Chiến lược tên lửa giá rẻ: Mỹ chuẩn bị cho một kịch bản lớn
Mỹ đang đặt cược vào một làn sóng tên lửa hành trình giá rẻ mới để giành chiến thắng trong cuộc chiến tiêu hao công nghệ cao chống lại các đối thủ địa chính trị.

Hình ảnh đồ họa về tên lửa Red Wolf. Nguồn: L3Harris Technologies
Các nhà thầu quốc phòng đang sản xuất tên lửa giá rẻ trong bối cảnh lo ngại gia tăng về việc Mỹ chưa sẵn sàng cho cuộc chiến kéo dài với một đối thủ ngang tầm.
Theo trang Asia Times, trong tháng 7 này, nhà thầu quốc phòng Mỹ L3Harris Technologies đã giới thiệu tên lửa "Red Wolf" (Sói đỏ) và "Green Wolf" (Sói xanh), mang đến khả năng tấn công tầm xa với giá cả phải chăng cho quân đội Mỹ.
Các hệ thống này hỗ trợ chiến lược "sản xuất hàng loạt giá rẻ" của Bộ Quốc phòng Mỹ, được hình thành bởi các cuộc xung đột gần đây ở Ukraine, Israel, và nhấn mạnh nhu cầu về kho dự trữ đạn dược lớn có thể triển khai. Cả hai loại tên lửa đa năng này đều có tầm bắn vượt quá 200 hải lý và có thể tấn công các mục tiêu di động trên biển.
Red Wolf tập trung vào các cuộc tấn công chính xác, trong khi Green Wolf được thiết kế cho tác chiến điện tử và thu thập thông tin tình báo. Hoạt động sản xuất đang được tiến hành tại Ashburn, Virginia, ban đầu ở quy mô nhỏ đang tiến đến sản xuất hàng loạt.
Nhà thầu L3Harris dự kiến mỗi tên lửa có giá khoảng 300.000 USD và đặt mục tiêu sản xuất khoảng 1.000 đơn vị mỗi năm. Sau hơn 40 chuyến phóng thử nghiệm thành công, các hệ thống này đánh dấu một bước ngoặt chiến lược khi Lockheed Martin và RTX hiện đang thống trị thị trường tên lửa tầm xa.
Các hệ thống Red Wolf và Green Wolf gia nhập danh sách ngày càng dài các loại vũ khí được tiếp thị theo khái niệm “sản xuất hàng loạt giá rẻ”, bao gồm Barracuda của Anduril và Common Multi-Mission Truck (CMMT) của Lockheed Martin, thể hiện tầm nhìn cạnh tranh về tên lửa hành trình sản xuất hàng loạt giá rẻ, được thiết kế để tiêu diệt các đối thủ ngang hàng.
Tên lửa Barracuda của Anduril – với 3 cấu hình có thể mở rộng - tập trung vào việc sản xuất nhanh chóng bằng các linh kiện thương mại, tải trọng mô-đun và khả năng phối hợp tự động được hỗ trợ bởi phần mềm Lattice. Được thiết kế để linh hoạt trong các lần phóng trên không, trên biển và trên bộ, tên lửa này đã được đưa vào thử nghiệm nguyên mẫu của Đơn vị Đổi mới Quốc phòng/Không quân Mỹ (DIU).
Ngược lại, CMMT (hay "Comet") của Lockheed là một tên lửa dạng mô-đun, không tàng hình, có giá 150.000 USD và được tối ưu hóa cho việc lắp ráp toàn cầu và phóng hàng loạt bằng pallet từ máy bay chở hàng.
Tên lửa Barracuda có điểm mạnh ở tính tự động được xác định bằng phần mềm và các vai trò nhiệm vụ linh hoạt, trong khi CMMT tập trung vào tính mô-đun quy mô công nghiệp và lắp ráp toàn cầu để triển khai hàng loạt tiết kiệm chi phí.
Khi quân đội Mỹ chuyển sang sử dụng các tên lửa hành trình giá rẻ như Barracuda, CMMT cũng như Red và Green Wolf để đạt được khối lượng sản xuất lớn, giá phải chăng, thì một câu hỏi quan trọng được đặt ra: liệu những vũ khí rẻ hơn này có đủ hỏa lực, quy mô và khả năng sống sót để bù đắp cho sự thiếu hụt công nghiệp và hỗ trợ tác chiến bền bỉ trong một cuộc chiến cường độ cao không?
