Chiến lược 'mưa dầm thấm lâu' thay đổi tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Lâm Đồng
Do chưa có nhận thức, hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn, những đứa trẻ ở lứa tuổi 15, 16 đã bỏ học, yêu sớm và có thai ngoài ý muốn.
Nữ đoàn viên thanh niên tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tới người dân xã Tân Thượng
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là tập tục lạc hậu lâu đời trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số và nguồn nhân lực.
Nhằm đẩy lùi thực trạng trên, tỉnh Lâm Đồng đã tích cực triển khai các hoạt động để thay đổi tập tục lạc hậu trong hôn nhân gia đình của đồng bào dân tộc.
Theo Ban Dân tộc, tỉnh Lâm Đồng có 1.296.906 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 333.561 người (25,72% dân số toàn tỉnh); có 03 dân tộc thiểu số gốc tỉnh Lâm Đồng, gồm các dân tộc Cơ Ho 175.531 người, Mạ 38.523 người, Churu 22.473 người (chiếm 70,8% dân số dân tộc thiểu số và 18,2% dân số toàn tỉnh).
Nhìn chung, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh chậm phát triển, kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, dịch vụ) đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống, sản xuất. Hộ nghèo 6.739 hộ (8,55% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh); hộ cận nghèo 8.211 hộ (10,41%).
Nhờ có những chính sách Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với hệ thống chính trị các cấp tích cực triển khai thực hiện nhiều cuộc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ phong tục, tập quán không còn phù hợp. Do vậy, đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số ngày càng khang trang.
Tuy nhiên, trong đời sống xã hội đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn tồn tại một số phong tục, tập quán không còn phù hợp, đó là tình trạng tảo hôn, hôn cận huyết thống. Cụ thể, đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số gốc tại địa phương (Cơ Ho, Mạ, Churu) vẫn đang duy trì chế độ hôn nhân "Mẫu hệ" và còn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết (hình thức chủ yếu là con bà cô lấy con ông cậu). Nguyên nhân chính dẫn đến xảy ra tình trạng trên, do từ quan điểm không muốn tài sản của gia đình mình, của dòng họ mình "rơi vào tay người khác, dòng họ khác".
Ngoài ra, cũng có tập tục phải có nhiều con, nhiều cháu nên xảy ra tình trạng tảo hôn. Đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh khác về sinh sống ở Lâm Đồng chủ yếu xảy ra tình trạng tảo hôn, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, là cần có người để lao động.
Chỉ tính riêng xã Tân Thượng (huyện Di Linh), năm 2022 đã có 6 cặp tảo hôn. Do chưa có nhận thức, hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn, những đứa trẻ ở lứa tuổi 15, 16 đã bỏ học, yêu sớm và có thai ngoài ý muốn.
Kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết không chỉ làm mất đi nhiều cơ hội để phát triển cuộc sống, mà còn ảnh hưởng chất lượng thế hệ sau. Khi không được đến trường lại phải quanh quẩn góc nhà, vừa chăm con, vừa làm rẫy thì những đứa trẻ không được nuôi dưỡng tốt, trẻ sinh ra mắc bệnh với tỷ lệ cao. Em mong rằng các bạn đang ở lứa tuổi học trò, sẽ không bị vướng vào vấn nạn này”.
Đoàn viên trẻ Ka Hinh (thôn 3, xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng)
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025", với ngân sách trên 1,6 tỷ đồng, tỉnh đã triển khai Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vùng dân tộc thiểu số", theo Quyết định số 992/QĐ-UBND ngày 29/5/2020 của tỉnh. Qua đó, tỉnh đã cho biên soạn và cấp phát tài liệu tuyên truyền, bao gồm: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, các luận cứ khoa học nói về hệ lụy của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; in ấn và cấp phát 81.000 tờ rơi; 1.120 sổ tay tuyên truyên viên; lắp đặt 29 pano tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại trung tâm 25 xã có nguy cơ tỷ lệ tảo hôn, nhân cận huyết thống cao. Tổ chức các hoạt động truyền thông với 1.960 cuộc; hoạt động tư vấn cũng được quan tâm thực hiện với 1.645 cuộc.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng kết hợp với VOV và Sở Y tế xây dựng phim phóng sự mang tựa "Nỗi buồn nơi buôn làng" bằng hai ngôn ngữ tiếng phổ thông và tiếng dân tộc Cơ Ho phản ánh hệ lụy của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số Cơ Ho, Churu, Mạ và H'Mông và in sao đĩa DVD cấp cho 451 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để làm phương tiện tuyên truyền với hình thức trực quan, sinh động.
Thông qua 138 mô hình, tại 64 xã và 04 trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp huyện, tỉnh đã tư vấn, tuyên truyền và vận động được 1.260 lượt người dân và học sinh về việc đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn cận huyết là rất khó khăn. Vì đây là thói quen, là phong tục tập quán của đồng bào từ nhiều thế hệ trước để lại. Không thể tuyên truyền, vận động trong một sớm, một chiều mà làm thay đổi nhận thức và hành vi của họ ngay được mà phải theo phương châm "mưa dầm thấm lâu".