Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh
TS. Bùi Văn Trịnh (Trường Đại học Cần Thơ); Nguyễn Thị Tầm (Trường Đại học Cửu Long)
TÓM TẮT:
Phân tích số liệu khảo sát 152 tác nhân tham gia chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh cho thấy, có 5 kênh thị trường chính, trong đó nông hộ bán dừa chủ yếu cho thương lái. Sản lượng dừa đi từ nông hộ qua các tác nhân và đến tay người tiêu dùng nội địa chiếm 80,80% tổng sản lượng dừa. Phân phối lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi hiện theo hướng có lợi cho người trồng và cơ sở chế biến.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm để cải thiện hiện trạng phân phối thu nhập này giữa các tác nhân theo hướng gia tăng lợi nhuận cho toàn chuỗi. Qua phân tích SWOT, nghiên cứu đề xuất được 8 nhóm hoạt động cần thực hiện để nâng cấp chuỗi giá trị dừa của tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.
Từ khóa: Chuỗi giá trị, dừa, nâng cấp, tỉnh Trà Vinh.
1. Đặt vấn đề
Theo Quyết định số 1476/QĐ-UBND tỉnh Trà Vinh ngày 20 tháng 07 năm 2018 về việc xây dựng Đề án phát triển cây dừa đến năm 2020 với mục tiêu mở rộng diện tích của tỉnh trên 22.000 ha năm 2020, với sản lượng trên 321.000 tấn/năm, đến năm 2025 diện tích dừa trên 25.000 ha, cho sản lượng trên 375.000 tấn/năm tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang và Thành phố Trà Vinh (UBND tỉnh Trà Vinh, 2018). Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm sản xuất từ dừa chưa mang lại giá trị kinh tế cao, còn là các sản phẩm thô, sơ chế, thiếu các sản phẩm tinh chế do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.
Kaplinsky và Morris (2001) cho rằng, để một chuỗi giá trị tồn tại thì tất cả những người tham gia trong chuỗi phải hoạt động để tạo ra giá trị tối đa trong toàn chuỗi. Một số kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm dừa cho thấy hầu hết còn tồn tại một số điểm yếu, như: hoạt động trong chuỗi còn nhiều khâu trung gian, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi, các doanh nghiệp chưa biết cách khai thác tốt thị trường hiện tại và thị trường tiềm ẩn (Nhâm Thị Bé Vinh, 2012).
Vì vậy, khi nâng cấp chuỗi giá trị dừa theo hướng tinh chế nhiều hơn sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao rất nhiều lần so với sản xuất các sản phẩm thô. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ dừa, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, đề ra những chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa ở Trà Vinh và nâng cao giá trị gia tăng cho từng khâu trong chuỗi. Xuất phát từ các vấn đề đặt ra, nghiên cứu “Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh” được thực hiện là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
2. Phương pháp nghiên cứu
Số liệu sơ cấp được thực hiện thông qua khảo sát trực tiếp các tác nhân tham gia chuỗi, bao gồm: Nông hộ (110), thương lái/vựa (10), cơ sở sơ chế (5), cơ sở chế biến (12) và bán lẻ (15). Mẫu được chọn bằng phương pháp hạn ngạch theo tiêu chí diện tích thu hoạch dừa để lựa chọn địa bàn khảo sát.
Cụ thể số liệu khảo sát chủ yếu tập trung ở 3 huyện có diện tích năm 2018 lớn nhất, gồm: Càng Long (6.352 ha), Tiểu Cần (3.130 ha) và Châu Thành (3.014 ha). Sau khi lựa chọn được địa bàn khảo sát, nghiên cứu áp dụng phương pháp phi xác suất (chọn mẫu thuận tiện) để thu thập thông tin nông hộ trồng dừa. Đối với những tác nhân còn lại trong chuỗi như thương lái, vựa, cơ sở chế biến, bán buôn/bán lẻ thì sử dụng phương pháp liên kết chuỗi của GTZ (2007).
Các phương pháp thống kê mô tả, hiệu quả kinh tế chuỗi và SWOT được sử dụng để phân tích tìm ra kết quả nghiên cứu, từ đó xây dựng các nhóm giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh.
