc tế xa lánh. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế đã phát triển ngày càng mạnh mẽ trong những năm qua. “Châu Phi không chỉ là nhà cung cấp tài nguyên đơn giản cho Trung Quốc mà còn là khu vực có tầm quan trọng chiến lược” - bà Bagwandeen nói. Bà cho biết, việc nâng cấp quan hệ với châu Phi lên “đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2015 cho thấy mong muốn của Bắc Kinh tăng cường quan hệ với khu vực trên mọi mặt, từ chính trị, kinh tế đến an ninh.
Đáng nói, hầu hết các chuyến đi của Ngoại trưởng Trung Quốc trước đây đều có sự cân bằng về mặt địa lý trên cả châu lục. Nhưng trong những năm gần đây, họ dường như chú trọng nhiều hơn đến Tây Phi, thể hiện rõ trong chuyến thăm của ông Vương Nghị đến Togo và Bờ Biển Ngà vào tháng trước. Ưu tiên của Trung Quốc đối với Tây Phi có thể liên quan đến việc phát triển Sáng kiến Vành đai và Con đường, theo đó Bắc Kinh đã cam kết thực hiện các dự án cảng trong khu vực. Nhưng trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng với người Pháp trong khu vực, đây là cơ hội để Trung Quốc tăng cường quan hệ, giành thêm ảnh hưởng và mở rộng cách tiếp cận an ninh - phát triển của mình.
Mặc dù mức độ nhu cầu của Trung Quốc có thể thay đổi một chút, nhưng bà Benabdallah cho rằng khó có khả năng Bắc Kinh sẽ rời bỏ châu Phi - đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt với Washington và châu Âu về ảnh hưởng ở châu Phi. “Tôi không nghĩ chúng ta sẽ thấy truyền thống này sớm biến mất vì phía Trung Quốc nhận ra rằng họ được các quốc gia châu Phi đánh giá rất cao. Như vậy, những chuyến thăm này là một tài sản quan trọng trong hộp công cụ ngoại giao trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở châu Phi”.
Theo SCMP