Chiến lược quốc phòng mới của Tổng thống Mỹ Biden có đủ sức răn đe Trung Quốc?

Nhiều nhà phân tích lo ngại, kế hoạch của Mỹ cắt giảm ngân sách đóng mới tàu chiến sẽ tạo đà cho Trung Quốc xây dựng lực lượng hải quân lớn mạnh nhất thế giới.

Dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2022 của Tổng thống Mỹ Joe Biden nếu được thông qua sẽ giúp gia tăng kinh phí nâng cấp công nghệ và mạng lưới thông tin của Hải quân Mỹ nhưng ngược lại sẽ giảm kinh phí đóng tàu của lực lượng này. Nhiều nhà phân tích lo ngại, việc Mỹ cắt giảm ngân sách đóng mới tàu chiến sẽ mở đường cho Trung Quốc xây dựng lực lượng hải quân lớn mạnh nhất thế giới.

Tàu khu trục USS Barry của Mỹ. Ảnh: US Navy.

Tàu khu trục USS Barry của Mỹ. Ảnh: US Navy.

Mối lo từ quyết định giảm ngân sách đóng tàu

National Defense trích dẫn các tài liệu công bố ngày 28/5 cho biết, Bộ Hải quân Mỹ sẽ nhận được khoản kinh phí 211,7 tỷ USD, tăng 1,8% so với kinh phí phân bổ cho năm tài khóa 2021 là 207,1 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí đóng tàu của Hải quân sẽ giảm 700 triệu USD, thấp hơn so với đề xuất ban đầu là 22,6 tỷ USD cho năm tài khóa 2022.

Khoản kinh phí này sẽ được sử dụng để đóng 8 tàu: hai tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia, một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, một tàu tiếp nhiên liệu cho hạm đội, một tàu giám sát đại dương và hai tàu cứu hộ cứu nạn.

Kế hoạch đóng tàu mới nhất của Lầu Năm Góc, được công bố vào tháng 12/2020, kêu gọi tăng số lượng tàu lên 316 chiếc vào năm 2026, 355 chiếc vào đầu những năm 2030 và 400 chiếc vào đầu những năm 2040. Phó trợ lý Bộ trưởng Hải quân phụ trách ngân sách John Gumbleton bày tỏ lo ngại, nếu kéo dài kế hoạch mua mới 8 tàu mỗi năm, lực lượng này sẽ không đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

“Tất cả mọi thứ đều phải tính quân bình. Nếu chúng ta có một hạm đội gồm 30 tàu chiến có tuổi thọ 30 năm thì chúng ta cần phải tái cơ cấu với việc bổ sung thêm 10 chiếc mỗi năm. Vì thế, việc mua mới 8 tàu chiến mỗi năm sẽ không đáp ứng được mục tiêu đặt ra”, ông John Gumbleton nói.

Trung Quốc sẽ tranh thủ thời cơ?

Trong khi đó, theo đánh giá của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, Hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện đang sở hữu từ 313 đến 342 tàu chiến. Andrew Erickson, giáo sư thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, PLAN chỉ là phần trong số các lực lượng cấu thành sức mạnh hàng hải của Trung Quốc. Ngoài PLAN, Bắc Kinh còn có cảnh sát biển và lực lượng dân quân biển (PAFMM)

Theo ông Andrew Erickson, cảnh sát biển và dân quân biển đang giúp Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại các vùng biển và theo đuổi nhiều mục tiêu trong chính sách đối ngoại của nước này.

“Không muốn khơi mào một cuộc chiến tranh nhưng với quyết tâm thay đổi hiện trạng bằng cách cưỡng ép, Bắc Kinh đã sử dụng các lực lượng nói trển để thực hiện chiến lược vùng xám nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền tại các vùng biển đang có tranh chấp như Biển Hoàng Hải, Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

“Lực lượng hải cảnh Trung Quốc được cho là có quy mô lớn nhất thế giới, sở hữu số lượng tàu nhiều hơn số tàu của tất cả các nước láng giềng trong khu vực gộp lại: 225 tàu trên 500 tấn có khả năng hoạt động ngoài khơi và hơn 1.050 chiếc tàu khác hoạt động ở các vùng biển gần bờ. Như vậy, tổng cộng, lực lượng này có 1.275 chiếc tàu”, ông Andrew Erickson nhấn mạnh.

Các tàu tuần duyên mới lợi hại hơn và hiện đại hơn rất nhiều so với những con tàu mà chúng thay thể. “Để cải thiện chất lượng đội tàu, Trung Quốc đã thay thế hàng loạt tàu tuần tra cũ với năng lực hạn chế”, chuyên gia Andrew Erickson nhận xét và lưu ý rằng, “tàu mới có thể được tích hợp pháo trên boong, vòi rồng công suất lớn và tăng cường khả năng tự vệ”.

Tính gộp lại, PLAN, cảnh sát biển và dân quân biển của Trung Quốc sở hữu khoảng 650 tàu lớn có năng lực quân sự. Ngoài việc tăng cường năng lực của các lực lượng này, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh lĩnh vực đóng tàu. Một số báo cáo cho biết, ngành đóng tàu của nước này đang phát triển với tốc độ chóng mặt.

Trang Eastday.com đưa tin, Trung Quốc đã hạ thủy 8 tàu khu trục cỡ lớn Type 055 vào cuối năm 2020, bên cạnh chiếc đầu tiên được hạ thủy vào ngày 28/6/2017. 6 tàu khu trục Type 055 khác đang được trang bị hoặc đang trong quá trình thử nghiệm trên biển. Các nhà phân tích cho biết, những con tàu này nhiều khả năng sẽ được đưa vào hoạt động từ 1 đến 2 năm nữa.

Tuy vậy, những con số không thể vẽ nên một bức tranh đầy đủ và số lượng không thể thay thế cho chất lượng. Theo SCMP, hạm đội Trung Quốc vẫn kém xa so với Hải quân Mỹ xét về yếu tố tổng trọng tải. Hải quân Trung Quốc sở hữu nhiều chiến hạm nhất thế giới nhưng chủ yếu là tàu thuyền cỡ nhỏ, hoạt động gần bờ, khó cạnh tranh sức mạnh với Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng thiếu các căn cứ ở nước ngoài để triển khai chúng.

Ưu thế mới của quân đội Mỹ

Theo National Defense, chính quyền Tổng thống Biden đang đề xuất phân bổ 715 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng vào năm 2022, cao hơn 11,3 tỷ USD, tương đương 1,6% so với mức phân bổ năm 2021. Chính quyền cũng đang đề xuất chi gần 112 tỷ USD cho chương trình nghiên cứu, phát triển thử nghiệm và đánh giá (viết tắt là RDT&E) của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Kế hoạch đầu tư cho RDT&E được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Trung Quốc và những bước tiến trong lĩnh vực quân sự của nước này.

“Trung Quốc đang đặt ra thách thức dài hạn lớn nhất đối với Mỹ. Bộ Quốc phòng sẽ xem Trung Quốc và kế hoạch hiện đại hóa quân đội của nước này là thách thức hàng đầu”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong đề xuất ngân sách mới.

Với cách tiếp cận này, Bộ Quốc phòng Mỹ đang đầu tư vào các công nghệ tiên tiến giúp mang lại lợi thế tác chiến mới cho các lực lượng của Mỹ, trong đó có trí tuệ nhân tạo, công nghệ siêu thanh, điện toán lượng tử, mạng 5G và nhiều công nghệ khác./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Asia Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/chien-luoc-quoc-phong-moi-cua-tong-thong-my-biden-co-du-suc-ran-de-trung-quoc-862586.vov