3. Phân tích và thảo luận kết quả 3.1. Thực trạng ngành Dừa tỉnh Trà Vinh
Thực tế khảo sát cho thấy, đa phần vườn dừa hiện tại đều là dừa cổ được để lại từ gia đình, tiêu chuẩn chọn giống dừa chủ yếu dựa vào năng suất dừa cho trái nhiều, trái to, đẹp, tròn, nhiều nước, vỏ mỏng, đít tròn và gáo lớn. Đặc biệt đối với giống dừa ở Trà Vinh, đa phần được nông hộ tự ươm từ những cây dừa có chất lượng tốt tại vườn, cụ thể nông hộ tự ươm giống chiếm 89,52% và mua ở địa phương là 16,19%.
Hiện tại, ở Trà Vinh, giống dừa ta khá phổ biến, chiếm khoảng 76%, còn lại là giống dừa dâu và dừa xiêm với tỷ lệ lần lượt là 13% và 9%. Nguyên nhân giống dừa ta được ưa chuộng là do dễ trồng, dễ chăm sóc và cho nhiều trái, trái to, cơm dầy, nhưng nước không ngọt bằng các giống dừa dâu, dừa xiêm.
Việc tiêu thụ sản phẩm dừa chủ yếu thông qua các thương lái thu mua tại vườn, sản phẩm được tiêu thụ trong nội địa và xuất khẩu nguyên trái sang Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia. Hiện, Tỉnh có Công ty Cổ phần Trà Bắc là công ty duy nhất sản xuất than hoạt tính. Thị trường đầu ra của dừa ở Trà Vinh chủ yếu bán cho thương lái, chiếm 98%. Hai đối tượng còn lại là bán lẻ và cơ sở chế biến chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Kết quả của nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu của Trần Tiến Khai (2011), phần lớn nông dân bán dừa trái cho thương lái trong ấp, hoặc thương lái trong xã (chiếm 78,1% đến 83,6% số hộ). So với tỉnh Bến Tre, sự phát triển của ngành hàng Dừa của tỉnh Trà Vinh còn đơn điệu, cụ thể là lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ cơm dừa và nước dừa chưa phát triển và chưa đa dạng, do Bến Tre có thế mạnh phát triển của ngành Chế biến bánh kẹo, cũng như có sự tham gia của nhiều công ty chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ dừa.
3.2. Sơ đồ chuỗi giá trị và kênh thị trường dừa tỉnh Trà Vinh
Chuỗi giá trị dừa Trà Vinh hình thành dựa trên sự gắn kết giữa các nhóm tác nhân có chức năng sản xuất trực tiếp, bao gồm: người trồng, thương nhân và các cơ sở sơ chế, cơ sở chế biến. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các tác nhân có chức năng hỗ trợ, cung cấp các hàng hóa đầu vào, dịch vụ khoa học công nghệ, thông tin thị trường và tổ chức sản xuất như cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại, hệ thống ngân hàng, hệ thống cơ quan quản lý và dịch vụ nông nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ và hiệp hội ngành hàng.
Hình 1: Sơ đồ chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh
Nhìn chung, chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh được vận hành qua 5 kênh thị trường chính vận chuyển khối lượng lớn dừa và tạo ra GTGT cho toàn chuỗi. Trong đó, kênh 3, 4 với kênh 5 chủ yếu vận chuyển dừa tươi ra thị trường nội địa, còn kênh 1, 2, chủ yếu là dừa khô.
Kênh 1: (Nông hộ => Bán lẻ => Tiêu dùng). Đây là kênh phân phối đơn giản nhất, chủ yếu bán dừa tươi, nông hộ bán 1,25% lượng dừa tươi cho những hộ bán lẻ, bán lẻ sẽ phân phối đến tay người tiêu dùng.
