Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam: Hướng tới nền giáo dục tiên tiến của thế giới

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặt mục tiêu đưa giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến khu vực châu Á vào năm 2030 và vươn lên hàng đầu thế giới vào năm 2045.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một nền giáo dục hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa của thế giới.

Chiến lược đặt ra mục tiêu lớn: Đến năm 2045, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn trước mắt, đến năm 2030, giáo dục nước ta phấn đấu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực châu Á, đáp ứng các yêu cầu của chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hướng tới phát triển toàn diện con người Việt Nam, chiến lược chú trọng vào việc bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa tiềm năng và khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Hệ thống giáo dục mở sẽ được xây dựng, đảm bảo công bằng trong tiếp cận và tạo điều kiện học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Trong lĩnh vực giáo dục mầm non, chiến lược tập trung nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, với mục tiêu 99,5% trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày vào năm 2030. Giáo viên mầm non cũng sẽ đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.

Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học và trung học cơ sở lần lượt đạt 99,7% và 99%. Đồng thời, 75% các tỉnh, thành phố sẽ đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học ở mức độ 3, và 60% đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở ở mức độ 2.

Trong giáo dục đại học, Việt Nam hướng tới việc có 5 trường đại học thuộc top 500 thế giới và 5 trường trong top 200 châu Á. Số sinh viên đại học trên 10.000 dân dự kiến đạt ít nhất 260, với 40% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ.

Giáo dục thường xuyên cũng được chú trọng khi Việt Nam phấn đấu triển khai mô hình thành phố học tập trên toàn quốc, với mục tiêu có 10 đơn vị hành chính tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030.

Để thực hiện các mục tiêu này, chiến lược đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, nổi bật là việc hoàn thiện thể chế, đổi mới quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, đồng thời tăng cường nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế. Chính sách hỗ trợ đặc biệt sẽ được dành cho trẻ em mồ côi, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và người khuyết tật, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội học tập bình đẳng.

Chiến lược này không chỉ là định hướng phát triển giáo dục, mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên tiến về giáo dục.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/chien-luoc-phat-trien-giao-duc-viet-nam-huong-toi-nen-giao-duc-tien-tien-cua-the-gioi-post1706539.tpo