Chiến lược Triều Tiên của Mỹ có vấn đề?

Washington nên xem việc thiết lập mối quan hệ ổn định và thân thiện với Bình Nhưỡng và giữa hai miền Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu

Tiến trình đàm phán Mỹ - Triều Tiên vừa mới được nối lại đã gặp ngay thử thách lớn sau cuộc gặp cấp chuyên viên tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển hôm 5-10.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố thương thảo đã đổ vỡ do Mỹ không từ bỏ lập trường và thái độ cũ của mình. Trái lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cuộc gặp kéo dài 8,5 giờ đã diễn ra tốt đẹp và Washington đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo. Song song đó, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao để tìm giải pháp cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Thụy Điển đã mời hai bên trở lại bàn đàm phán trong 2 tuần nữa và Mỹ đã chấp nhận. Hiện vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có đồng ý lời đề nghị nói trên hay không.

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil phát biểu với giới truyền thông sau cuộc gặp Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun Ảnh: Reuters

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil phát biểu với giới truyền thông sau cuộc gặp Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun Ảnh: Reuters

Cuộc đàm phán ở Thụy Điển cuối tuần qua là nỗ lực chính thức đầu tiên của Mỹ và Triều Tiên nhằm nối lại đối thoại kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai khép lại mà không có thỏa thuận nào đạt được hồi cuối tháng 2. Dù vậy, phản ứng của ông Kim Myong-gil phần nào cho thấy sáng kiến ngoại giao quan trọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gặp khó.

Theo đài NBC News (Mỹ), nếu chính quyền ông Trump vẫn kỳ vọng công thức "phi hạt nhân hóa trước, dỡ bỏ trừng phạt sau" đạt hiệu quả thì họ sớm muộn cũng thất vọng. Những đòi hỏi như thế vốn không hiệu quả với Bình Nhưỡng trong quá khứ nên không có lý do gì nghĩ rằng chúng sẽ khả thi trong tương lai. Nếu thực sự muốn đạt tiến triển trong quá trình đàm phán với Triều Tiên, Mỹ cần phải có sự thay đổi đáng kể trong chiến lược tổng thể.

Trước hết, chính quyền ông Trump nên chấm dứt xem hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu kém quan trọng hơn so với phi hạt nhân hóa. Việc cho phép tồn tại một mối quan hệ liên Triều có nhiều bất đồng, hoài nghi có thể nhanh chóng dẫn đến một cuộc xung đột quân sự mà Washington khó tránh bị lôi kéo vào, nhất là khi 28.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc.

Do đó, Washington nên xem việc thiết lập mối quan hệ ổn định và thân thiện với Bình Nhưỡng và giữa hai miền Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu. Điều này cũng giúp ích cho nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân bởi quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là sự phản ánh trực tiếp cách Bình Nhưỡng nhìn nhận môi trường an ninh quanh mình.

Mục tiêu trên sẽ khó đạt được trừ khi Washington ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nỗ lực cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Mỹ sẽ cần phải nới lỏng cơ chế trừng phạt hiện ngăn các dự án kinh tế và cơ sở hạ tầng gắn kết hai miền Triều Tiên, trong lúc mở đường cho cuộc đàm phán toàn diện hơn giữa Seoul và Bình Nhưỡng về mọi vấn đề, từ giải giáp quân sự đến bình thường hóa ngoại giao.

Bên cạnh đó, Mỹ cần cân nhắc mở văn phòng liên lạc tại Triều Tiên để thúc đẩy trao đổi trong bối cảnh kịch bản hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao còn xa vời. Điều này, nếu diễn ra, sẽ giúp giới chức Mỹ có cơ hội hình thành mối quan hệ lâu bền hơn với các quan chức Triều Tiên.

Chưa hết, một cơ chế đối thoại thường xuyên có thể giúp hai bên giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột do tính toán sai lầm.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chien-luoc-trieu-tien-cua-my-co-van-de-20191006225004632.htm