Kênh 2: (Nông hộ => Thương lái => Cơ sở sơ chế => Cơ sở chế biến => Bán lẻ). Theo số liệu điều tra, có 98,20% sản lượng dừa được nông hộ bán cho thương lái. Sau đó, thương lái tiếp tục bán 14,05 cho cơ sở sơ chế, sau khi sơ chế, cơ sở sơ chế bán lại cho cơ sở chế biến. Cơ sở chế biến thành các sản phẩm khác nhau và phân phối đến bán lẻ để bán cho người tiêu dùng. Đây chính là kênh chủ yếu phân phối các sản phẩm từ dừa đến người tiêu dùng nội địa.
Kênh 3: (Nông hộ => Thương lái => Cơ sở sơ chế => Cơ sở chế biến => Xuất khẩu). Sản lượng phân phối cho kênh này khá ít, thương lái bán 14,05% cho cơ sở sơ chế và cơ sở sơ chế bán 11,99% cho cơ sở chế biến thành các sản phẩm và đem xuất khẩu 21,82%.
Kênh 4: (Nông hộ => Thương lái => Cơ sở chế biến => Bán lẻ). So với kênh 2, kênh 4 đã rút ngắn được một khâu trung gian, bỏ qua tác nhân cơ sở sơ chế. Trong kênh này, sau khi mua dừa từ nông hộ, thương lái bán 80,35% lượng dừa cho cơ sở chế biến, sau khi chế biến thành phẩm, cơ sở chế biến phân phối 71,43% cho bán lẻ để bán đến tay người tiêu dùng.
Kênh 5: (Nông hộ => Cơ sở sơ chế => Cơ sở chế biến => Xuất khẩu). So với kênh 3, kênh 5 đã rút ngắn được một khâu trung gian, bỏ qua tác nhân thương lái. Trong kênh này, nông hộ bán trực tiếp cho cơ sở sơ chế (0,55%), sau khi sơ chế bán lại cho cơ sở chế biến và xuất khẩu.
3.3. Phân tích hiệu quả kinh tế chuỗi ngành hàng Dừa Trà Vinh 3.3.1. Phân tích hiệu quả kinh tế của các tác nhân trong các kênh thị trường
Dựa vào Bảng 1, giá trị gia tăng (GTGT) và giá trị gia tăng thuần (GTGTT) của các tác nhân trong các kênh thị trường chính được mô tả như sau:
Nông hộ: Nông hộ là tác nhân giữ vai trò sản xuất, là người tạo ra GTGT đầu tiên cho trái dừa trong chuỗi giá trị. GTGT nông hộ tạo ra ở mỗi kênh thị trường cũng khá cao, dao động từ 2,822 triệu đồng đến 4,714 triệu đồng/thiên. Kênh 5 là kênh nông hộ bán trực tiếp cho cơ sở sơ chế. Kênh nông hộ tạo ra GTGT cao nhất,đạt 4,714 triệu đồng/thiên, do ở kênh này rút ngắn được khâu trung gian thương lái thường mua của nông hộ rồi bán lại cho cơ sở sơ chế.
Ở kênh 1, 2 và 4, nông hộ nhận được GTGT thấp nhất, vì các nông hộ này bán dừa cho thương lái và bị thương lái ép giá, đa phần các thương lái này là những người hàng xóm nên nông hộ mua bán dừa dựa trên tình làng xóm. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nông hộ có giao thông khó khăn, gây khó khăn cho việc vận chuyển dừa, hoặc họ gieo trồng với diện tích nhỏ, không tập trung nên giá bán không được cao.
Thương lái: Là tác nhân đưa trái dừa khô đến nhiều thị trường và phân phối cho nhiều tác nhân tiếp theo trong chuỗi. Độ rộng GTGT mà thương lái tạo ra ở các kênh thị trường là 1,331 triệu đồng - 2,053 triệu đồng/thiên, tương ứng với GTGTT mà thương lái nhận về là từ 566 ngàn đồng - 1,288 triệu đồng/thiên. Tính trên đơn vị 1 thiên dừa khô, kênh 3 là kênh thương lái tạo ra GTGT cao nhất trong tất cả các kênh với giá trị là 2,053 triệu đồng/thiên và lợi nhuận nhận được là 1,288 triệu đồng/thiên.
