Chiến lược New Retail của Seedcom gặp thử thách

Việc Seedcom 2 năm liên tiếp ghi nhuận lợi nhuận sau thuế âm, cũng như phát hành trái phiếu để huy động vốn đã cho thấy, đại dịch Covid-19 đang tàn phá rất nhiều tới ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Công ty cổ phần Seedcom vừa công bố tình hình tài chính năm 2021 liên quan tới hoạt động chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm ngoái.

Theo đó, đã 2 năm liên tiếp Seedcom ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm. Cụ thể, trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Seedcom âm 238 tỉ đồng, còn năm 2020 là âm 192 tỷ đồng.

Đồng thời, vốn chủ sở hữu của công ty cũng giảm tới 95% trong năm ngoái, từ 385,5 tỷ đồng vào năm 2020 xuống còn 21,2 tỷ đồng.

Trước đó, vào khoảng tháng 4/2021, Seedcom từng phát hành 500 trái phiếu riêng lẻ, thu về 50 tỷ đồng để tăng vốn phục vụ hoạt động và đầu tư vào các công ty con.

Tài sản đảm bảo là 1,8 triệu cổ phần phổ thông của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam (đơn vị vận hành chuỗi The Coffee House) với giá trị tài sản hơn 200 tỷ đồng.

Chiến lược New Retail ở Seedcom gặp bất lợi

Chiến lược New Retail ở Seedcom gặp bất lợi

Việc liên tục ghi nhuận lợi nhuận sau thuế âm, cũng như phát hành trái phiếu để huy động vốn đã cho thấy, đại dịch Covid-19 đang tàn phá rất nhiều tới ngành bán lẻ tại Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp theo đuổi lĩnh vực bán lẻ như Seedcom nói riêng.

Ngay cả khi doanh nghiệp áp dụng chiến lược New Retail - ứng dụng công nghệ ngành bán lẻ và sản xuất để mang đến cho khách hàng trải nghiệm xuyên suốt từ online đến offline như Seedcom đang theo đuổi, cũng khó tránh được hoạt động kinh doanh, tài chính ảm đạm.

Được biết, hệ sinh thái Seedcom đang bao gồm nhiều startup đình đám như: The Coffee House, Juno, Giao hàng nhanh, Haravan…

The Coffee House của Seedcom đang là một trong những đơn vị dẫn đầu thị trường chuỗi cafe tại Việt Nam. Năm 2020, Seedcom rót thêm tiền vào The Coffee House sau khi chuỗi này đạt doanh thu 37 triệu USD vào năm 2019.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến The Coffee House gặp nhiều bất lợi. Dẫn tới việc chuỗi này phải đa dạng hướng phát triển, thay vì chỉ tập trung vào các mặt bằng lớn đặc địa thì có thêm xe đẩy, hoặc kiosk bán cafe mang đi.

Công ty Ficus Asia Investment - đơn vị nắm quyền kiểm soát phần lớn đối với Haravan, Juno, và The Coffee House, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đầu tư của Seedcom cũng gặp bất lợi tương tự.

Doanh thu Ficus giảm từ 176 triệu USD vào năm 2019 xuống gần 157 triệu USD vào năm 2020. Mức lỗ ròng tăng 52% lên 38 triệu USD năm 2020 so với cùng kỳ, do phải trích lập các dự phòng liên quan tới các cam kết với các nhà đầu tư.

Trước đó, Ficus đã nhận được khoản đầu tư 50 triệu USD từ eWTP Capital do Alibaba hậu thuẫn thông qua tổ chức của quỹ tại Singapore, Redefine Capital Fund. Sau đó, eWTP Capital đã rót thêm 10 triệu USD vào Ficus.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chien-luoc-new-retail-cua-seedcom-gap-thu-thach-1650966516129.htm