Phát triển giáo dục nghề nghiệp
Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðổi mới chương trình, phương thức đào tạo; hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị; đẩy nhanh chuyển đổi số; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong GDNN… là những giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng GDNN.
Xác định đổi mới chương trình đào tạo trong GDNN sẽ tạo đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian qua, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên đã tích cực đổi mới trong xây dựng chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo được xây dựng và triển khai theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt, coi trọng các giờ học thực hành, thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức mới nhằm thực hiện đào tạo sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trường đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc chuyên nghiệp và năng lực của người học; tích hợp kiến thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng thực hành và làm việc theo nhóm…
Giảng viên Kiều Thị An, khoa Công nghệ may - Thời trang, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên cho biết: Với mong muốn truyền cảm hứng và kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, tôi tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường rèn kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên, gắn đào tạo với thực tế, giữa lý thuyết và thực hành...
Việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo được các cơ sở GDNN thực hiện thường xuyên gắn với nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động. Hiện nay, các cơ sở GDNN ở tỉnh đã xây dựng, thẩm định hoặc tiếp nhận, áp dụng 162 chương trình đào tạo ở 77 ngành, nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp được cấp phép đào tạo, trong đó có 23 chương trình đào tạo nghề trọng điểm. Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên xây dựng chuẩn đầu ra cho ngành, nghề: Ðiều khiển tàu cuốc, vận hành và sửa chữa trạm bơm điện; Công nghệ may theo đặt hàng của Tổng cục GDNN.
Phương pháp dạy và học của các cơ sở GDNN tiếp tục được đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề. Việc đánh giá kết quả học tập của người học được đổi mới, chuyển từ đánh giá hoàn thành từng môn học sang đánh giá tích hợp kiến thức với kỹ năng, kết hợp đánh giá thực tế tại các doanh nghiệp, xưởng sản xuất; phối hợp với các đơn vị, tổ chức ngoài trường cùng đánh giá. Từ đó, giúp người học thể hiện năng lực ngành, nghề và hệ thống hóa tổng thể kiến thức của người học trong suốt quá trình đào tạo. Tỉ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp của các cơ sở GDNN hằng năm đạt 92%.
Hiện nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở GDNN. Ðội ngũ nhà giáo GDNN được đào tạo, bồi dưỡng tiến tới đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm. Toàn tỉnh có 272 cán bộ quản lý, trên 1.200 nhà giáo GDNN và khoảng gần 1.000 nghệ nhân và công nhân lành nghề cùng thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, truyền nghề. Trung bình mỗi năm có trên 30 lượt cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị; khoảng 150 lượt nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đi thực tế nâng cao năng lực tại do-anh nghiệp.
Các cơ sở GDNN có diện tích, hạ tầng, trang thiết bị đào tạo cơ bản đáp ứng theo quy định. 100% số trường cao đẳng, trường trung cấp đã trang bị nâng cấp hạ tầng số và thực hiện không gian số, áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo như: Số hóa hồ sơ tuyển sinh, hồ sơ đào tạo; sử dụng giáo án điện tử, các phần mềm quản lý điều hành; áp dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh và đánh giá chất lượng đào tạo... Tuy nhiên, năng lực của một số cơ sở GDNN còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn thiếu. Một số chương trình, giáo trình chậm được đổi mới, cập nhật...
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác GDNN, cần tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người dạy nghề; phát triển chương trình, học liệu, phương pháp và thiết bị đào tạo…
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-3178388.html