Do ở kênh này, thương lái thu mua của nông hộ rồi đem bán trực tiếp dừa nguyên trái lại cho tác nhân bán lẻ để tiêu thụ đến tay người tiêu dùng, giảm được rất nhiều khâu trung gian nên lợi nhuận nhận được cũng cao nhất. Trong khi đó, ở kênh 1 cũng là kênh chính trong chuỗi giá trị dừa Trà Vinh, thương lái chỉ tạo ra GTGT là 1,331 triệu đồng/thiên và thu được lợi nhuận chỉ 566 ngàn đồng/thiên, chiếm tỷ lệ ít nhất trong kênh do kênh 1 các sản phẩm phân phối qua nhiều khâu trung gian.
Bảng 1. Hiệu quả kinh tế của các tác nhân trong các kênh thị trường chính
ĐVT: 1.000 đồng
Nguồn: Số liệu khảo sát, 2019. Ghi chú: Sản lượng được tính cho 1 thiên dừa (1.200 trái)
Cơ sở sơ chế: Tác nhân này chỉ xuất hiện ở 2 kênh 1 và 5, GTGT do cơ sở sơ chế tạo ra ở kênh 1 là 2,5 triệu đồng/thiên, chiếm 15,90% lợi nhuận của kênh, với giá trị GTGT là 1,602 triệu đồng/thiên. Còn ở kênh 5, GTGT do cơ sở sơ chế tạo ra là 3.410.000 đồng/thiên, với lợi nhuận đạt được cao nhất là 2,512 triệu đồng/thiên, vì ở kênh này cơ sở sơ chế mua dừa trực tiếp từ nông hộ, rút ngắn được khâu trung gian, tiết kiệm được một khoản chi phí. So với các kết quả từ các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu của tác giả Trần Tiến Khai (2012) cho thấy, GTGT do cơ sở sơ chế mang lại là 2,322 triệu đồng/thiên, có thể thấy kết quả phân tích này phù hợp với các giá trị thứ cấp, tuy nhiên theo thời gian, giá dừa năm 2018 giảm rất mạnh, không ổn định, nên tạo ra sự chênh lệch về GTGT của tác nhân sơ chế trong chuỗi giá trị.
Cơ sở chế biến: Đây là tác nhân thương mại đóng vai trò quan trọng trong kênh thị trường. Họ có mặt ở hầu hết các kênh, vì họ là tác nhân tạo ra các sản phẩm chính từ trái dừa như thạch dừa, cơm dừa nạo sấy, than thêu kết,… Doanh thu mà cơ sở chế biến đạt được dao động từ 10,702 triệu đồng đến 11,57 triệu đồng/thiên. Doanh thu mà cơ sở chế biến nhận được cao nhất là ở kênh 4 và 5 với 11,57 triệu đồng/thiên. Đây cũng là 2 kênh chủ yếu để xuất khẩu sản phẩm dừa của tỉnh Trà Vinh. Ở kênh 4, cơ sở chế biến tạo ra GTGT cao nhất là 6,57 triệu đồng/thiên, với lợi nhuận nhiều nhất là 4,914 triệu đồng/thiên. Còn ở kênh 2, GTGT mà cơ sở chế biến tạo ra thấp nhất, với giá trị 5,702 triệu đồng/thiên, lợi nhuận là 3,627 triệu đồng/thiên. Khi xem xét về tỷ lệ phân phối GTGTT ở các kênh thị trường, cơ sở chế biến là tác nhân nhận được sự phân phối GTGT cao nhất trong hầu hết các kênh của chuỗi giá trị dừa. Kết quả này có sự khác biệt với nghiên cứu của tác giả Trần Tiến Khai (2012) do theo thời gian, các cơ sở chế biến đã nâng cấp máy móc, thiết bị hiện đại, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm dừa tạo ra mang lại giá trị cao hơn trước đó.
