Chiến lược giao dịch theo đà tăng sẽ có nhiều sự lựa chọn

VN-Index tạm thời cắt được mạch giảm. Nếu không có thông tin xấu bất ngờ thì khả năng cao là thị trường đạt trạng thái cân bằng và đi lên.

Tuần qua là một tuần có nhiều cảm xúc với các nhà giao dịch, sợ hãi - hoảng loạn vào các phiên đầu tuần và bùng nổ - thăng hoa vào các phiên cuối tuần. Tính chung, VN-Index tăng 1,5%, tạm thời cắt được mạch giảm, nhưng bối cảnh thị trường hiện tại vẫn còn một số điểm đáng quan ngại.

Thứ nhất, dòng tiền mua bắt đáy khá yếu, ở một vài thời điểm có lực tranh mua quyết liệt, nhưng về tổng thể là không duy trì liên tục trong phiên và từ phiên này qua phiên khác. Khối lượng khớp lệnh trên HOSE trong cả tuần chỉ hơn 3 tỷ cổ phiếu, trong khi mức đỉnh cao trước đó là hơn 5 tỷ cổ phiếu. Chỉ trong hơn 1 tháng mà dòng tiền giảm nhanh, nên kể cả khi VN-Index đã giảm sâu thì cũng khó có thể kích thích “lòng tham” trở lại.

Thứ hai, quán tính rơi của thị trường chưa có dấu hiệu thu hẹp, tính từ mức đỉnh ngắn hạn 1.250 điểm đến mức đáy ngắn hạn 1.020 điểm thì VN-Index có 2 nhịp rơi lớn và mỗi nhịp rơi đều mất 140 điểm, rõ ràng là chưa có tín hiệu của sự phân kỳ về mặt quán tính.

Điểm tích cực nhất có lẽ là VN-Index hồi mạnh 3% từ vùng hỗ trợ, có thể giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn và phần nào thể hiện lực bán trên thị trường đã giảm đi đáng kể. Ai bán thì cũng đã bán và những pha giải chấp (force sell) liên tục trong tuần qua có thể là cú “chốt sổ’’ của vấn đề tỷ lệ dư nợ giao dịch ký (margin) trên vốn hóa cao trong suốt thời gian qua.

Phiên VN-Index bật tăng ngày 2/11/2023 có nhiều nét tương đồng với phiên 31/10/2018 như: tăng mở Gap-up xấp xỉ 3%, nhịp giảm 15% so với đỉnh, gặp hỗ trợ mạnh, khối lượng giao dịch thấp hơn trung bình 3 tháng… Kịch bản dễ xảy ra sau đó là VN-Index sẽ có nhịp retest (kiểm tra lại) mức cao hoặc thấp hơn đáy ngắn hạn cũ +/- 2%, trước khi mở ra sóng tăng mới. Nhìn chung, thị trường đang vận động tốt dần lên, nhưng rất khó có kịch bản bật hồi theo hình chữ V.

Về tổng thể, thị trường đang vận động trong pha Sideway (đi ngang) với biên độ từ 1.000 - 1.020 điểm đến 1.200 - 1.250 điểm. Nếu không có thông tin xấu bất ngờ thì khả năng thị trường đạt trạng thái cân bằng và đi lên là khá cao. Vào lúc này, việc chọn cổ phiếu cụ thể quan trọng hơn việc đoán kịch bản đáy VN-Index, vì một khi thị trường có dấu hiệu đạt được trạng thái cân bằng thì sự phân hóa sẽ xuất hiện.

Trong thị trường Sideway, chiến lược Swing trong biên độ (Sideway Trade) và chiến lược Momentum (Đà tăng) sẽ phát huy hiệu quả cao nhất. Cũng cần phải nói thêm là thống kê các cổ phiếu trên HOSE thì có gần 50% cổ phiếu nằm trên đường trung bình 200 ngày. Nhìn chung, chiến lược giao dịch theo đà tăng sẽ có nhiều sự lựa chọn.

Trên thị trường phái sinh, chiều mua (Long) sẽ có rủi ro thấp hơn so với chiều bán (Short), thậm chí là dư địa cho phe Long nhiều hơn. Vùng canh Long cần theo dõi kỹ là khu vực 1.040 - 1.060 điểm trên hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng.

Bài viết được cung cấp bởi công ty cổ phần chứng khoán DSC

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chien-luoc-giao-dich-theo-da-tang-se-co-nhieu-su-lua-chon-post333230.html