Chiến lược tiêm phòng cúm trong giai đoạn thiếu vắc xin
Tiêm ngừa cúm hằng năm là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc bảo vệ chống lại vi rút cúm. Khi nguồn cung cấp vắc xin bị hạn chế, các nỗ lực tiêm chủng nên tập trung cho những người có nguy cơ cao để giảm mắc bệnh cúm nặng.
Đặc điểm của bệnh cúm
Cúm là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp do vi rút cúm lây nhiễm ở mũi, họng và phổi. Có hai loại vi rút cúm chính là cúm A và cúm B, thường lây lan ở người; là nguyên nhân gây ra các vụ dịch cúm theo mùa hằng năm.
Vi rút cúm lây lan chủ yếu bởi những giọt nhỏ li ti tạo ra khi người bị cúm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những giọt nước này có thể rơi vào miệng hoặc mũi của những người ở gần đó. Ít hơn, một người có thể bị cúm khi chạm vào bề mặt hoặc đồ vật có vi rút cúm và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc có thể là mắt của họ.
Cúm có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Những người bị cúm thường cảm thấy một hoặc tất cả các triệu chứng sau: Sốt hoặc cảm thấy sốt, ớn lạnh, ho, viêm họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi. Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, phổ biến ở trẻ em. Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai bị cúm cũng sẽ bị sốt.
Bất cứ ai cũng có thể bị cúm, ngay cả những người khỏe mạnh và các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi ở một số người có nguy cơ cao dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm bao gồm người từ 65 tuổi trở lên, những người ở mọi lứa tuổi mắc một số bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Các biến chứng của bệnh cúm như viêm phổi do vi khuẩn, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang và làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh mãn tính như suy tim sung huyết, hen suyễn hoặc tiểu đường.
Phòng bệnh cúm theo mùa
Tiêm ngừa cúm hằng năm là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc bảo vệ chống lại vi rút cúm. Vắc xin cúm đã được chứng minh làm giảm các bệnh liên quan đến cúm và biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện hoặc thậm chí tử vong.
Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm ngừa cúm hằng năm, tốt nhất là vào cuối tháng 10. Cần tiêm ngừa cho những người có nguy cơ cao để giảm mắc bệnh cúm nặng.
Những người có nguy cơ mắc các biến chứng cúm nghiêm trọng cao hơn bao gồm trẻ nhỏ, người mang thai, những người mắc bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim và phổi và những người từ 65 tuổi trở lên.
Việc tiêm phòng cũng rất quan trọng đối với nhân viên y tế và những người khác sống chung hoặc chăm sóc những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn để tránh lây bệnh cúm cho họ. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người làm việc trong các cơ sở chăm sóc dài hạn, nơi có nhiều người dễ bị cúm nhất.
Trẻ em dưới 6 tháng có nguy cơ mắc bệnh cúm nghiêm trọng cao hơn nhưng còn quá nhỏ để được chủng ngừa. Những người chăm sóc trẻ sơ sinh nên được chủng ngừa thay thế.
Thực hiện các hành động phòng ngừa hằng ngày được khuyến nghị để giảm sự lây lan của bệnh cúm như tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất tẩy rửa tay có cồn. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng vì vi rút lây lan theo cách này. Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật có thể bị nhiễm vi rút gây bệnh cúm.
Khi bị bệnh nên ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt trừ khi được chăm sóc y tế hoặc các nhu cầu cần thiết khác. Sốt tự khỏi mà không cần dùng thuốc hạ sốt.
Hạn chế tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt để tránh lây nhiễm. Che những cơn ho và hắt hơi. Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chính quyền hoặc y tế địa phương có thể khuyến nghị thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung trong cộng đồng tùy cấp độ dịch.
Uống thuốc kháng vi rút cúm nếu bác sĩ kê đơn. Thuốc kháng vi rút có thể làm cho bệnh cúm nhẹ hơn và rút ngắn thời gian bị bệnh. Chúng cũng có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh cúm.
Chiến lược tiêm phòng cúm
Khi nguồn cung cấp vắc xin bị hạn chế, các nỗ lực tiêm chủng nên tập trung vào việc cung cấp vắc xin cho những người sau:
Trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi (59 tháng).
Người từ 50 tuổi trở lên.
Những người bị bệnh phổi mãn tính, bao gồm cả hen suyễn hoặc tim mạch, rối loạn thận, gan, thần kinh, huyết học hoặc chuyển hóa, bao gồm cả đái tháo đường.
Những người bị suy giảm miễn dịch do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả suy giảm miễn dịch do dùng thuốc hoặc do nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch ở người HIV.
Những người đang hoặc sẽ mang thai trong mùa cúm, sinh con được 2 tuần.
Những người từ 6 tháng đến 18 tuổi đang dùng Aspirin hoặc thuốc có chứa Salicylate và những người có thể có nguy cơ mắc hội chứng Reye sau khi nhiễm vi rút cúm.
Những người sống trong viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn khác.
Những người bị béo phì có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên.
Nhân viên y tế.
Người tiếp xúc, người chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn từ 50 tuổi trở lên.
Người tiếp xúc, chăm sóc những người có tình trạng y tế khiến họ có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng và biến chứng do cúm.
Song song đó, mỗi người cần thực hiện các hành động phòng ngừa hằng ngày để giảm sự lây lan của bệnh cúm.
BS LÊ ĐĂNG NGẠN
(Cập nhật tài liệu của CDC ngày 20-7-2022)