Bán lẻ: Ở thị trường nội địa, người bán lẻ là tác nhân sau cùng phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Trong các kênh thị trường tiêu thụ, GTGT của tác nhân bán lẻ tạo ra dao động từ 2 triệu đồng đến 3,698 triệu đồng/thiên. Trong đó, kênh 2 tạo ra GTGT cao nhất là 3,698 triệu đồng/thiên và nhận về GTGTT là 2,448 triệu đồng/thiên. Ở kênh 3, tác nhân bán lẻ nhận được GTGT thấp nhất là 2 triệu đồng/thiên, với lợi nhuận thu về là 1,583 triệu đồng/thiên, do người bán lẻ mua dừa nguyên trái trực tiếp từ thương lái để phân phối đến các tiểu thương ở các chợ trong địa bàn, giá trị mang lại không cao như những sản phẩm đã được chế biến khác.
3.3.2. So sánh hiệu quả kinh tế giữa các tác nhân trong chuỗi
Hiệu quả kinh tế và việc phân chia lợi ích tính trên 1 thiên dừa giữa các tác nhân trong chuỗi khá phù hợp và công bằng. Kết quả phân tích cho thấy, nông hộ và cơ sở chế biến là 2 tác nhân có tỷ trọng GTGT cao nhất trong toàn chuỗi, lần lượt là 26,37% và 21,97%. Mặc dù nông hộ là đối tượng tạo ra doanh thu thấp nhấp trong chuỗi, nhưng lại tạo ra GTGT và GTGT thuần cao nhất, do chi phí trung gian của nông hộ chỉ có 346.000 đồng/thiên dừa và giá trị gia tăng tạo ra gần 3,2 triệu đồng. Doanh thu trung bình của nông hộ khoảng 3.524.000 đồng/thiên dừa. Sau khi trừ đi chi phí, cho GTGT thuần là 2.663.000 đồng/thiên dừa.
Chỉ số hiệu quả kinh tế trên vốn trung gian (như P/IC, VA/IC) của hộ trồng dừa rất cao. Điều này thể hiện rằng người nông dân trồng dừa sử dụng nguồn nội lực bên trong (lao động, đất đai...) là chủ yếu và ít sử dụng nguồn lực bên ngoài (phân bón, thuốc BVTV, nhiên liệu và các hàng hóa trung gian khác). Các chỉ số của tác nhân khác như thương lái, cơ sở sơ chế, cơ sở chế biến và bán lẻ thấp so với nông hộ, nhưng đó là mức hợp lý và hiệu quả cao so với các ngành khác trong lĩnh vực thương mại và sơ chế.
Kết quả của nghiên cứu này phù hợp với kết quả của Hoàng Văn Việt (2014) và Trần Tiến Khai (2012), việc phân bổ lợi nhuận của các tác nhân cũng khá hợp lý, người nông dân là tác nhân có GTGT thuần và lợi nhuận/chi phí là cao nhất. (Bảng 2)
Bảng 2. So sánh hiệu quả kinh tế của mỗi tác nhân trong chuỗi giá trị dừa
ĐVT: 1.000 đồng
Nguồn: Số liệu khảo sát, 2019 Ghi chú:(2) =(1)/ΣGTGT; (4) =(3)/ΣGTGTT; (6) = (3)/(5).
Nhìn chung, các tác nhân trong chuỗi giá trị dừa đều tạo ra GTGT khá cao. Trong đó, nông hộ là tác nhân tạo ra GTGT cao nhất với 3.177.000 đồng/thiên, tương ứng với 26,37% toàn chuỗi, đồng thời nông hộ là tác nhân có tỷ suất lợi nhuận/chi phí cao nhất. Với 1 đồng chi phí bỏ ra, nông hộ sẽ tạo ra được 5,18 đồng lợi nhuận. Nhờ hoạt động chế biến, cơ sở chế biến là tác nhân tạo ra GTGT cao thứ hai trong chuỗi giá trị, với 2.648.000 đồng/thiên, tương ứng 21,97% tổng GTGT toàn chuỗi. Thương lái là tác nhân tạo ra GTGT thấp nhất, 1.750.000 đồng/thiên dừa, chỉ chiếm 14,52% GTGT của chuỗi.