Trong một bài báo tháng 11/2021 đăng trên Tạp chí Lực lượng Không quân và Vũ trụ, tác giả Mark Gunzinger lập luận rằng, Mỹ đang thiếu hụt đạn dược dẫn đường chính xác (PGM), bắt nguồn từ những giả định lỗi thời ủng hộ các cuộc chiến tranh ngắn, điều mà ông cho rằng hạn chế khả năng duy trì tác chiến chống lại một đối thủ tiềm tàng mạnh ngang ngửa như Trung Quốc.
Tiếp đó, trong một báo cáo tháng 1/2023 gửi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tác giả Seth Jones viết rằng nền tảng công nghiệp quốc phòng của Mỹ vẫn được tối ưu hóa cho thời bình và thiếu chuỗi cung ứng linh hoạt. Ông Jones cảnh báo rằng tình hình này khiến Mỹ không chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài, khi việc cạn kiệt sớm các loại đạn dược cao cấp có thể gây ra thảm họa.
Ông nhấn mạnh rằng trong một cuộc chiến tiềm tàng, Mỹ có thể tiêu tốn tới 5.000 tên lửa tầm xa cao cấp, trị giá hàng triệu USD - bao gồm Tên lửa Chống hạm Tầm xa (LRASM), Tên lửa Không đối đất Tầm xa Liên hợp (JASSM), tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa hành trình Tomahawk - trong vòng ba tuần đầu tiên của cuộc xung đột.
Mặc dù việc tăng cường sản xuất các loại tên lửa dẫn đường chính xác (PGM) cấp thấp hơn có thể phần nào giảm bớt tình trạng thiếu hụt, ông Evan Montgomery và những người khác lập luận trong một bài báo đăng trên tạp chí War on the Rocks vào tháng 6/2024 rằng, các loại tên lửa dẫn đường chính xác giá rẻ, được sản xuất hàng loạt thường thiếu hiệu suất - tàng hình, tốc độ, tầm bắn và sức xuyên phá - cần thiết để tạo ra những tác động chiến lược lâu dài.
Dựa trên một số nghiên cứu tình huống gần đây, các chuyên gia chỉ ra rằng việc Israel vô hiệu hóa cuộc tấn công bằng đàn drone của Iran vào tháng 4/2024 – sử dụng các loại đạn tuần tiễu Shahed có giá từ 20.000 đến 50.000 USD – tạo nên sự tương phản rõ nét với cách Ukraine triển khai có chọn lọc các loại vũ khí tiên tiến trị giá hàng triệu USD như Storm Shadow và hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Họ lưu ý rằng những cuộc tấn công chính xác này đã buộc Hạm đội Biển Đen của Nga phải tái bố trí một cách tốn kém và làm gián đoạn các hoạt động quân sự.
Ông Montgomery và các chuyên gia khác kết luận rằng, các đội hình tác chiến giá rẻ có thể gặp khó khăn trong việc gây tổn thất đáng kể cho đối phương, đặc biệt nếu các công nghệ về trí tuệ nhân tạo và tấn công theo bầy đàn vẫn còn non trẻ hoặc không thể mở rộng với chi phí hợp lý.
Trước khoảng cách năng lực giữa các loại vũ khí chính xác cao (PGM) hạng nặng như tên lửa LRASM trị giá 3,2 triệu USD mỗi quả và những hệ thống giá rẻ hơn như Red Wolf, Stacey Pettyjohn và một số chuyên gia khác đã lập luận rằng Mỹ cần khẩn trương triển khai chiến lược kết hợp giữa vũ khí chính xác cao giá cao và giá thấp (high-low PGM mix) nhằm răn đe đối thủ.
Đặc biệt, họ cho rằng sự mở rộng nhanh chóng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bỏ xa thế trận của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, làm lộ rõ sự mất cân đối chiến lược cả về năng lực và quy mô.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, trong khi vũ khí cao cấp đóng vai trò then chốt trong việc xuyên phá các hệ thống phòng thủ tiên tiến và thực hiện các nhiệm vụ có giá trị chiến lược cao, thì chúng lại bị hạn chế bởi chi phí đắt đỏ, nguồn cung ít và thời gian bổ sung kéo dài.
Ngược lại, các hệ thống tự động giá rẻ có thể được sản xuất nhanh hơn và với số lượng lớn hơn, giúp tăng quy mô tác chiến và duy trì hiệu quả chiến đấu lâu dài – mặc dù chúng không đạt được năng lực như các hệ thống cao cấp.