Chiến lược kinh tế mới của Thái Lan: Hướng tới phát triển xanh và bền vững

Giữa 'cơn bão' lạm phát cùng hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine, nền kinh tế Thái Lan vẫn được đánh giá có nhiều dấu hiệu tích cực trong đó, dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cuối năm 2022 vào khoảng 3%-3,5%. Tuy nhiên, một số rủi ro liên quan tới lãi suất tăng và nợ công đòi hỏi quốc gia Đông Nam Á này triển khai những chiến lược kinh tế phù hợp, trong đó chú trọng phát triển xanh và bền vững.

Lượng khách du lịch quay trở lại giúp kinh tế Thái Lan phục hồi đáng kể.

Theo đánh giá của Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan (NESDC), việc mở rộng chi tiêu tiêu dùng khu vực tư nhân và xuất khẩu dịch vụ cũng như sự phục hồi của ngành du lịch sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, đã cho phép các hoạt động kinh tế và chi tiêu trở lại mức bình thường. GDP của Thái Lan trong quý II đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 2,3% quý trước đó, giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng 2,4% trong 6 tháng đầu năm.

Đánh giá sơ bộ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, nền kinh tế Thái Lan đang tiếp tục hồi phục từ đại dịch Covid-19 với sự hỗ trợ của gói chính sách toàn diện và chương trình tiêm vắc xin Covid-19 được đẩy nhanh. Bên cạnh đó, tương tự các quốc gia phụ thuộc vào du lịch, Thái Lan đang được hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu đi lại toàn cầu sau khi các nước nới lỏng quy định phòng dịch nghiêm ngặt trước đó. Chiến lược thúc đẩy du lịch có tên gọi “SMILE” của Thái Lan được triển khai từ tháng 6 đang thực sự phát huy hiệu quả. Chiến lược “SMILE” với các chữ cái mang thông điệp về sự bền vững về mọi khía cạnh; nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động du lịch lên tiêu chuẩn quốc tế; bảo đảm tất cả các khu vực kinh tế đều được đưa vào ngành du lịch; thúc đẩy tính độc đáo của các cộng đồng như là điểm thu hút khách du lịch; thúc đẩy du lịch sinh thái và môi trường địa phương. Với chiến lược này, Chính phủ Thái Lan muốn nâng mức đóng góp của ngành du lịch cho GDP từ mức 20% trước đại dịch Covid-19 lên 30% vào năm 2030. Trước đó, ngành Du lịch của Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Trong năm nay, cơ quan chức năng của Thái Lan cũng đã phê duyệt các hướng dẫn nhằm phát triển Hành lang sức khỏe Andaman (AWC) theo mô hình của ngành chăm sóc sức khỏe tiên tiến trên thế giới. Các mục tiêu của AWC là tăng cường khả năng cạnh tranh về du lịch y tế ở 4 tỉnh ven biển Andaman, gồm: Phuket, Krabi, Phang Nga và Ranong, mang lại sự phục hồi kinh tế, du lịch sau đại dịch Covid-19.

Mặc dù bức tranh kinh tế Thái Lan khá lạc quan, song không phải không có rủi ro. Hiện tại, để đối phó với lạm phát tăng cao, chính phủ mới đây đã phải nâng lãi suất lần thứ 2 liên tiếp lên mức 1%. Việc siết chặt dòng tiền sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Một cảnh báo khác là tổng nợ hộ gia đình ở nước này đã lên đến trên 14.600 tỷ baht (402 tỷ USD), chiếm hơn 90% tổng GDP. Điều đó sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm, đồng thời thúc đẩy cơ hội kinh doanh, Thái Lan đang hướng tới mô hình kinh tế mới Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG). Mô hình này bao phủ 4 khu vực kinh tế liên quan đến đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa của Thái Lan. Các ngành được ưu tiên tập trung phát triển gồm: Thực phẩm và nông nghiệp; y tế và sức khỏe; năng lượng, vật chất và hóa sinh; du lịch và nền kinh tế sáng tạo. Theo các nhà hoạch định chính sách, việc sử dụng khoa học, công nghệ và đổi mới, cũng như sự tham gia của tất cả các thành phần liên quan đến nền kinh tế BCG sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho tương lai bền vững của xứ Chùa Vàng.

Theo HNM

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/quoc-te/200365/chien-luoc-kinh-te-moi-cua-thai-lan-huong-toi-phat-trien-xanh-va-ben-vung