3.4. Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa Trà Vinh 3.4.1. Căn cứ đề xuất chiến lược nâng cấp chuỗi
Dựa vào những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa của tỉnh Trà Vinh, phân tích ma trận SWOT được trình bày như Bảng 3.
Bảng 3. Phân tích ma trận SWOT
Nguồn: Tổng hợp kết quả khảo sát, 2019
3.4.2. Chiến lược nâng cấp chuỗi
Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị được xây dựng trên cơ sở: (i) Phân tích kinh tế chuỗi; (ii) Phân tích SWOT. Mục đích của các chiến lược nâng cấp chuỗi là hướng đến việc duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị dừa Trà Vinh; nâng cao lợi ích kinh tế - xã hội mà chuỗi giá trị dừa có thể mang lại cho tỉnh Trà Vinh; nâng cao mức độ tham gia của người nghèo ở Trà Vinh vào các hoạt động sản xuất, chế biến và thương mại các sản phẩm dừa; gia tăng số lượng việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn ở Trà Vinh.
- Chiến lược kết hợp SO - theo đuổi các cơ hội phù hợp với điểm mạnh: Phát triển ổn định vùng dừa công nghiệp nguyên liệu, đầu tư cải tạo và trồng mới, thâm canh tăng năng suất và chất lượng. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến theo hướng tích hợp và tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.
- Chiến lược WO: Khắc phục các điểm yếu để theo đuổi các cơ hội: Xây dựng chuỗi giá trị theo hướng thúc đẩy liên kết ngang, liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi. Nâng cấp công nghệ trồng trọt để tăng sản lượng và bảo đảm chất lượng dừa. Nâng cấp công nghệ chế biến để đa dạng hóa và phát triển sản phẩm mới. Thúc đẩy xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại
- Chiến lược WT: Xây dựng kế hoạch bảo vệ để tránh mẫn cảm với tác động của thách thức, như cần: Bảo vệ nguồn nguyên liệu cho ngành Chế biến nội tỉnh; Ổn định năng lực và công suất chế biến cân đối với khả năng cung ứng nguyên liệu của Tỉnh và của Vùng.
Để nâng cấp chuỗi giá trị dừa, cần sự hỗ trợ thực hiện đồng bộ của nhiều nhóm giải pháp, cụ thể: cơ giới hóa khâu vận chuyển, sơ chế và đóng gói sản phẩm chỉ xơ dừa; đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất than gáo dừa thân thiện môi trường; thay thế giống dừa và cải tiến kỹ thuật trồng dừa thích nghi hạn, mặn; phát triển đa dạng sản phẩm từ xơ dừa, mụn dừa, nâng cao năng lực quản lý, điều hành doanh nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại; tăng cường các hoạt động quảng cáo và thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
4. KẾT LUẬN
Ngành Dừa có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh và cần được coi là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh. Trong thời gian qua, diện tích và sản lượng của tỉnh không ngừng tăng, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đóng góp không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thế nhưng, ngành hàng này vẫn còn lắm thăng trầm, đời sống người dân trồng dừa vẫn bấp bênh bởi sự bất ổn của giá dừa khô nguyên liệu. Qua những phân tích về chuỗi giá trị dừa ở Trà Vinh, đề tài rút ra một số kết luận như sau:
Thứ nhất, chuỗi giá trị dừa ở Trà Vinh có 5 kênh thị trường chính, trong đó, nông hộ bán dừa chủ yếu cho thương lái. Sản lượng dừa đi từ nông hộ qua các tác nhân và đến tay người tiêu dùng nội địa chiếm 80,80% tổng sản lượng dừa nông hộ đã thu hoạch. Trong chuỗi giá trị, kênh 1 là kênh phân phối chủ yếu nhất, sản lượng dừa chiếm tỷ lệ lớn nhất. Hộ trồng dừa đạt lợi nhuận cao nhất ở kênh 5 nếu so với các tác nhân khác. Tuy nhiên, do diện tích đất ít, nên thu nhập bình quân hàng tháng của nông hộ vẫn còn thấp. Hầu hết các tác nhân tham gia chuỗi giá trị đều nhận được mức lợi nhuận tương đối khả quan.
