Chiến lược 'Không COVID-19' của Trung Quốc: Tâm lý dè chừng tăng, triển vọng kinh tế giảm

Biến thể Delta lây ra hơn một nửa tỉnh thành trên cả nước khiến triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bị phủ bóng đen, cùng với đó là tâm lý lo lắng gia tăng.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 12/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 12/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chiến lược “không COVID-19” với trọng tâm diệt trừ tận gốc, không để tồn tại ca mắc nào đang đặt hàng triệu người dân Trung Quốc nằm trong diện phong tỏa hoặc hạn chế đi lại. Nếu kéo dài thời hạn áp dụng sang tháng 9 hoặc tháng 10, những biện pháp hạn chế mà chính quyền đang áp dụng sẽ gây ra các hệ lụy kinh tế lớn, nhất là trong các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, tiêu dùng nội địa.

“Một cửa sổ nhìn ra thế giới” (Window of the World) là một công viên nổi tiếng ở Thâm Quyến. Tại đây trưng bày nhiều phiên bản thu nhỏ danh lam, thắng cảnh toàn cầu, như Tháp Eiffel, vòng tròn đá Stonehenge hay Nhà hat Opera Sydney. Thực tại đang diễn ra ở công viên này có thể xem là điển hình về những hậu quả không mong muốn đến từ biện pháp hạn chế chống dịch.

Công viên thu hút khoảng 4 triệu du khách trong năm 2019, tức trung bình mỗi ngày trên 10.000 người. Nhưng hiện nay, khu vực này hoàn toàn vắng khách. “Giờ chỉ có khoảng 400 khách/ngày. Ngày càng ít người lui tới công viên vì do biện pháp hạn chế chống dịch”, một nhân viên bán vé tại công việ cho biết.

Những quy định hạn chế ở Thâm Quyến được áp dụng tại thời điểm thành phố không có lây nhiễm cộng đồng, với lần cuối cùng phát hiện ra ca nhiễm COVID-19 là cuối tháng 6. Thâm Quyến không thuộc vùng dịch, cũng không liên hệ trực tiếp hoặc là nằm sát một vùng dịch nào. Giới chức chính quyền cũng yêu cầu người dân không rời khỏi thành phố nếu không cần thiết, khiến nhiều người phải hủy kế hoạch đi nghỉ, đi du lịch.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Zhou Mingqi, nhà sáng lập công ty tư vấn du lịch Jingjian Consulting tại Thượng Hải, cho biết đã xuất hiện xu hướng hủy chuyến ồ ạt và điều này ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch mới phục hồi trở lại một thời gian ngắn. Theo Zhou, tình hình có thể còn kéo dài sang tháng 9, thậm chí lâu hơn, bởi chưa biết khi nào dịch bệnh mới hết hẳn. Có thể phải mất thêm hai tháng nữa để kiểm soát được các ổ dịch.

Xu hướng siết chặt biện pháp hạn chế chủ yếu đến từ các địa phương, với mục tiêu là muốn giữ an toàn ở mức cao nhất có thể. Ở những khu vực này, giới chức chính quyền muốn tránh kết cục không tốt về bị khiển trách, xử lý kỷ luật do bị quy buông lỏng quản lý dịch bệnh.

Kể từ khi dịch bùng phát trở lại, khởi điểm là ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô hôm 20/7, đã có hàng chục quan chức cấp tỉnh và địa phương bị kỉ luật, cảnh cáo vì để dịch bệnh lây lan. Nỗi lo sợ kiểu này của giới chức địa phương đã chuyển từ các thành phố tới khu vực nông thôn. Đã có xuất hiện nhiều câu chuyện về việc nhiều thị trấn, thị tứ vẫn ra quyết định đóng cửa nhà hàng, quán ăn dù không có ca nhiễm nào ở địa phương.

Lây lan dịch bệnh cùng với triển khai biện pháp hạn chế đã khiến một loạt các định chế, tổ chức tài chính lớn như Morgan Stanley, JPMorgan hay Goldman Sachs trong tuần này cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, với những dữ liệu không khả quan về xuất khẩu hay chỉ số giá hàng hóa giao tại cổng nhà máy (FGP). Mức cắt giảm tăng trưởng GDP cho cả năm 2021 dao động từ 0,3-0,5% so với các dự báo được công bố trước đó.

Zhu Ning, Phó Hiệu trưởng Học viện Tài chính cao cấp Thượng Hải (SAIF), cũng nhận định GDP của Trung Quốc sẽ giảm 0,3-0,4% trong năm nay so với kỳ dự báo trước. Suy giảm này chủ yếu là do đứt gãy từ ngành du lịch, giải trí, dịch vụ và tổng tiêu dùng nội địa trong kỳ mùa hè khác thường này, dưới yếu tố tác động của COVID-19. Nếu dịch bệnh kéo dài sang tháng 10, tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn.

Theo ông Zhu, nhìn về dài hạn, Trung Quốc cần đánh giá lại phương pháp chống dịch “không COVID-19”, bởi không có gì bảo đảm ổ dịch mới sẽ không xuất hiện trở lại. “Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta ứng xử như thế nào với COVID-19. Nếu xác định là phải đối mặt với dịch bệnh lâu hơn, thậm chí là cả quãng thời gian còn lại của thập kỉ này, chúng ta cần tìm ra cách tiếp cận phù hợp hơn về kiểm soát hoặc sống chung với COVID-19. Đó là câu hỏi dành cho chính phủ Trung Quốc”, ông Zhu nói.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (aljazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chien-luoc-khong-covid19-cua-trung-quoc-tam-ly-de-chung-tang-trien-vong-kinh-te-giam-20210813165626369.htm