Chiến lược ứng phó, chống đại lạm phát và khủng hoảng của Mỹ

'Chính sách tiền tệ thế kỷ 21' do cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben S.Bernanke chắp bút và Omega Plus phát hành, tiết lộ toàn diện chiến lược ứng phó của Mỹ từ đại lạm phát đến nay.

Chia sẻ trong tọa đàm do Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) tổ chức sáng 20.1, TS. Vũ Hoàng Linh, Giảng viên chương trình Swinburne Việt Nam, Đại học FPT, đồng dịch giả cuốn sách "Chính sách tiền tệ thế kỷ 21", cho biết, đây là cuốn sách đầu tiên bàn về lịch sử chống lạm phát và khủng hoảng của FED, cơ quan quản lý chính sách tiền tệ của Mỹ.

TS. Vũ Hoàng Linh (thứ hai từ phải qua) cùng các chuyên gia kinh tế tham gia tọa đàm. Ảnh: H.Lan

TS. Vũ Hoàng Linh (thứ hai từ phải qua) cùng các chuyên gia kinh tế tham gia tọa đàm. Ảnh: H.Lan

"Tác giả cuốn sách, ông Ben S.Bernanke, người giữ chức Chủ tịch FED từ năm 2006 - 2014, là người có vai trò quan trọng nhất trong việc điều hành nền kinh tế Mỹ, giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ thập niên 1930... Nhờ các chính sách tiền tệ hợp lý, nước Mỹ và thế giới đều không rơi vào tình trạng suy thoái sâu: Tỷ lệ thất nghiệp lên tới đỉnh điểm chỉ là 10% vào năm 2009 so với 25% của năm 1933", TS. Vũ Hoàng Linh nói.

"Chính sách tiền tệ thế kỷ 21" là cuốn sách mới nhất của Bernanke, được xuất bản ở Mỹ năm 2022, bảy năm sau hồi ký "Dám hành động" của ông".

Trong cuốn sách mới này, ông điểm lại các chính sách tiền tệ của Mỹ trong 70 năm qua và đưa ra các nhận định về nhiệm kỳ của chính mình cũng như nhiệm kỳ của những người tiền nhiệm và kế nhiệm.

"Cuốn sách này là một nỗ lực đánh giá nghiêm túc, có tính lịch sử về chính sách tiền tệ của Mỹ kể từ thập niên 1960 đến nay từ một nhân vật trung tâm, vừa là một nhà nghiên cứu rất kỹ lưỡng về lịch sử kinh tế Mỹ, vừa là người trực tiếp chịu trách nhiệm với các chính sách tiền tệ ở Mỹ trong giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế của nước này kể từ sau Thế chiến II", dịch giả Vũ Hoàng Linh cho biết.

Cũng theo dịch giả, FED dưới thời Bernanke hoạt động tốt hơn nhiều so với trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, như Đại khủng hoảng thập niên 1930 và các cú sốc dầu mỏ thập niên 1970.

"Sở dĩ như vậy là vì Bernanke cùng đồng nghiệp đã học được từ những sai lầm của những người đi trước và sẵn sàng có những hành động mạnh mẽ, vượt qua những rào cản của sự trì trệ trong hệ thống".

Khác với người tiền nhiệm Greenspan có xu hướng đóng kín trước công chúng, Bernanke đề cao sự minh bạch và rõ ràng trong các chính sách tiền tệ.

Ông yêu cầu FED phải có trách nhiệm giải trình hành động của mình rõ ràng hơn với công chúng. Ông tổ chức các cuộc họp báo thường xuyên và công bố thông tin rộng rãi về các cuộc thảo luận của FED, kể cả ý kiến bất đồng với các thay đổi chính sách trong nội bộ.

"Chính sách tiền tệ thế kỷ 21" dày 536 trang, do Vũ Hoàng Linh và Sơn Phạm chuyển ngữ, phát hành đầu tháng 1.2024. Ảnh: Omega+

"Chính sách tiền tệ thế kỷ 21" dày 536 trang, do Vũ Hoàng Linh và Sơn Phạm chuyển ngữ, phát hành đầu tháng 1.2024. Ảnh: Omega+

"Những đánh giá thành công hay thất bại và những bài học trong chính sách tiền tệ của Mỹ trong 70 năm qua từ một chuyên gia như Bernanke chắc chắn là những kiến thức quý báu cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu kinh tế trên thế giới.

Hơn nữa, người đọc còn học được từ cuốn sách này những bài học về lãnh đạo trong những tình huống khó khăn, về các lựa chọn mà những nhà làm chính sách phải đưa ra trong bối cảnh thông tin không đầy đủ", theo dịch giả Vũ Hoàng Linh.

Ông cũng yêu cầu sử dụng những từ ngữ đơn giản để công chúng có thể hiểu rõ vấn đề hơn.

Cũng tham dự tọa đàm, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, trong bối cảnh hệ thống tài chính của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, những bài học kinh nghiệm phòng chống và xử lý khủng hoảng tài chính ở Mỹ lại càng hết sức quan trọng.

Ben Bernanke, là nhà kinh tế học người Mỹ. Ông từng giữ chức giáo sư, chủ nhiệm khoa Kinh tế Đại học Princeton từ năm 1996 đến tháng 9.2002. Từ 2006 đến 2014, ông là chủ tịch thứ 14 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Ông cũng là đồng chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2022 - cùng Douglas Diamond và Philip H. Dybvig - cho nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính.

Ngoài "Chính sách tiền tệ thế kỷ 2"1, cuốn The Courage to Act (Dám hành động) của Bernake được dịch sang tiếng Việt vào năm 2019.

H.Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chien-luoc-ung-pho-chong-dai-lam-phat-va-khung-hoang-cua-my--i358104/