Thứ hai, nông hộ là tác nhân tạo ra giá trị gia tăng cao nhất trong toàn chuỗi giá trị, kế tiếp là tác nhân cơ sở chế biến. Tùy vào từng kênh, sự phân phối giữa giá trị gia tăng thuần giữa các tác nhân khác nhau. Tuy nhiên, ngành hàng vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, như: Mối liên kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi đều không mang tính chính thống và chặt chẽ với nhau. Các tác nhân cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên mối quan hệ quen biết. Bên cạnh đó, mỗi tác nhân tham gia chuỗi chịu sự ảnh hưởng của các loại rủi ro với những mức độ khác nhau.
Thứ ba, do ngành hàng còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập như thiếu sự liên kết giữa các tác nhân, các doanh nghiệp chưa biết cách khai thác tốt thị trường hiện tại và thị trường tiềm năng, các sản phẩm đầu ra còn hạn chế, chưa đa dạng, công nghệ chế biến còn thủ công,… tác giả đề xuất một vài giải pháp để nhằm nâng cao giá trị gia tăng như tập trung đa dạng hóa các sản phẩm, đầu tư sản xuất các sản phẩm tính chế như đệm tơ xơ, sữa dừa, bột sữa dừa, dầu dừa, mỹ phẩm…
Mặc dù Việt Nam hiện đã có doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này, nhưng số lượng ít, không mở rộng được thị trường cho các mặt hàng. Hầu hết các cơ sở sơ chế, chế biến chỉ dừng lại ở sản phẩm thô để xuất khẩu. Nếu có thể, các cơ sở chế biến tập trung sản xuất các sản phẩm tinh chế thì chắc rằng giá trị mang lại sẽ rất cao.
Bên cạnh đó, cần cải tiến kỹ thuật cho người nông dân để tăng năng suất và sản lượng dừa sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông dân trồng dừa, nâng cấp công nghệ chế biến, chuyển giao các công nghệ kỹ thuật để đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm mới, giảm tối thiểu các lỗi sản xuất và các hao hụt trong quá trình sản xuất để tăng thêm sản lượng, nâng cao lợi nhuận.
Việc thúc đẩy xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại cũng đang là việc cần thiết cho ngành Dừa tỉnh Trà Vinh. Cơ quan các cấp, ban, ngành cần có kế hoạch tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình liên kết dọc và liên kết ngang cho các tác nhân trong chuỗi để tạo mối liên kết chặt chẽ, hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Kaplinsky, R., and M. Morris (2001). “A Handbook for Value Chain Research”, The Institule of Development Studies.
Nguyễn Thị Tầm, 2019. Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh. Luận văn thạc sĩ. Đại học Cửu Long.
Nhâm Thị Bé Vinh, 2012 “Phân tích chuỗi giá trị cơm dừa nạo sấy của tỉnh Bến Tre”. Luận văn thạc sĩ. Đại học Cần Thơ.
Trần Triển Khai và cộng sự (2012). Báo cáo nghiên cứu phân tích chuỗi giá trị dừa Bến Tre. UBND tỉnh Bến Tre. Dự án DBRP Bến Tre.
STRATEGIES TO IMPROVE THE COCONUT VALUE CHAIN OF TRA VINH PROVINCE
Assoc. Prof. Phd. BUI VAN TRINH
Can Tho University
NGUYEN THI TAM
Mekong University
ABSTRACT:
Analysis of survey data of 152 agents participating in the coconut value chain of Tra Vinh province shows that there are 5 main market channels, in which farmers sell coconut mainly to traders. Production of coconuts from farmers to agents and domestic consumers accounts for 80.80% of total coconut output. Distribution of benefits among actors in the chain is currently in a way that benefits growers and processors.
However, there is still space for the improvement of the status of income distribution among actors to increase the profits for the whole chain. Through SWOT analysis, the study proposes eight groups of activities to be carried out to upgrade the coconut value chain of Tra Vinh province in the future.
Keywords: Value chain, coconut, improve, Tra Vinh province.