Chiến lược phát triển hạ tầng giao thông nhìn từ Nghị quyết ĐH Đảng XIII
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá, 5 năm qua, hạ tầng giao thông quốc gia đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đã và đang được triển khai, tạo đà cho nền kinh tế phát triển. Một trong những kết quả nổi bật của ngành GTVT đó là khơi thông được nguồn vốn đầu tư xã hội hóa và đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng thông qua phương thức đối tác công - tư. Trong các giai đoạn tiếp theo, ngành GTVT tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đề ra.
Đất nước đổi thay từ hạ tầng GTVT
Trong 5 năm (2016 - 2020), nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng đã được đưa vào sử dụng trong những năm đầu giai đoạn 2016 - 2020 như: Các dự án cải tạo, nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải. Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020 như: Các đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hòa Lạc - Hòa Bình, Hạ Long - cầu Bạch Đằng; các tuyến quốc lộ: Tân Vũ - Lạch Huyện, QL3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2); các hầm: Đèo Cả, Cù Mông; cảng Lạch Huyện, luồng sông Hậu; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng thông qua phương thức đối tác công - tư; một số dự án quan trọng đã hoàn thành như: Cảng HKQT Vân Đồn, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn...); khởi công nhiều đoạn của cao tốc Bắc - Nam.
Đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc, mạng lưới giao thông nội vùng và kết nối với vùng đồng bằng sông Hồng được đầu tư như các cao tốc nối Hà Nội với Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang. Tại vùng đồng bằng sông Hồng, nhiều công trình hạ tầng quy mô lớn được đầu tư, đưa vào khai thác như Nhà ga T2 Nội Bài, Cảng HKQT Vân Đồn, Cát Bi, cảng Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, cầu Nhật Tân, Bạch Đằng, Tân Vũ - Lạch Huyện... Khu vực vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nâng cấp các cảng hàng không, cảng biển...
Tai khu vực Tây Nguyên đã nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, kết nối với Đông Nam bộ và một số tuyến đường nối Tây Nguyên với các địa phương ven biển. Còn tại vùng Đông Nam bộ đã hoàn thành đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; triển khai nâng cấp, mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Với đặc thù sông nước, hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa vùng đồng bằng sông Cửu Long được nâng cấp; một số cầu lớn được đầu tư xây dựng như Cổ Chiên, Vàm Cống, Cao Lãnh, Năm Căn...
Chiến lược trọng tâm phát triển hạ tầng giao thông
Trong chiến lược giai đoạn 5 năm (2021 - 2025), đến năm 2025 sẽ hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 1 của Cảng HKQT Long Thành; hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng; đầu tư nâng cấp cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không trọng điểm; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; chuẩn bị để triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Để phát triển hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Giai đoạn 2021 - 2030, ngành GTVT sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, đồng thời tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia để khắc phục cơ bản những “điểm nghẽn” cho phát triển, tăng cường kết nối với khu vực và thế giới. Mặt khác, tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc; đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không trọng điểm.
Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hệ thống cảng biển sẽ được đầu tư nhằm nâng cao năng lực của các cảng. Đối với đường sắt sẽ triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giải quyết các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông. Đặc biệt, việc xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới phải kết nối đồng bộ với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không và cảng biển.
Đông Nam bộ được nhận định là vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Vì vậy, nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với đồng bằng sông Cửu Long qua các hành lang N1, N2, cao tốc Bắc - Nam, QL50; với Tây Nguyên qua cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Đà Lạt; với Nam Trung bộ qua cao tốc Bắc - Nam và QL55. Đồng thời, tập trung phát triển cảng biển container Cái Mép - Thị Vải thật sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế; nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.